Tái bản tập san Sử Địa từng xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975
Văn hóa - Ngày đăng : 14:37, 29/04/2016
Tập san Sử Địa được khởi nguồn và hình thành từ phong trào sinh viên những năm 1963 - 1964, bước đầu một số sinh viên (thuộc hai ban Sử Địa Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn) thành lập một câu lạc bộ ngoại khóa lấy tên "Nhóm Sử Địa Đại học Sư Phạm Sài Gòn" thường tổ chức các hoạt động du khảo, diễn thuyết, báo chí và phát hành nội san "Tin Sử Địa" in ronéo. Ông Nguyễn Văn Trương, chủ nhà sách Khai Trí tình cờ được đọc một số của nội san này và muốn giúp đỡ việc in ấn. Sau đó, ngày 27 tháng 2 năm 1966, Tập san Sử Địa số 1 ra mắt tại Câu lạc bộ Báo chí tại Sài Gòn, và ông Nguyễn Nhã, lúc đó vừa học xong Đại học, được giao trách nhiệm chủ nhiệm. Nhờ tính cách đa dạng của các tác giả góp mặt cũng như sự tiếp cận thông tin nhiều chiều, nên những bài viết đăng tải trên tâp san Sử Địa được trình bày qua nhiều góc cạnh khác nhau, với từng quan điểm cá nhân và khách quan của người viết.
Tập san Sử Địa là tam cá nguyệt xuất bản được 29 số từ số 1 năm 1966 đến số 29 năm 1975, trang bìa ghi “Do một nhóm giáo sư, sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương” và “Nhà sách Khai Trí bảo trợ”. Ban chủ biên tập san gồm nhiều nhà khoa học có tên tuổi của miền Nam trước đây như giáo sư Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn,Phạm Cao Dương, Quách Thanh Tâm, Trần Anh Tuấn, Tạ Chí Đại Trường, Chen Chin Hô tức Trần Kình Hòa, Đặng Phương Nghi... Ngoài ra còn có một số nhà nghiên cứu tham gia viết bài như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Hảo, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường,Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Đăng Thục…
Đặc biệt tập san nhận được sự cộng tác của nhiều nhà khoa học nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài như: Hoàng Xuân Hãn, Chen Hing Ho (Trần Kinh Hòa), Nguyễn Đăng Thục, Bửu Kế, Lê Thọ Xuân, Thái Văn Kiểm, Hồ Hữu Tường, Nghiêm Thẩm, Bùi Quang Tung, Nguyễn Bạt Tụy, Vương Hồng Sển…
Năm 2007, được sự giúp đỡ của Trung tâm Viễn Đông Bác cổ Pháp, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã in lại toàn bộ 29 số tạp san Sử Địa dưới hình thức dĩa CD để phổ biến, nhưng vì số lượng có hạn nên không cung cấp đủ cho các nhà nghiên cứu.
Trong Lời giới thiệu cho lần tái bản Tập san Sử Địa xuất bản từ số đầu tiên năm 1966 đến số cuối cùng năm 1975, GS. Phan Huy Lê có viết: “Tập san Sử Địa để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần khoa học và ý thức dân tộc của những người chủ trương tập san và các tác giả bài viết. Tính khoa học và tính dân tộc là đặc điểm bao trùm của tập san. Nhiều bài viết trên tập san thực sự là những công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tư liệu công phu, xử lý thông tin khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc”.
Các ấnphẩm của Tập san Sử Địađược chọn tái bản lần này NXB Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay thống nhất giữ nguyên mẫu các bản in đã được xuất bản trước đây để tiện cho các nhà nghiên cứu so sánhvà bạn đọc lưu giữ làm tư liệu.
Qua các số đặc khảo được tái bản lần này,những người thực hiện mong muốnsẽ giúp bạn đọc tiếp cận được nhiều nguồn tư liêu có giá trị đặc biệt là các tư liệu về các nhân vật lịch sử hiện vẫn còn có một số quan điểm vàluồngý kiến tranh cãikhác nhau.
Tiểu Vũ