Kỳ 23: Tổng thống Johnson "dưới bóng toà đại sứ Mỹ"!

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:15, 25/05/2015

Người phóng xe cảm tử lao thẳng vào cổng Tòa đại sứ Mỹ là trinh sát Nguyễn Thanh Xuân (tức Bảy B) - anh ta phải nhanh chân thoát khỏi vòng sát thương của khối thuốc nổ TNT (do chính anh giật nụ xòe, kích nổ) trong 20 giây…
Nếu chậm hơn, anh sẽ phải bỏ mạng dưới tòa nhà đổ nát.

Khối thuốc nổ ấy chở trên chiếc ô tô du lịch hiệu Frigate màu đen bóng loáng, được mua trước đó với giá 270.000 đồng - tương đương 2.289 USD, tính theo hối suất của năm 1965 (lúc mở trận đánh): 1 USD ăn 118 đồng tiền Sài Gòn (xem thêm: Lịch sử Sài Gòn thời kỳ 1945-1975 - Cao Tự Thanh, Hồng Duệ, Hoàng Mai chủ biên, NXB Tổng hợp TP. HCM và NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành 2007, tr. 164-166).

Ngoài Bảy B, đội cảm tử trực tiếp vào trận còn có: Lê Văn Việt (căn cước giả mang tên: Nguyễn Văn Hai), Trần Văn Thế, Nguyễn Nông và Nguyễn Thị Minh Nguyệt.

Minh Nguyệt hoạt động quân báo từ năm 1961, lần này đảm trách chuyển súng ngắn vào điểm X. và đưa hơn 150kg TNT cùng kíp gây nổ, nụ xòe, dây cháy chậm trên một chiếc xe buôn mủ cao su (theo “hợp đồng giả” với cơ sở cách mạng Tư Sao) đến ém tại nhà ông Mười Vĩnh Long (68/168B Trần Quang Khải, quận 1) và Nguyễn Nông (tức Năm Bắc) ở số 194/5/5 đường Bạch Đằng - Gia Định.

9g40 phút ngày 30.3.1965: họ xuất phát từ quán cà phê Văn Hoa số 85 Trần Quang Khải theo đội hình: “3 chiếc xe gắn máy lần lượt nối tiếp nhau, gồm: anh Năm Bắc (trinh sát lộ trình), Trần Văn Thế (bảo vệ xung kích), Lê Văn Việt (xung kích), chiếc Frigate đi hàng thứ 4 do Nguyễn Thanh Xuân lái (làm nhiệm vụ thọc sâu), sau cùng là Nguyễn Thị Minh Nguyệt trên chiếc mobylette có nhiệm vụ “coi chừng cái đuôi” (Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến, Trần Hải Phụng và Lưu Phương Thanh chủ biên, NXB TP. HCM 1994, tr. 396).

Khi xe do Bảy B lái trờ tới đoạn đường ngang qua Tòa đại sứ, anh ta bất thần tăng ga leo lên lề, phóng thẳng đến sát cửa chính của tòa nhà, rồi bằng một động tác chuyên nghiệp đã thắng thật mạnh cho xe chồm lên phía trước, nhanh nhẹn tung cửa nhảy ra ; tay kia giật nụ xòe kích nổ, 5 giây - rồi 7 giây… Từ bên kia đường, hai cảnh sát có vũ trang nghi ngờ nhìn về phía cổng Tòa đại sứ, định bắn Bảy B. Tư Việt nổ súng hạ gục cả hai. Nghe tiếng nổ, đám đông công an Sài Gòn mặc thường phục đang ngồi trong các quán nước quanh đó đã ùa ra bao vây.

Bảy B vẫn bình tĩnh rời xa “chiếc xe tử thần” - bắn gục hai lính Mỹ trước khi băng qua vệt vôi ranh giới - và thoát khỏi tầm bắn của ổ súng đại liên Mỹ đang khạc đạn từ trên lầu 5 xuống. Khoảng 190 nhân viên trong Tòa đại sứ hoảng hốt chạy vào thang máy và các hành lang thoát hiểm để đến tầng trệt, nhưng không may, chưa tới nơi khối TNT đã phát nổ:

“Tiếng nổ long trời ở Tòa đại sứ Mỹ làm cả Sài Gòn náo động. Từng đoàn xe cứu hỏa lao tới cùng với các đoàn người đổ về đông nghẹt, ai cũng muốn được nhìn tận mắt cảnh tượng bi thảm của “Nhà Trắng phương Đông”. Sức thổi của khối thuốc hình lõm làm tất cả tường phía trong của lầu 1, 2, 3 đều bị sập rỗng lên đến tầng 4, song sắt cửa của các tầng đều bị cong queo, 30 chiếc xe du lịch của sứ quán đều cháy trụi, là cờ Mỹ 50 sao bị hất xuống đất, gạch ngói, ly cốc, giấy tờ bay tơi tả. Sứ quán Mỹ tan hoang. Trong tro bụi hoang tàn và hỗn loạn, số Mỹ còn sống sót lóp ngóp chui ra, mình mẩy bê bết máu (...) Người ta thấy cả phó đại sứ Alexis Johnson ôm đầu tháo chạy ra phía cổng đại sứ quán. Lúc đó là 10 giờ 55 phút (ngày 30.3.1965)”.

Trên đây là đoạn trích từ cuốn Biệt động Sài Gòn của Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) - Phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến trường Sài Gòn - Gia Định các năm 1968-1972, kiêm Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động thành Sài Gòn (NXB Trẻ TP. HCM 1999, tr. 113). Tư Chu ghi nhận:

*Phía chính phủ Mỹ: Tổng thống Johnson ngừng ngay bữa tiệc tiếp đãi phái đoàn của nước Thượng Volta để nghe báo cáo về tổn thất nặng nề của Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn (có hơn 190 người Mỹ vừa chết vừa bị thương). Nếu cụm từ “dưới bóng Tòa đại sứ Mỹ” dùng để chỉ các tướng lãnh và các chính khách VNCH hoàn toàn ủng hộ chính sách mở rộng chiến tranh của Mỹ thì lúc đó có thể tạm dùng để chỉ “nỗi lòng” của tổng thống Johnson trong ngày Tòa đại sứ này bị đánh tan hoang…

* Phía cảm tử quân cộng sản: Lái xe cảm tử Nguyễn Thanh Xuân thoát khỏi vùng ảnh hưởng của 150kg chất nổ và lần ra phía ngoài, ngoắc tắc-xi “đến chợ Bến Thành (anh xuống), lách qua các gian hàng buôn bán để đề phòng bị theo dõi, sau đó ung dung về nhà cơ sở”.

- Cảm tử quân Trần Văn Thế “bắn viên đạn cuối cùng yểm trợ cho Tư Việt, rồi cho xe gắn máy lách qua ngã ba để qua bên kia Chợ Cũ (…) chạy thẳng về nhà thu xếp đồ đạc đưa mẹ anh ra xe đón sẵn về thẳng chiến khu (bà cụ đứng tên mua chiếc Frigate)”. Những biệt động khác cũng an toàn (sau trận đánh).

Chỉ riêng Tư Việt - cảm tử quân mà sau này chính phủ Mỹ, tổng thống Johnson, gia đình cố tổng thống Kennedy và cả ban giám đốc tình báo CIA đều phải nhắc đến tên. Vào giờ phút nguy kịch nhất, sau tiếng nổ đánh sập Tòa đại sứ Mỹ, Tư Việt bị công an cảnh sát Sài Gòn rượt đuổi. Anh phóng xe lao tới trước, nhưng một tay vẫn cầm súng quay đầu lại bắn trả. Cuộc đấu súng không cân sức diễn ra quyết liệt trên một đoạn ngắn dọc đường Nguyễn Công Trứ và Phó Đức Chính. Thất thế, anh bị trúng đạn ở bụng, từ phía sau xuyên ra trước, hất anh ngã xuống gốc cây bên đường: “Tư Việt một tay nhét ruột vào bụng, một tay cầm súng với hai viên đạn cuối cùng”… (Còn nữa).

Giao Hưởng


 

Một Thế Giới