Kỳ 21: Đại tướng Nguyễn Khánh cầu cứu Nguyễn Cao Kỳ trong cơn nguy ngập...

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:48, 21/05/2015

Được tin thiếu tướng Lâm Văn Phát đưa xe tăng đến nhà riêng tìm bắt mình - đại tướng Nguyễn Khánh tức khắc rời Bộ Tổng tham mưu…
Nguyễn Khánh bị lên án là tác nhân chủ chốt của những khủng hoảng chính trị và rối ren xã hội đương thời. Ông thâu tóm quyền hành, làm Thủ tướng, rồi Chủ tịch Hội đồng Quân nhân cách mạng, Chủ tịch VNCH, đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội. Để chống lại khuynh hướng độc tài độc trị của ông, cuộc chính biến ngày 19.2.1965 nổ ra, muốn bắt giữ ông. Ông chưa biết chạy về đâu vì nhiều nẻo đường đã bị quân đảo chánh của Phạm Ngọc Thảo và Lâm Văn Phát trấn giữ.

Trong lúc bối rối, ông điện thoại liên lạc với thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ, báo để Kỳ biết: hiện có nhiều xe tăng và binh sĩ đột ngột xuất hiện giữa Sài Gòn và ông phải chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất để nhờ đến Kỳ.

Khi nhận điện thoại của Khánh là lúc Kỳ đang đánh bài mạt chược với các viên phi công dưới quyền. Kỳ vội vàng đứng lên, giục các phi công trên phải trở về ngay phi đoàn lấy máy bay để bay lên quan sát xem có chuyện gì đang xảy ra. Thật bất ngờ, mới bước khỏi nhà, họ đã quay lại nói với Kỳ là họ không thể chạy đến các máy bay của họ được, vì quanh phi trường chỗ nào cũng có xe tăng đang vây ráp.

Nghe vậy, Kỳ nhảy lên chiếc xe jeep tự lái đi, xem xét tình thế ra sao. Ra tới cổng, Kỳ đã gặp Khánh trờ tới trên chiếc xe Mercedes có cắm cờ lệnh của Bộ Tổng tham mưu. Khánh nói đại ý: Phát (thiếu tướng Lâm Văn Phát) và Thảo (đại tá Phạm Ngọc Thảo) đã động binh “tạo phản” đang hầu như làm chủ tình hình ở Sài Gòn từ 11g30 trưa hôm đó (19.2.1965), rồi hỏi Kỳ:

- “Anh có cách nào đưa tôi ra khỏi đây không ?”

- “Chắc tôi không thể làm được. Mấy phi công của tôi đã không thể cất cánh !”

Khánh nài nỉ Kỳ hãy cố giúp mình:

- “Đi bất cứ đâu, miễn chúng ta đi khỏi chỗ này!”.

Kỳ đáp:

- “Thôi được, nếu cần đi thì chúng ta nên đi mau !”.

Nói xong, Kỳ bảo Khánh hãy bỏ chiếc Mercedes lại, để nhảy lên xe jeep với Kỳ, cùng nổ máy chạy đến phía sau một ngôi nhà có để sẵn máy bay theo một lối đi riêng: “nơi mà lúc nào cũng có một chiếc máy bay sẵn sàng cất cánh trong trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi chạy nhanh đến nơi đó, tránh không cho binh sĩ của Phát trông thấy và các binh sĩ này hình như cũng không tiến sâu hơn nữa vào trong căn cứ không quân”. Kỳ khởi động máy bay và giục Khánh lên ngồi trên một ghế hành khách và lái ra phi đạo: “Chúng tôi ra phi đạo vừa đúng lúc. Bởi vì khi ấy tôi nhìn về hướng cuối phi đạo, thấy có 20 chiếc xe tăng đang tiến ngược chiều về phía chúng tôi. Tôi không thể trở lui được nữa, vì vậy mà tôi đã cho chiếc máy bay DC3 đã cũ quay hết tốc lực máy, chạy nhanh trên phi đạo và cất cánh, hai bánh xe của máy bay lướt sát trên các xe tăng” (Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ - Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào? - theo bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam).

Máy bay chở Khánh đáp xuống phi trường gần Đà Lạt, để Khánh xuống và Kỳ bay trở lại hướng Nam. Đến Sài Gòn, Kỳ phải bay vòng vòng một hồi bởi ông không thể đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vì các đơn vị thiết giáp và cả bộ binh đang bao vây căn cứ không quân - họ có thể bất thần nổ súng bắn hạ Kỳ nếu có lệnh của thiếu tướng Lâm Văn Phát.

Lâm Văn Phát (sinh 1920 tại Cần Thơ), từng làm Tổng trưởng nội vụ VNCH và Tư lệnh Biệt khu thủ đô (Sài Gòn). Ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Trường Võ bị liên quân Viễn Đông tại Đà Lạt năm 1947, học trường Thiết giáp kỵ binh Saumur (Pháp) năm 1950, Trường Sĩ quan Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth tại Mỹ (US Army Command and General Staff College) năm 1959, thăng cấp đại tá và bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 năm 1963. (Chị ruột Lâm Văn Phát là “người đẹp Tây Đô” Lâm Thị Phấn - thiếu tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang). Người ta nhắc đến ông với đặc điểm là “chuyên gia đảo chánh” - qua 4 lần tham gia: 1. Lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1.11.1963, được Hội đồng các tướng lĩnh thăng thiếu tướng ngày 2.11 năm ấy. 2. Chỉnh lý phế truất 4 tướng: Đôn, Đính, Kim, Xuân - ủng hộ tướng Nguyễn Khánh lên cầm quyền. 3. Do tướng Nguyễn Khánh muốn độc tài, độc trị, nên ông lại cùng trung tướng Dương Văn Đức kéo quân về Sài Gòn mưu lật đổ Nguyễn Khánh ngày 13.9.1964 nhưng bất thành. 4. Cầm đầu cuộc đảo chánh do đại tá Phạm Ngọc Thảo tổ chức ngày 19.2.1965.

Nhắc lại, Nguyễn Cao Kỳ đưa Khánh thoát lên Đà Lạt bằng máy bay, khi quay về đã không đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất được, phải bay đi Biên Hòa cách Tân Sơn Nhất khoảng 20 dặm về phía Bắc đáp xuống (do căn cứ không quân Biên Hòa chưa lọt vào tay quân đảo chánh của Lâm Văn Phát). Ở đó Kỳ nhanh chóng tụ họp hội đồng nội các, có cả tướng Nguyễn Chánh Thi cũng từ Đà Nẵng bay vào. Cuộc họp quyết định bãi nhiệm Nguyễn Khánh và tiến chiếm Sài Gòn. Kỳ viết:

“Chúng tôi phải dẹp được Phát trước đã. Tôi quyết định đe dọa sử dụng sức mạnh của không quân, một lối đe dọa mà trước kia đã tỏ ra có hiệu quả, và tôi sắp sửa tìm cách tiếp xúc với Phát thì, không báo trước, tướng Robert Rowland, cố vấn Hoa Kỳ cạnh không quân Việt Nam đã gọi giây nói cho tôi vào lúc 3 giờ trưa và hỏi: “Chính phủ của tôi muốn biết là ông có đứng về phía phe nổi loạn hay không ?”. Tôi trả lời là tôi không có theo phe nổi loạn và tiếp: “Tốt hơn là ông nên nói với mấy người đó (Lâm Văn Phát và Phạm Ngọc Thảo) hãy rút khỏi tổng hành dinh của tôi ở Sài Gòn. Nói với họ là tôi cho họ bốn tiếng đồng hồ để rút, nghĩa là cho đến 7 giờ chiều hôm nay. Nếu họ không rút ra, tôi sẽ đánh bom khu vực Sài Gòn”. Việc đánh bom Sài Gòn thực sự gần như đã có thể xảy ra. Đến 6 giờ rưỡi, Rowland lại gọi giây nói cho tôi: “Ông Kỳ, ngay bây giờ đừng làm như vậy. Gạt bỏ tất cả mọi chuyện khác ra, tôi hiện vẫn đang ở tại tổng hành dinh, nếu ông đánh bom tổng hành dinh, ông sẽ đánh bom luôn cả tôi nữa”.  (Còn nữa).

Giao Hưởng

Một Thế Giới