Kỳ 12: Trần Kim Tuyến: thoát hiểm trong gang tấc!
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:37, 05/05/2015
Từ xu hướng đó, Trần Kim Tuyến đứng chân trên chính trường Sài Gòn theo hai ngả. Một mặt, ông tuân thủ các mệnh lệnh xuất phát từ chính sách “gia đình trị” của Ngô Đình Diệm (tổng thống) và Ngô Đình Nhu (cố vấn tổng thống) cùng bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu). Mặt khác, Trần Kim Tuyến lại “tìm cách mở tiến trình chính trị rộng hơn” (dân chủ hóa) nên bị hai ông Diệm - Nhu cách ly, đưa đi công cán ở Ai Cập vào cuối nền Đệ nhất Cộng hòa (1954 - 1963).
Sang cuối thời Đệ nhị Cộng hòa (tổng thống: Nguyễn Văn Thiệu), Trần Kim Tuyến bị kẹt lại Sài Gòn (29.4.1975). Nếu Phạm Xuân Ẩn muốn bắt giữ Trần Kim Tuyến vào thời điểm đó hẳn nhiên sẽ dễ hơn trở bàn tay. Nhưng ông đã ứng xử ngược lại: cứu Tuyến! Điều đó gây phiền hà không ít cho Phạm Xuân Ẩn về sau. Vì, cơ quan an ninh phản gián Hà Nội nhiều lần thắc mắc tại sao Phạm Xuân Ẩn giúp một “con cá lớn” như Tuyến vọt thoát khỏi “lưới” nhà ?
Ông giải thích (cũng nhiều lần) với họ:
Bởi, Trần Kim Tuyến bạn ông, nên ông giúp chỉ thuần vì “mệnh lệnh của trái tim” chứ không vì gì khác. Song mối ngờ vực vẫn chưa hết. Nên có lần Phạm Xuân Ẩn nói “trung ương” (chỉ Hà Nội) nghi bất cứ ai (ở Sài Gòn) từng tiếp xúc với Mỹ “đều có thể là CIA - kể cả tôi”. Riêng việc đưa Trần Kim Tuyến ra đi, lược kể:
Chiều 29.4.1975, Trần Kim Tuyến nhiều lần liên lạc với các sứ quán Mỹ, Anh, Pháp bất thành - đã khẩn khoản nhờ đến Phạm Xuân Ẩn. Nhận lời, ông Ẩn lái chiếc xe hơi Renault màu xanh lá cây của mình đưa ông Tuyến vòng đến sứ quán Mỹ, nhưng không vào được. Cả hai quay về văn phòng Tạp chí Time (nơi Phạm Xuân Ẩn cộng tác) đóng tại Khách sạn Continental và được Tom Polgar (Trưởng trung tâm CIA ở Sài Gòn) nhắn tin (qua nhà báo Dan Southerland) bằng điện thoại là bất cứ giá nào Trần Kim Tuyến cũng phải đến ngay tòa nhà 22 đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng - nơi CIA đặt các phòng ban trực thuộc trên ngót 8 tầng lầu). Và sân thượng tầng thứ 9 hiện đang trở thành bãi đáp để trực thăng bốc đi, với khoảng 20 - 30 người đứng chờ (di tản) trong đó có trung tướng Trần Văn Đôn (xem thêm Kỳ 9):
“Khi Trần Văn Đôn lên được tầng thượng của tòa nhà, thì Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến đi xe hơi cũng vừa đến. Trần Kim Tuyến đã không gặp may như Trần Văn Đôn (bởi) những người lính gác đã đóng cổng và khóa lại. Phạm Xuân Ẩn liền phanh gấp cho xe hơi dừng lại, nhảy ra quát: “Theo lệnh của đại sứ (Graham Martin), người này (Trần Kim Tuyến) phải được cho vào !” (Larry Berman, sđd Kỳ 11, tr. 377).
Dầu vậy những người lính gác vẫn khăng khăng từ chối, đẩy ra, nhất định không để một ai, kể cả Trần Kim Tuyến (người có danh sách do đại sứ Martin trao đến), được lọt vào tòa nhà CIA vào lúc chiếc trực thăng cuối cùng vừa đáp xuống nóc nhà và chuẩn bị cất cánh. Phạm Xuân Ẩn với Trần Kim Tuyến vẫn còn đứng dưới đất, ngoài cổng.
Rõ là “tình thế có vẻ vô vọng”, nhất là khi cánh cổng bằng thép đang từ từ khép lại. Đột nhiên, dường như theo phản ứng khởi lên từ một năng lực tiềm ẩn, Phạm Xuân Ẩn đã “chạy lại dùng tay trái chặn cổng, rồi lấy tay phải đẩy mạnh Trần Kim Tuyến với dáng người bé nhỏ chui qua cổng - khe hở lúc đó chỉ còn khoảng chưa đầy 46cm - không có thời gian cho hai người ngỏ lời tạm biệt và cảm ơn. Phạm Xuân Ẩn nói “Chạy !”- cùng lúc đó, hai hàng nước mắt bỗng lăn xuống gò má của ông - Trần Kim Tuyến cũng khóc và chẳng thể nói được điều gì ngoài câu: “tôi sẽ không bao giờ quên !”.
Larry Berman thuật tiếp: “Thang máy trong tòa nhà không hoạt động khiến Trần Kim Tuyến phải chạy bộ 8 tầng mới lên đến sân thượng. Mệt muốn đứt hơi. Những người di tản cuối cùng đang bước lên trực thăng. Đứng bên ngoài, Phạm Xuân Ẩn lòng dạ rối bời, lo cho Trần Kim Tuyến không kịp lên máy bay. Mãi đến khi ông (Phạm Xuân Ẩn) nhìn thấy cánh tay của Trần Văn Đôn thò ra ngoài cửa (trực thăng) đang mở” để nhấc dáng người thấp bé của Trần Kim Tuyến lên theo, bấy giờ ông mới an tâm, quay về... (Larry Berman, sđd tr. 379).
Thoát ra nước ngoài, Trần Kim Tuyến viết một lá thư nhờ Henry Kamm bí mật trao Phạm Xuân Ẩn bày tỏ lòng tri ân đã cứu mình qua cơn hoạn nạn. Đáp lại, Phạm Xuân Ẩn cũng bí mật hồi âm, rằng ông giúp ông Tuyến ra đi vì ông biết ông Tuyến rất yêu vợ - mà vợ ông Tuyến cũng rất yêu chồng - lúc ấy bà lại đang mang thai. Nên, theo lời Phạm Xuân Ẩn, ông không muốn một cháu bé mới ra đời phải “bị mồ côi”.
Sâu xa hơn, Phạm Xuân Ẩn ghi nhận qua mối quan hệ bằng hữu với Trần Kim Tuyến trong nhiều năm, thì họ Trần (vô tình) đã là một trong những chính khách Sài Gòn tạm gọi nắm “điều kiện ắt có và đủ” để góp một tay hữu hiệu giúp Phạm Xuân Ẩn hoạt động “tình báo chiến lược” giữa lòng chế độ.