Kỳ 2: Tại sao thủy quân lục chiến Mỹ và binh lính Sài Gòn suýt bắn nhau vào giờ chót?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:20, 23/04/2015
Hồ sơ số 31559 - Font PTTg (lưu trữ phát biểu của tổng thống Thiệu):
Phát biểu trên (4.4.1975) cho thấy sợ hãi quá mức đã gây nên sức ép tâm lý trong dân chúng và binh lính Sài Gòn, dẫn đến hỗn loạn. Đại sứ Mỹ Martin nhận định (tương tự): “Yếu tố đáng sợ nhất chính là sự hoảng hốt. Sự hoảng hốt có thể là kẻ giết người, là kẻ phá đổ, và là yếu tố làm tê liệt mọi việc mà ta cần phải tránh với bất cứ giá nào vào lúc đó”.
Câu ấy của Martin được TS. Nguyễn Tiến Hưng (cố vấn tổng thống Thiệu) trích dẫn trong cuốn “Khi đồng minh tháo chạy” (xuất bản lần đầu năm 2005 bởi cơ sở Hứa Chấn Minh - San Jose, CA).
Đến 16.4.1975 Phan Rang thất thủ (xem kỳ 1). Qua hôm sau 17.4.1975, đại sứ Martin nhận mật điện từ Mỹ:
Người nhận: Martin
Độ mật: Tối mật
“Chúng tôi vừa họp xong một cuộc họp liên bộ để duyệt xét tình hình miền Nam Việt Nam. Ông Đại sứ phải biết rằng trong phiên họp của Ủy ban Đặc nhiệm Washington hôm nay, hầu như không có ai ủng hộ việc di tản người Việt và việc dùng quân lực Mỹ yểm trợ bất cứ việc di tản (người Việt) nào. Quan điểm chung của các giới quân sự, Bộ Quốc phòng và CIA là phải rút ra cho lẹ và ngay lập tức”.
(“We have just completed an interagency review on the state of play in South Vietnam. You should know that at the WSAG (Washington Special Action Group) meeting today, there was almost no support for the evacuation of Vietnamese, and for the use of American force to help protect any evacuation. The sentiment of our military, DOD (Department of Defense) and CIA colleagues was to get out fast and now”).
Để bạn đọc tiện theo dõi các diễn tiến đầy kịch tính trong các bài tới, ở cuối bài này, chúng tôi trích giới thiệu trước đoạn TS. Hưng viết về cuộc tháo chạy do Nhà Trắng lên kế hoạch điên rồ (crazy plans) sau:
“Để giúp cho việc ra đi được yên ổn và không tổn hại nhiều đến uy tín của mình, Hoa Kỳ đã có 4 dự định chính: 1. Mang thủy quân lục chiến vào Sài Gòn để phụ trách di tản 6.000 người Mỹ và một số rất ít người Việt Nam liên hệ. 2. Tác động với phía Việt Nam để tránh tình trạng hỗn loạn vào giờ phút chót. 3. Nhờ cậy Liên Xô dàn xếp với Hà Nội để không cản trở việc di tản. 4. Sắp xếp một giải pháp chính trị để có một thời gian chuyển tiếp”.
Martin: “Người Việt Nam sẽ cho rằng Hoa Kỳ mang thủy quân lục chiến vào để di tản người Mỹ và mặc kệ số phận người Việt ở đây - đó là một hành động phản bội trắng trợn của Hoa Kỳ (…) tình báo của chúng tôi đã có rất nhiều những báo cáo chính xác là nếu chúng ta mang số đông thủy quân lục chiến vào để di tản người Mỹ, chúng ta sẽ phải chiến đấu để mở đường tháo chạy. (Lúc ấy) không quân Việt Nam (không quân Sài Gòn) sẽ bắn rơi các máy bay vận tải của mình (chở người Mỹ ra đi), vì chúng ta bỏ rơi chiến hữu, phó mặc họ cho Bắc Việt”. Và một quan chức ở Sài Gòn nói thẳng với Kissinger rằng: “Nếu các ngài rút người Mỹ ra và bỏ rơi chúng tôi trong hoạn nạn, các ngài có thể phải đánh nhau với một sư đoàn quân đội miền Nam (quân đội Sài Gòn) để mở lối ra”…
Giao Hưởng