Đêm khai mạc Festival Huế 2016: ‘Huế đẹp và thơ’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:43, 30/04/2016
Vùng đất tinh hoa
Festival Huế 2016 với chủ đề "710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế, di sản văn hóa với hội nhập phát triển"; đây là một quá trình dài phát triển của đấtThần kinh.
Hơn hai vạn khán giả đến Quảng trường Ngọ Môn như sởn "da gà" khi nghe "Trầm tích thơ Huế" được ngân vang bởi NSND Kiều Oanh và dàn múa nhà hát ca kịch Huế. "710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế"như hiện về qua từng câu hát, với âm hưởng nhã nhạc cung đình cùng giọng hò xứ Huế.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh: “Festival Huế 2016 nhằm mục đích quảng bá văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế; là nơi gặp gỡ, giao lưu các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam với các nền văn hóa thế giới; qua đó tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như những giá trị đích thực của văn hóa đương đại. Đồng thời, khẳng định văn hóa thực sự là cầu nối giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ, xóa nhòa mọi ranh giới, rào cản để xây dựng một thế giới hòa bình, tự do, bình đẳng và bác ái”.
Tham dự lễ khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh:“Festival Huế đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn và làlễ hội đặc sắc thường kỳ, ngày càng được dư luận quan tâm. Festival Huế 2016 càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp kỷ niệm “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế” và “380 năm đô thị Huế”.
“Chúng ta tự hào về Huế, với bề dày 710 năm hình thành và phát triển, trong đó có 150 năm giữ vai trò là thủ phủ của Đàng Trong (1626 - 1775) và gần 160 năm (1788 - 1945) là Kinh đô của đất nước Việt Nam thống nhất. Vùng đất lịch sử, địa linh, nhân kiệt này là một trong những nơi hội tụ nhiều nhất các di sản văn hóa của Việt Nam. Chúng ta tự hào đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị tinh hoa của dân tộc Việt Nam đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản chung của nhân loại. Trí tuệ, lao động sáng tạo cùng với tinh thần nhân văn và truyền thống hòa hiếu của nhân dân Việt Nam đã để lại những di sản vật thể, phi vật thể và những tư liệu, ký ức có giá trị vượt khuôn khổ thời gian và không gian như quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn”, Phó thủ tướng cảm tưởng.
“Tôi mong rằng các Festival Huế sẽ ngày càng chuyển tải thành công các thông điệp, hình ảnh và giá trị Việt Nam đến với thế giới, góp phần làm cho các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau hơn, vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng”.
Đêm của văn hóa năm châu
Chủ đề của đêm khai mạc Festival 2016 là "Huế đẹp và thơ". Và đúng như tên gọi của nó, khán giả đã có những phút trải mình trong chiều sâu của lịch sử, của văn hóa.
Chương trình nghệ thuật Khai mạc là sự tổng hòa, quy tụ những giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại mang hơi thở cuộc sống của Huế, nhiều vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam và các quốc gia khắp năm châu lục.
Các tiết mục tham gia biểu diễn được chuẩn bị, dàn dựng công phu trên sân khấu độc đáo, mới lạ, là bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc, đậm chất riêng.
Người ta say đắm trở về tận xa xưa của Huế với "Trầm tích thơ Huế"do NSND Kiều Oanh thể hiện. Nhiều nét văn hóa của khắp ba miền Bắc - Trung - Nam hội tụ với "Hà Nội linh thiêng hào hoa", với "Bài ca đất phương Nam". Ngoài ra, nhiều đoàn nghệ thuật của các nước Trung Quốc, Israel, Nga cũng đã mang đến những bản sắc đặc trưng độc đáo tại đêm khai mạc.
Chủ tịch Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: “Với hơn 50 hoạt động diễn ra trên khắp các địa bàn tỉnh, Festival Huế 2016 không chỉ tiếp tục hướng đến việc quảng bá hình ảnh của một Cố đô Huế đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc nhưng cũng không kém phần năng động trẻ trung. Quan trọng hơn, bạn bè và du khách sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về văn hoá Huế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Thừa Thiên-Huế và các địa phương trong vùng phát triển ngày một mạnh mẽ. Để du khách luôn nhớ những giây phút kỳ thú mà bình yên, mới mẻ mà thân thuộc, thoải mái và ấm tình người cùa vùng đất Cố đô”.
Lê Đình Dũng