'Quốc nạn' thực phẩm bẩn: lỗi của cơ quan quản lý nhà nước
Sự kiện - Ngày đăng : 17:18, 04/05/2016
Góp mặt tại Tọa đàm trực tuyến ngày 4.5với chủ đề: “Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn?", Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú đã chia sẻ thẳng thắn về tình trạng thực phẩm bẩn đang "hoành hành" tại các siêu thị và thị trường trong nước.
"Quốc nạn" thực phẩm bẩn!
Mở đầu bài phát biểu, ông Vũ Vinh Phú khẳng định: "Thực phẩm bẩn được coi là vấn nạn là đúng, nhưng tôi cho rằng đây là quốc nạn, bởi hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín – nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin".
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội (giữa)
Sự trà trộn khắp mọi nơi của thực phẩm bẩn khiến cho người tiêu dùng rơi vào “ma trận”và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch. Theo ông Phú, đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa mà còn ảnh hưởng tới đầu tư, du lịch.
"Hiện tại ở Việt Nam, theo tôi số 1 là môi trường, số 2 mới đến kinh tế. Nếu như không khí còn bẩn, nước còn bẩn thì lấy đâu ra rau an toàn. Tôi cho rằng, 95% thực phẩm hiện nay là chưa an toàn. Chính vì vậy, để giảm con số này xuống, chúng ta phải giáo dục, tạo điều kiện tốt cho người sản xuất. Một khi đã tạo điều kiện cho người sản xuất và người phân phối để sản xuất và phân phối an toàn nếu họ không chấp hành, lúc đó xử lý, như vậy họ sẽ tâm phục, khẩu phục với chế tài đề ra từ 1.7.2016 đã công bố", ông Phú nói.
Vì sao xử lý quyết liệt nhưng vẫn không hiệu quả?
Tại buổi tọa đàm, một trong những câu hỏi khiến nhiều nhà lãnh đạo và chuyên gia băn khoăn nhất là: "Tại sao xử lý quyết liệt, mạnh mẽ nhưng vẫn không hiệu quả, thực phẩm vẫn bẩn?
Giải đáp câu hỏi này, ông Phú cho rằng nguyên nhân là do cách làm hiện nay chưa khoa học. Cơ quan quản lý không kiểm soát ở sản xuất mà lại kiểm soát ở khâu bán lẻ là chính, tức là không kiểm soát ở gốc mà lại kiểm soát ở ngọn. Theo đó hãy chọn một số loại thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, rau, quả để thí nghiệm kiểm soát trước thay vì dành sức lực, tiền bạc để làm với tất cả các mặt hàng (30.000 mặt hàng/siêu thị). Thêm vào đó cần phải đầu tư vào cơ chế chính sách, thủy lợi, thuế…
Ngoài ra, người đứng đầu Hiệp hội Siêu thị hà Nội cũng cho biết, cần phải thiết lập được chuỗi sản xuất phân phối. Theo Quyết định 27/CP năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thì người sản xuất những mặt hàng thiết yếu phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng và giá cả khi đến tay người tiêu dùng. Nhưng thực tế, hiện tại nước ta vẫn chưa làm được điều này.
"Tôi khẳng định: Nếu chúng ta vẫn làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay thì đến 10 năm nữa thực phẩm của chúng ta vẫn thếvà người chịu thiệt hại nhất vẫn chính là những người tiêu dùng. Song song với kiểm soát thực phẩm, thì chúng ta phải nâng cao đời sống, sức mua cho nhân dân, nhất là những người nghèo, bởi vì họ nghèo sẽ dẫn tới mua hàng hóa một cách xô bồ, khó chọn lọc theo ý của mình được. Điều này hết sức quan trọng", ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, 20 năm hay 10 năm đều là khoảng thời gian cần nhưng chưa đủ. Cái chính vẫn phải làthiết lập được kỷ luật thị trường, kỷ luật trong chuỗi cung ứng thật nghiêm khắc. Người sản xuất, phân phối phải tự giác nhận thấy vấn đề phải sản xuất sạch, phân phối sạch là cần thiết không chỉ bảo vệ uy tín của họ mà còn bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuyết Nhung
Ảnh minh họa:Thực phẩm bẩn hiện đã xuất hiện trong các siêu thị uy, được người dân tin dùng