Kỳ 5: Mẹ cựu hoàng Bảo Đại muốn gả cháu cho 'chuyên gia đảo chính' Nguyễn Chánh Thi?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:57, 01/09/2015

Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, cả hai chẳng thích thú gì khi đang gắng gạt hết các “tướng già” như Đỗ Mậu, lại phải bận tâm với loại “tướng trẻ” ngang ngạnh như Nguyễn Chánh Thi. 
Chiếc máy bay như “lết đi nặng nề” và “bầu không khí bỗng trở nên nghẹt thở sau khi câu chuyện thuốc phiện bị Nguyễn Hữu Có đem nói toạc ra” theo như Thi kể. Đã thế, Thi bồi thêm mấy câu pha trò, khích bác chơi.
Thiệu và Kỳ, cả hai chẳng thích thú gì khi đang gắng gạt hết các “tướng già” như Đỗ Mậu, lại phải bận tâm với loại “tướng trẻ” ngang ngạnh như Nguyễn Chánh Thi. Thi sinh tại Huế, 33 tuổi làm Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù (1956) là một trong những người cầm đầu cuộc đảo chính hụt Ngô Đình Diệm hôm 11.11.1960, sau đó phải trốn sang Campuchia trong 3 năm.
Khi chế độ Diệm đổ, ông ta quay về Sài Gòn thì vợ đã chung chạ với một người bạn cũ của ông. Từ đó, ông sống một mình, nuôi 4 con. Nhận chức Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật từ năm 1964-1966, đóng bản doanh tại Đà Nẵng nhưng hàng tuần Nguyễn Chánh Thi vẫn dùng trực thăng bay ra Huế. Bay ra đó vì công việc của “đại biểu chính phủ” tại Trung nguyên Trung phần mà ông ta kiêm nhiệm. Song dư luận báo giới đương thời vẫn cho vì ông nặng lòng với một cô gái Huế.
Dưới tít lớn “Tướngrâu miền hỏa tuyến (Nguyễn Chánh Thi) vừa yêu cô dược sĩ, vừa…ghét ai nhứt?” một bài báo viết:lại trông đêm trông ngày chờ ông đi cưới, thế mà…”. Chuyện đó ông ta không kể trong hồi ký mà chỉ nhắc đến cô H.T.X.M nào đó trong đoạn “Chuyện trò thân mật với Đức Từ Cung thân mẫu của cựu hoàng Bảo Đại” trích sau: “Cuối tháng 11.1964 một buổi mai thứ bảy, tôi đang ngồi uống nước trà với bà chị cả tôi ở quê lên thăm, thì vào khoảng 10 giờ sáng, một bà cụ già của Phước tộc ghé thăm. Sau mấy lời xã giao, bà cụ nói: - Đức Từ Cung sai tôi đến đây có ý mời Ôn qua nhà uống trà, luôn tiện có vài công chuyện muốn thưa với Ôn”.
Theo lời hẹn, sáng hôm sau chủ nhật ông ta đến nhà bà Từ Cung lúc 10 giờ sáng. Bà Từ Cung cho người nhà bận quần áo chỉnh tề ra đón khi ông vừa bước xuống xe, mời vô nhà. Cửa vừa mở, đã thấy bà Từ Cung đứng sẵn mặc áo màu vàng lạt, đầu tóc bạc phơ, mời Nguyễn Chánh Thi ngồi trên bộ trường kỷ bằng mun đen cẩn xà cừ, uống nước trà sen.
Gần 10 năm trước, ông Thi đã gặp bà khi được biệt phái đến chỉ huy Tiểu đoàn Ngự lâm quân. Nay đến thăm và nhờ nghe “một vài công chuyện muốn thưa” gì đó. Bà Từ Cung cám ơn vài việc mà ông đã làm cho hoàng tộc, rồi hạ thấp giọng: -Còn một chuyện quan trọng có tính cách gia đình mà bà muốn giúp cho Ôn vì biết Ôn có 4 đứa con dại không có người trông coi. Bà có đứa cháu gái giỏi, khôn ngoan, tên là H.T.X.M muốn cho Ôn đem về làm vợ để nuôi 4 đứa con và săn sóc Ôn khi đau ốm trở trời.
Nói xong, bà cho gọi cô X.M ra chào. Dừng chập lâu, bà lại khuyên ông nên “có vợ để lo gia đình”. Nguyễn Chánh Thi lúng túng, ngạc nhiên, thưa là “có thể năm ba năm nữa, bảy tám năm nữa, cháu mới dám nghĩ đến chuyện gia thất. Hiện chừ bổn phận làm cha cũng chưa đủ, huống chi thêm vào trách nhiệm làm chồng. Xin đức Từ thông hiểu hoàn cảnh của cháu”.
                
Nguyen Chanh Thi, hoi ky tuong ta
Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi
   khi đón tiếp Thiếu tướng Frederick Karch...
Bà Từ Cung mời Thi ăn bánh, đoán ông ta áy náy chuyện tuổi tác, chậm rãi nói: - Bà thật thương Ôn Thi và cháu của bà. Nó đã thưa với bà là muốn có tấm chồng gan dạ để được hy sinh với chồng, dù người chồng có hơn tuổi bao nhiêu cũng chả răng, cho nên bà có ý cho (làm vợ) Ôn đó”. Còn cô X.M ?
Hồi ký kể: “Tôi thấy cô X.M với cặp mắt trong xanh cũng cất đầu lên nhìn tôi với những giọt nước mắt đang rớt xuống làm thấm chiếc áo dài xanh lạt của cô. Lòng tôi lúc ấy thật là bùi ngùi, xúc động với những giây phút bất ngờ đã xảy ra tại đây”. Nghĩ một lúc, Bà Từ Cung tiếp: -Thôi nói rứa biết rứa, khi mô nghĩ lại thì đến cho bà biết để bà liệu cho và nhớ khi mô rảnh đem mấy đứa tới thăm bà với cho vui.
Kiếu Bà Từ Cung ra về, ông Thi bào tài xế riêng của mình hãy mang xe về trước, còn ông thả bộ chầm chậm dọc theo bờ sông An Cựu suy nghĩ mông lung về chuyện hôn nhân. Trong tướng tá Sài Gòn quanh ông, có người lỡ “lấn sân” qua bạn đời của kẻ khác. Bồ nhí thì không nhớ hết tên…
Khi Nguyễn Văn Thiệu nắm hết quyền lực vẫn muốn lợi dụng các vụ mèo mỡ lăng nhăng của các tướng tá phe đối lập, ra lệnh cho các tờ báo do mình đỡ đầu đem ra nện tới nơi để hạ uy thế đối thủ, mặc dù chính Thiệu cũng lăng nhăng không kém. Người đương thời đồn đại nhiều vụ ăn vụng, trăng hoa, như tướng Đỗ Cao Trí lấy vợ của dược sĩ V.H.T và bắt bồ với bà chủ hãng Cosuman Film chẳng hạn. Hoặc Cao Văn Viên “mang lộn dép” của vợ một sĩ quan dưới quyền vì tối trời điện cúp…
Ngoài câu chuyện liên quan đến H.T.X.M trong buổi gặp bà Từ Cung, ông Thi cho bà biết đã bàn với phụ tá “đại biểu chính phủ” là ông Hồ Dũ Châu, lo mượn hai chiếc máy bay C.130 lên Đà Lạt để chở trở lại 40 thùng đồ cổ của Đại nội mà trước kia vợ chồng Ngô Đình Nhu đã lấy lên Đà Lạt, tính trang hoàng cho ngôi biệt thự của họ.
Nguyễn Chánh Thi viết: “Thật ra, không chỉ một mình vợ chồng Nhu mà sau này, sau vụ biến động miền Trung ngày 10.3.1966, dân chúng thành phố Huế cho biết là bọn Thiệu – Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Hoàng Xuân Lãm, Nguyễn Văn Toàn đã làm tiêu tán những bảo vật quý giá của hoàng tộc sau Đại nội và tại Tòa đại biểu Huế”.

Trong số tướng tá mà Nguyễn Chánh Thi nêu trên có một tay “máu lạnh” truyền kiếp: Nguyễn Ngọc Loan. Loan đã nói gì với Nguyễn Chánh Thi trong một cơn say tí bỉ mà Thi mô tả là “như đứa con nít đang lên cơn sốt”?...

Còn tiếp...
Mai Nguyễn

Một Thế Giới