Phụ lục 1: Các thứ phi cựu hoàng Bảo Đại qua hồi ký 'Việt Nam Nhân Chứng'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:57, 20/01/2015
1. Năm 1925 đang học tại Pháp, Bảo Đại phải trở về thọ tang vua cha là Khải Định, nhận ngôi vua rồi ông trở qua Pháp học tiếp. Việc triều chánh do Hội đồng nhiếp chánh lãnh đạo, nhưng quyền hành nằm trong tay khâm sứ Pháp ở Trung kỳ.
Học xong Bảo Đại về nước năm 1932. Là một ông vua trẻ tuổi, đẹp trai nên nhiều tiểu thư khuê các ước mơ ngôi vị hoàng hậu, nhất là các cô gái con nhà quyền quý cao sang ở kinh thành Huế và cố đô Hà Nội muốn được kết hôn với ông nhưng người Pháp lại khôn khéo sắp đặt cho Bảo Đại gặp một thiếu nữ con nhà giàu có ở miền Nam theo đạo Thiên chúa. Con gái của Nguyễn Hữu Hào tên là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan mới 18 tuổi, vừa học hết năm cuối trường Couvent des Oiseaux ở Pháp. Bảo Đại và Marie Thérèse hợp nhau vì cùng yêu thích âm nhạc và chuộng thể thao. Hai người kết hôn ngày 20/3/1934. Từ đó Marie Thérèse mang biệt hiệu là Nam Phương.
Hai năm sau hoàng hậu Nam Phương sinh cho Bảo Đại đứa con trai đầu đặt tên là Bảo Long.
Năm 1938 Bảo Đại bị gãy chân, phải sang Pháp trị và cũng để vận động Chính phủ Pháp trao đổi lại chút ít quyền cho Nam triều, nhưng Pháp không chấp nhận. Việc chi tiêu ở Pháp đều do sĩ quan tùy viên của Bảo Đại là người Pháp, do chính quyền thuộc địa cho theo hầu mua sắm chứ Bảo Đại không có tiền để tự ý tiêu dùng. Trong thời gian trị gãy chân đó, Bảo Đại đánh bạc ăn được một số tiền, mừng quá Bảo Đại mua một chiếc Citroen chở về Việt Nam. Máu ham mê cờ bạc bắt đầu từ đó.
Năm 1946 lúc Bảo Đại ở Hà Nội có thêm thứ phi Mộng Điệp. Năm 1948 lúc làm trung úy sĩ quan tùy viên cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân tôi có cùng ông Xuân đến dự bữa cơm do thủ hiến Phan Văn Giáo khoản đãi tại Huế. Sau bữa cơm này tôi được bà Minh Trang, một người khách của ông Giáo, kể cho tôi biết sự việc như sau.
Năm 1945 bà đến hầu cựu hoàng Bảo Đại nơi tư thất tại đường Gambetta ở Hà Nội. Bà đang nghỉ tại phòng khách, thì có người đập vai. Thức giấc bà thấy bà Trần Văn Chương, chưa kịp hỏi thì bà Chương hỏi:
- Bà là ai mà ở đây?
Bà Minh Trang không trả lời, hỏi ngược lại:
- Còn bà là ai ?
Phải chăng hai người đẹp này đều nắm được thần hồn của Bảo Đại nên chẳng ai nể sợ ai ?
2. Bảo Đại đến sống tại Hồng Kông… Trong thời gian này, Pháp cung cấp tiền cho Bảo Đại đủ sống chứ không được dư dả gì, một phụ nữ ở Hồng Kông tên Jenny thấy vậy nuôi Bảo Đại làm nhân tình hy vọng có ngày Bảo Đại trở lại ngôi vua.
Năm 1949 Bảo Đại về nước làm Quốc trưởng đặt dinh tại Đà Lạt. Thủ hiến Phan Văn Giáo dâng cho Bảo Đại một cô gái tên là Phi Anh, em gái của Phi Hoa, bạn gái của Phan Văn Giáo. Bà Mộng Điệp, Jenny cũng về ở Đà Lạt trong năm đó. Ba thứ phi của Bảo Đại ở ba ngôi nhà riêng. Bà Mộng Điệp ở gần dinh số 1, bà Jenny ở ngang nhà ông bà Trần Trung Dung (ông Trần Trung Dung làm Bộ trưởng Quốc phòng thời Ngô Đình Diệm. Bà Trần Trung Dung tức là Kim Anh là cháu gọi ông Diệm bằng cậu ruột), còn nhà bà Phi Anh thì tôi không nhớ rõ tên đường. Trong ba người, bà Mộng Điệp được nhiều người biết đến hơn có lẽ vì bà có con với Bảo Đại và chung sống lâu dài với Bảo Đại, mặc dù Bảo Đại cũng có con với hai người kia, bà Jenny có một đứa con gái, bà Phi Anh có một trai và một gái.
Năm 1949 Bảo Đại chỉ thị ông Bửu Lộc, Đổng lý Văn phòng Quốc trưởng bảo Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân gọi tôi (lúc ấy là đại úy) qua làm sĩ quan tùy viên cho Bảo Đại. Sau khi tìm hiểu rất kỹ, tôi từ chối vì hầu một quốc trưởng thì là bổn phận nhưng phải đưa đón thêm ba thứ phi trẻ đẹp lui tới với Bảo Đại thì hơi phiền. Tôi đề nghị bạn tôi là đại úy Nguyễn Tuyên giữ vai trò này. Về sau có lần bà Ngô Đình Nhu nói với tôi:
- Ông Bảo Đại ghét ông lắm vì ông dám từ chối làm sĩ quan tùy viên của ông ấy, một chức vụ mà nhiều sĩ quan mơ ước.
Tôi cười nói:
- Sĩ quan tùy viên để hầu quốc trưởng thì được, hầu nhiều người khó lòng!
Năm 1968 qua Pháp, do Hoàng thân Bửu Lộc thu xếp, tôi gặp Bảo Đại tại căn nhà rất sang của bà Mộng Điệp, kể qua tình hình nước nhà mong Bảo Đại về làm gì cho đất nước. Ngồi bên cạnh, bà Mộng Điệp lên tiếng:
- Lần đầu tiên mới có một người bên nhà mời ngài về.
Cũng trong chuyến đi Pháp đó, tôi được biết lúc chúng tôi vừa đảo chính ông Diệm xong thì ông Phan Văn Giáo nói với ông Nguyễn Văn Xuân liên lạc với các sĩ quan dưới quyền ngày xưa lập một chính phủ mời Bảo Đại về cầm quyền.
Tôi không hiểu lý do gì ông Nguyễn Văn Xuân không xúc tiến việc này. Có lẽ vai trò của người Pháp ở Việt Nam lúc đó đã hết?
Tôi cũng gặp tướng Nguyễn Văn Hinh, dù là về hưu nhưng ông Hinh vẫn còn uy tín trong quân đội và Chính phủ Pháp. Ông Hinh kể việc Bộ trưởng Ngoại giao Pháp mời ông Bảo Đại ăn cơm, nhưng ông Bảo Đại muốn giữ nghi lễ thể thống của một quốc vương nên từ chối “Nó muốn gặp tôi thì xin đến gặp chứ sao lại mời tôi tới ăn cơm”. Năm 1971 trong dịp đến Paris tôi mời Bảo Đại đến nhà hàng dùng cơm, thấy Bảo Đại có vẻ đau yếu.
Năm 1972 tôi đến thăm Bảo Đại tại nhà số 29 đường Fresnel, Paris XVI. Đây là khu sang nhưng nhà Bảo Đại nhỏ nhắn và có vẻ nghèo nàn, nằm sâu trong một ngõ hẻm sau lưng tòa đại sứ Ba Tư. Nhà gồm một phòng ngủ, một phòng khách nhỏ, một phòng tắm và một bếp chật hẹp. Tại đây tôi gặp một cô đầm trẻ tuổi, đẹp đang nuôi Bảo Đại. Cô kể lại, lúc cô đang làm bồi phòng cho một cao ốc, một hôm có một bà bạn già nói “Có ông vua lưu vong nào đó đang bịnh nằm liệt trong đó, mày lo đi!”. Nghe như vậy cô bước vô, thấy tội nghiệp nên nấu súp cho Bảo Đại ăn, rồi ở luôn lo cho Bảo Đại. Nhờ cô đầm Monica này săn sóc nên Bảo Đại khỏe lại. Từ đó cô săn sóc dọn dẹp lo cơm nước cho Bảo Đại.
3. Trước khi qua Mỹ (vào chuyến du lịch năm 1982), bà Monica có tiếp xúc với vài người Mỹ trong đó có một cựu nhân viên OSS (tiền thân cơ quan tình báo CIA) đã về hưu ờ Monaco, nói với Monica biết rằng có một số dân biểu Mỹ ủng hộ Bảo Đại, sẵn dịp ông qua Mỹ hãy đòi chính phủ Mỹ bồi thường năm triệu Mỹ kim tài sản của Bảo Đại bị mất vì Mỹ ủng hộ Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại năm 1955.
Bảo Đại không thể trực tiếp gặp đại diện Tổng thống Reagan được mà phải qua một người thân tín. Chuyện Bảo Đại cưới Monica hai ngày trước khi lên đường là do ý kiến này.
Người Mỹ bày cho Monica và Bảo Đại làm chuyện này là ông Hilaire du Berrier.
Sau mỗi cuộc thăm viếng tiếp xúc, Monica đều trách móc vặn bẻ tôi, tôi không thể làm gì khác hơn được vì với mọi người, Bảo Đại không bao giờ nói Monica là vợ chính thức.