Kỳ 35: 'Bồ câu trắng' hay những cuộc tiếp xúc bí mật được 'bật mí'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:06, 30/12/2014
Đàm phán với cuộc “so gươm” hai trưởng đoàn Xuân Thủy và Harriman đúng một tháng từ phiên mở đầu từ 13/5 đến 12/6/1968. Tạm ngừng khi nhà ngoại giao W.Jordan có nhã ý mời ông Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của đoàn VN đi “ăn cơm”. Thế là món “bồ câu trắng” được bí mật ghi vào thực đơn hội đàm. Để 14 ngày sau, cuộc nói chuyện lặng lẽ khai thông ở nơi khác bên ngoài hội trường Kléber...
Kỳ 34: Tấn công Mậu Thân hay thế trận Trân Châu Cảng
Khi tướng Abrams (phụ tá của Westmoreland) được chỉ định thay Westmoreland làm tư lệnh lực lượng Mỹ ở Việt Nam, thì đàm phán ở phố Kléber vẫn đang tiếp tục với cuộc “so gươm” của hai trưởng đoàn: Xuân Thủy và Harriman. Xuân Thủy tố cáo “Mỹ xâm lược Việt Nam”, còn Harriman lặp đi lặp lại những lời lẽ đổ lỗi “miền Bắcxâm lượcmiền Nam”.
Hai ngón võ đó được hai bên thi triển đúng một tháng từ phiên họp mở đầu vào ngày 13.5.1968 đến 12.6.1968 rồi tạm ngừng khi nhà ngoại giao năng động W.Jordan (đang là người phát ngôn của phái đoàn Mỹ) có nhã ýmời ông Nguyễn Thành Lê (người phát ngôn của đoàn Việt Nam) đi “ăn cơm”. Ông Nguyễn Thành Lê nhận lời. Thế là món “bồ câu trắng” được ghi vào thực đơn hội đàm để 14 ngày sau, cuộc nói chuyện lặng lẽ khai thông ở một nơi khác nằm bên ngoài hội trường Kléber.
Đó là căn nhà riêng của đoàn Việt Nam ở Vitry-sur-Seine. Phó trưởng đoàn Mỹ Cyrus Vance cùng chuyên gia kỳ cựu về vấn đề Việt Nam Philippe Habib đến đấy vào giữa khuya 26.6.1968. Vào giờ đó, Phó đoàn Việt Nam là đại sứ Hà Văn Lâu cùng ông Nguyễn Minh Vỹ thức đợi và tiếp đón hai đại diện của đoàn Mỹ. Phó đoàn Vance rút trong túi ra tờ giấy đánh máy sẵn và đọc: “Hoa Kỳ sẽ chấm dứt các cuộc ném bom trên toàn miền Bắc vào một ngày sẽ được thông báo cho phía Việt Nam biết trước. Trước ngày đó, hai bên sẽ thỏa thuận về “hoàn cảnh” (circonstances) sẽ được thực hiện sau khi chấm dứt ném bom...”.
Vance nói thêm nội dung bàn đến quanh chữ “hoàn cảnh” nêu trên bao gồm chấm dứt việc bắn pháo và tấn công bằng bộ binh vào quân Mỹ và quân đồng minh qua khu phi quân sự... Kết quả thảo luận về “hoàn cảnh” sẽ được hai bên giữ bí mật, không công bố. Các tác giả cuốn “Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris” đã thuật lại điều đáng chú ý vềcuộc trao đổi trên là “mặc dầu Hà Văn Lâu lên án mạnh mẽ việc Mỹ xâm lược, Vance không trả lời mà chỉ tập trung vào vấn đềchấm dứt ném bom miền Bắc”.
Đó là cuộc trao đổi hậu trường đầu tiên thoát hẳn sự theo dõi tò mò của các ống kính thâu hình và kéo dài hai giờ đồng hồ đến quá nửa đêm về sáng. Từ một nơi rất xa, tận Hà Nội, Bộ Chính trị theo dõi và có chỉ thị cho đoàn Việt Nam trước đó hãy “vừa nói chuyện công khai (tại hội trường Kléber) vừa nói chuyện hậu trường (như nhà riêng của đoàn ở Vitry- sur-Seine trên)”. Và: “Nói chuyện hậu trường khác với nói chuyện bí mật của Mỹ”. Vậy Mỹ đã nói chuyện bí mật như thế nào? Ở đâu?
Xin tạm lùi lại khoảng thời gian trước đó với sự xuất hiện của Kissinger tại miền Nam qua cuốn hồi ký Việt Nam nhân chứng của Trần Văn Đôn:
“Cũngnhư phần đông các giáo sư Mỹ đến Sài Gòn (1965), Kissinger được Tòa đại sứ Hoa Kỳ cung cấp danh sách những nhân vật thuộc ngành, nghề mà họ muốn tiếp xúc để biết những vấn đề cần thiết. Kissinger đến gặp các ông Phan Huy Quát, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ. Lúc đó Kissinger chỉ là một giáo sư, dù là của Đại học Harvard (song chưa có chức vụ quan trọng trong chính phủ Mỹ) nên có lẽ hai ông Thiệu - Kỳ tiếp đón thiếu niềm nở. Kissinger phật ý.
Thời gian đó nhằm sau cuộc chỉnh lý, tôi sống ở Đà Lạt(…). Sau chuyến qua Sài Gòn đầu tiên đó, trở về Mỹ Kissinger đưa ra kết luận: “Miền Nam không thể tồn tại được”. Năm 1966, Kissinger đến Sài Gòn lần thứ hai, liên kết với Tòa Bạch Ốc nghiên cứu tình hình Việt Nam và báo cáo lần này: “Các tướng trẻ chưa đủ khả năng lãnh đạo miền Nam trong chiến tranh”. Đến năm 1967, lúc Johnson đang làm Tổng thống Hoa Kỳ, Kissinger có quen với một người Pháp, người này tên là Raymond Aubrac cùng đi Hà Nội với một người thân là Herbert Marcovich...". Thật ra, hai người đó là “hai sứ giả” được Mỹ bí mật cử đi Hà Nội tiếp xúc…
Vị thứ nhất: Raymond Aubrac được Kissinger cất công tìm kiếm là người quen biết với Bác Hồ trong thời gian họp hội nghị Fontainebleau. Theo đại sứ Mai Văn Bộ “có lúc Hồ Chủ tịch đã ngụ tại nhà Aubrac và một cháu gái, con của ông, là con đỡ đầu của Hồ Chủ tịch”. Cho nên ông Aubrac có đầy đủ lý do để tin rằng ông sẽ “được tiếp một cách ân cần và trọng thị”.
Vị thứ hai mà Trần Văn Đôn nêu tên là giáo sư Herbert Marcovich thuộc viện Pasteur Paris, Tổng thư ký của Tổ chức chống chiến tranh hạt nhân Pugwash. Đứng chân ở hai nơi: Viện Pasteur và tổ chức Pugwash nên Marcovich được che đậy bằng “sứ mạng công khai” khi đến Hà Nội là: liên hệ với viện Pasteur Viễn Đông, “làm việc” với Viện Vệ sinh phòng bệnh và vi trùng học tại Hà Nội...
Cần đến những “lý do” trên vì Mỹ muốn che mắt dư luận, giữ bí mật chuyến đi, tránh bị cho là đã nhượng bộ Hà Nội. Ông Marcovich cùng Cao ủy năng lượng Pháp và hai giáo sư đại học Harvard họp ròng rã 3 ngày 16, 17 và 18.6.1967 tại Paris để thảo luận về chuyến đi cùng những điều cần làm để “đánh lạc hướng các nhà quan sát quốc tế và báo chí thế giới” với sự chủ trì của Kissinger “nhân danh Tổng thống Mỹ” vì Trần Văn Đôn viết Kissinger được Johnson giao phó việc dàn xếp chiến tranh Việt Nam cho sớm kết thúc”. Một đoạn hồi ký của Kissinger (được trích dẫn bởi đại sứ Mai Văn Bộ) xác nhận:
“Từ tháng 7 đến tháng 10.1967, chính phủ Johnson yêu cầu tôi làm trung gian trong một cố gắng để đàm phán tiến triển. Tôi nhờ chuyển thông điệp qua hai nhà trí thức Pháp mà tôi quen biết: một người trong đó có quan hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm 1940 và đã qiúp chỗ ở khi đến Paris, đàm phán với người Pháp. Tôi được phép gợi ý những bạn của tôi đi Hà Nội nhằm đề nghị những điều kiện để Mỹ tạm ngừng ném bom, coi đó là việc dọn đường cho hội đàm...”
Hai sứ giả rời Paris ngày 18.7.1967 để lên đường đi Hà Nội với tư cách những nhà khoa học. Họ gặp ai? Diễn tiến những ngày tiếp đó được Kissinger yêu cầu hai sứ giả hoàn toàn giữ kín và xếp vào loại “tuyệt mật”. Nhưng dường như lời đồn đại “đã có đàm phán bí mật” đang đánh động Sài Gòn?... (Còn tiếp)
Mai Nguyễn