Kỳ 32: Paris và cuộc chiến trên tấm thảm xanh
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:43, 25/12/2014
Theo các tác giả cuốn "Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris" thì 13.5.1968 là ngày đàm phán đầu tiên "chính thức bắt đầu cuộc chiến mới Việt Nam và Hoa Kỳ: Cuộc chiến tranh quanh tấm thảm xanh". Với sự chứng kiến của hàng nghìn nhà báo, nhà hoạt động điện ảnh, nhiếp ảnh... đổ về Hội trường Kléber. Đông hơn bất kỳ hội nghị quốc tế nào từ nhiều năm trước đó...
Kỳ 31 - Huế xuân 1968
Sau trận chiến Tết Mậu Thân 1968, theo con số do Westmoreland nêu trong hồi ký, có ngót 600.000 người tỵ nạn mới tràn vào các đô thị và vùng ngoại ô Nam Việt Nam.
Đây quả là “đội quân” không kèn không trống, không vũ khí nhưng đã khiến nhà cầm quyền Sài Gòn phải một phen vất vả vì nếu không nhanh chóng giải quyết đời sống cơm áo gạo tiền, bố trí chỗ ở, triển khai kiểm tra, lập sổ gia đình, nghĩa là “làm sống lại công tác bình định” mà cứ “bỏ mặc người tỵ nạn thì hậu quả nghiêm trọng tất yếu phải xảy ra”. Westmoreland viết là Việt Cộng đẩy “cuộc bình định nông thôn” về sát nách các thành phố và thị xã; những người mang trọng trách trong “chính phủ từ tổng thống Thiệu đến các bộ trưởng đều tỏ ra choáng váng”.
Ông Thiệu và các bộ trưởng dưới quyền được khuyến cáo đừng để những “sư đoàn” người tỵ nạn trở thành nhân tố của một cuộc khủng hoảng mới bao vây các thành thị miền Nam. Để tháo gỡ, Westmoreland thành lập lực lượng đặc biệt, giao tướng George Foraythe chỉ huy “cộng tác chặt chẽ với người Việt Nam” nhằm triển khai tức thời công tác bình định.
Tướng Foraythe lập một văn phòng riêng ngay trong dinh Độc Lập với sự đồng ý của Thiệu và giám sát kế hoạch của Bob Komer. Westmoreland đã “bố trí sẵn sàng công binh Mỹ cho phép họ sử dụng rộng rãi các kho vật liệu lấy tôn lợp nhà, xi măng sắt thép. Tướng Cao Văn Viên cũng làm như vậy và đưa công binh quân đội Nam VN tham gia”. Cạnh bóng mát của các dãy nhà trung tâm tỵ nạn được vội vã dựng lên là các lô-cốt, tháp canh và kẽm gai bọc quanh.
Một đợt thanh lọc quy mô hẳn nhiên mở ngay dưới những mái tôn còn mới. Các thành phần dân tỵ nạn được theo dõi, phân loại bởi những cơ quan an ninh tình báo Việt - Mỹ. Tại sao Westmoreland lại “chăm sóc đặc biệt” đến phần việc này? Có lẽ ngoài lý do không để vấn đề người tỵ nạn trở thành “nhân tố của cuộc khủng hoảng mới”; Westmoreland còn nhắm đến việc ổn định nhanh chóng hậu phương để “giáng” một đòn quân sự đầy tham vọng sau Tết 1968 nếu tổng thống Johnson cho phép. Ông ta lập luận một cách không tưởng: “Nếu tổng thống Johnson thay đổi chiến lược và lợi dụng thế suy yếu của địch (sau Tết Mậu Thân) cho phép tôi tiến hành các cuộc hành quân mà chúng tôi đã trù tính hai năm trước đánh sang Lào, Campuchia và phía Bắc khu phi quân sự (bên kia bờ Bắc sông Bến Hải), song song với việc ném bom và thả mìn cảng Hải Phòng thì chắc chắn Bắc VN sẽ bị đập tan (!). Nhưng tình hình đã không diễn ra như vậy ”.
Ngược với ý đồ của tướng Westmoreland, ngày 31.3.1968, tổng thống Johnson tuyên bố ngừng ném bom hạn chế ở miền Bắc VN từ vĩ tuyến 20 trở ra (đến ngày 1.11.1968 mới tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn và không điều kiện). Bốn ngày sau, 3.4, Hà Nội đáp ứng - thông báo: “Vỉệt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ cử đại biểu của mình tiến hành cuộc nói chuyện tay đôi với Mỹ”. Địa điểm họp được Mỹ và Việt Nam bàn định gần một tháng. Nguyễn Cao Kỳ viết:
“Định mệnh đã an bài... Người Mỹ đề nghị (địa điểm họp tay đôi với Bắc VN) tại Genève, Jakarta, New Delhi, Rangoon, hoặc Vientiane nhưng tất cả những nơi đó đều bị Bắc VN bác bỏ. Cuối cùng ngày 13 tháng 5, Mỹ chấp nhận đề nghị của Hà Nội chọn thủ đô Paris (Pháp) làm nơi hội họp và đã cử ông Averell Harriman và Cyrus Vance (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, sau này là Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Jimmy Carter) làm đại diện trong cuộc đàm phán. Bắc VN đã chỉ định ông Xuân Thủy (làm trưởng đoàn)”.
Đàm phán diễn ra tại Trung tâm các hội nghị quốc tế nằm trên đại lộ Kléber. Theo các tác giả cuốn "Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris" thì 13.5.1968 là ngày đàm phán đầu tiên đã “chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Cuộc chiến tranh quanh tấm thảm xanh” với sự chứng kiến của hàng nghìn nhà báo, nhà hoạt động điện ảnh, nhiếp ảnh đổ về Hội trường Kléber đông hơn bất kỳ hội nghị quốc tế nào từ nhiều năm trước đó. Họ đã tường thuật, đưa tin nhanh chóng và nói đến cái bắt tay “lịch sử” giữa hai ông Xuân Thủy và Harriman trước giờ đàm phán. Nguyễn Cao Kỳ (và Thiệu) không thích thú gì với các bản tin truyền đi từ đại lộ Kléber:
"Chúng tôi đã chẳng hề muốn cùng ngồi vào bàn hội nghị với những người Cộng sản và chứng tôi lại càng không có ý định cùng ngồi với Mặt trận Dân tộc Giải phóng vì làm như vậy chẳng khác gì là công nhận họ. Tuy nhiên, Tổng thống Johnson đã vội vã gây sức ép với chúng tôi để hành động theo, ông và ứng cử viên đảng Dân chủ dự tranh ghế tổng thống là Humphrey mong muốn là cuộc đàm phán về hòa bình phải đạt được kết quả vì các cử tri Mỹ đang tỏ ra càng ngày càng chán ngán trận chiến tranh đang tiếp diễn ở nơi xa xôi này”.
Các cơ quan truyền thông vẫn phát đi các tin tức và bình luận mà Nguyễn Cao Kỳ và cả Westmoreland đều nhức nhối vì họ “chẳng hề muốn” nghe. Nhấn mạnh qua hồi ký của mình, Westmoreland nhiều lần tỏ ý không ưa giới báo chí. Ông ta “kết án” báo chí góp phần tuyên truyền cho Việt Cộng trong Tết Mậu Thân 1968, tác động đến dư luận Mỹ và ngay cả… Tổng thống Johnson trong quyết định ngừng ném bom tiến đến cuộc thương lượng tay đôi đó. Ông gọi thái độ của Johnson là “bỏ cuộc”:
“Báo chí và vô tuyến truyền hình đã tạo ra một vầng hào quang không phải thắng lợi mà là thất bại kết hợp với những phần tử chống chiến tranh to mồm nên đã ảnh hưởng sâu sắc đến các quan chức nhát gan ở Washington. Nó giống như hai võ sĩ quyền Anh trên võ đài, một võ sĩ đã đẩy võ sĩ kia tới đích, sắp hạ “nốc ao” thì anh võ sĩ rõ ràng sắp thắng này (!) bỗng nhiên bỏ cuộc...”.
Và người “nốc ao” trước mắt chưa phải Johnson mà là Westmoreland! Ông ta bị ngưng chức. Tướng Abrams sang thay... (Còn nữa)
Mai Nguyễn