Kỳ 27 - Vụ đánh bom Dinh Độc Lập năm 1962 và tướng Kỳ “hạ cánh không an toàn“

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:40, 15/12/2014

Cuối năm 1967, với “33 phần trăm số phiếu bầu” liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu cuộc chạy đua “có người lái” vào dinh Độc Lập.
Một lần nữa, dinh Độc Lập thành nơi tập trung quyền lực cao nhất của nhà cầm quyền Sài Gòn với danh xưng mới: nền “đệ nhị cộng hòa”. Nơi đó diễn ra những cuộc họp tối quan trọng do Tổng thống Thiệu triệu tập. 
Ai ngờ những dự án quốc gia, những tin tức chiến lược đem ra bàn bạc tại đó được nhanh chóng thu thập, phúc trình về Hà Nội bởi cụm tình báo A.22 và bởi “cố vấn Tổng thống Thiệu”: tướng Vũ Ngọc Nhạ cài ngay trong dinh.

Phía Mỹ thì tìm cách “nghe trộm”. Phương pháp của họ dựa vào kỹ thuật “cách không truyền âm” như Trần Văn Đôn kể qua hồi ký Việt Nam nhân chứng. Theo đó, vào những ngày quân đội Sài Gòn bắt đầu rơi vào tình trạng hoảng loạn trước cuộc tiến công xóa sổ của quân giải phóng, ông Đôn được phái ra nước ngoài thăm các nước phi liên kết, điện đàm với Thủ tướng Pháp Chirac và gặp đại sư Mỹ ở Hồng Kông là Robert “tham khảo” tình hình và giải pháp cho Sài Gòn.

Về đến Tân Sơn Nhất ngày 5.4.1975, ông Đôn đi thẳng tới dinh Độc Lập gặp ông Thiệu trình bày những điều mà 2 ông Chirac và Robert tán đồng. Không ngờ văn phòng CIA tại Singapore “nghe rõ ràng tiếng tôi (Trần Văn Đôn) và ông Thiệu nói chuyện với nhau”. Ông Đôn biết điều đó nhờ một người bạn tên T.P.L tiết lộ sau ngày 30.4.1975 tại Mỹ.
Ông L. bảo trưa đó (5.4) ông có mặt tại văn phòng CIA ở Singapore (để liên lạc với CIA ở Sài Gòn sắp xếp cho gia đình rời Việt Nam) nên tình cờ nghe được những mẩu đối thoại truyền về từ Sài Gòn. Ông Đôn viết: “Thì ra lúc dinh Độc Lập được sửa lại sau vụ ném bom năm 1962, trong mấy năm trời xây cất (đến năm 1965 hoàn tất), Mỹ đã đặt máy ghi âm để nghe tất cả những gì xảy ra trong dinh”. 
Vụ ném bom năm 1962 (thời Ngô Đình Diệm) mà ông Đôn nhắc tới đã phá hủy bên trên nơi làm việc của ông Ngô Đình Nhu nằm phía trái dinh Độc Lập. Đó cũng là sự kiện được nhắc đến trong nhiều hồi ký Đỗ Mậu viết:

“Sáng ngày 27.2.1962, khoảng 7 giờ, tôi đang chuẩn bị đến văn phòng thì bỗng nghe tiếng nổ dữ dội, rồi một vùng khói đen nghịt cuồn cuộn từ phía dinh Độc Lập tỏa lên cao, trong lúc trên bầu trời quận một và quận nhì thành phố, 2 chiếc chiến đấu cơ đang bay lượn theo đội hình tác chiến. Không cần phải kiểm chứng tôi cũng biết được dinh Độc Lập đã bị ném bom…”.

Khi Đỗ Mậu đến dinh thấy cửa ngoài đóng kín, xung quanh quân phòng vệ phủ tổng thống bố trí sẵn sàng chiến đấu. Ông Nhu không hề gì dù mục tiêu cuộc bỏ bom nhằm vào ông. Bà Nhu bị xây xát nhẹ ở mặt vì bị gạch vỡ văng trúng. Người nhà ông Diệm chạy vào trú tại căn phòng xây vững chắc nhất nằm dưới cầu thang đại sảnh “mọi người im thin thít, mặt xanh như tàu lá chuối”.
Ông Diệm, gia đình ông Nhu và cả giám mục Ngô Đình Thục cũng có mặt tại đó. Đỗ Mậu (và Nguyễn Khánh) chào và quay ra, lát sau nhận tin: “Hải quân đã bắn hạ một chiếc phóng pháo cơ của không quân (vừa tấn công dinh Độc Lập) trên sông Nhà Bè, cách công xưởng hải quân chỉ độ một cây số và đã biết được viên phi công là trung úy Phạm Phú Quốc, còn chiếc máy bay thứ hai thì đã mất dạng”.

Vài giờ sau, “ông Diệm ra lệnh dời phủ tổng thống về dinh Gia Long tức khắc” và gọi ông Mậu đi theo. Ông Diệm ngồi sững sờ đến năm phút mới hỏi:

- “Mậu có biết thằng Quốc không?”

- “Thưa cụ, nếu nói là Phạm Phú Quốc thì y là người Quảng Nam thuộc dòng dõi cụ Phạm Phú Thứ”.

Ông Diệm chau mày, Đỗ Mậu quan sát nơi bom thả, đoán hai phi công bỏ bom dinh Độc Lập chỉ muốn giết vợ chồng Ngô Đình Nhu chứ không có ý sát hại ông Diệm nên tìm cách nói xa gần nhận định trên để ông Diệm nghe… Rời dinh Gia Long, ông Mậu về Nha An ninh quân đội. Tại đó, Cục An ninh hải quân bắt trung úy Nguyễn Văn Đính (anh ruột của trung úy phi công Nguyễn Văn Cử. Cử trực tiếp ném bom dinh Độc Lập và đã bay thoát qua Campuchia) giải về điều tra, khai thác nguyên do, đầu mối “tạo loạn” và đánh cả hai người “mặt mày thâm tím, sưng vù trông rất đáng thương”.

Đỗ Mậu viết: “Tôi ra lệnh ngừng ngay cuộc hỏi cung và cho dẫn Quốc, Đính về phòng giam tạm của nha. Ba hôm sau, bà mẹ của Phạm Phú Quốc từ Đà Nẵng vào xin gặp tôi để được phép thăm con” và “chính tôi đích thân dẫn bà cụ vào phòng giam thăm Quốc”.

Bà cụ bình tĩnh giữ gương mặt cười thản nhiên và hỏi con:

-Vì sao mặt con sưng lên như thế?

Quốc trả lời:

-Thưa mẹ, khi máy bay rớt xuống nước, mặt con đụng vào thân phi cơ.

Chứng kiến, nghe và viết lại những cảnh, những lời đó, Giám đốc Nha An ninh quân đội Đỗ Mậu biết rằng “nét mặt bình tĩnh và nụ cười trên môi bà cụ chỉ là thái độ gượng gạo bên ngoài để che giấu lòng dạ đang héo hon của bà. Cũng như việc Quốc không nói lên sự thật đã bị tra tấn cũng chỉ là lời che giấu để mẹ được yên tâm. Tôi khâm phục mẹ Quốc (…). Tôi liền thưa với bà cụ:

-Thưa bác, anh Quốc muốn giấu bác đó, chính nhân viên điều tra của tôi đã tra khảo anh ta đến nỗi mang thương tích nặng nề. Tôi xin lỗi bác…

Bà Thiệu lập vườn hoa tren nóc dinh Tổng thống để... chống Nguyễn Cao Kỳ 

Khi Phạm Phú Quốc bị bắt, chiếc máy bay thứ hai cùng đánh bom dinh Độc Lập hôm đó do phi công Nguyễn Văn Cử lái cũng trúng đạn phòng không. Nhưng may mắn nhẹ hơn và Cử cố lái bay thoát về hướng biên giới, vào vùng trời Campuchia. Ngày đó, Nguyễn Chánh Thi cũng đang tị nạn chính trị vì đảo chính hụt chế độ Diệm và tá túc trong căn nhà thuê gần sân bay Po Cheng Tong kể lại:

“Hôm 27.2.1962, ông Thi đi xuống phố thăm dò những tin tức thử xem Sài Gòn có biến động gì không. Và khi “đi vừa gần sân bay Po Cheng Tong thì chợt thấy một chiếc máy bay khu trục có cờ Việt Nam đang sửa soạn hạ cánh. Chiếc máy bay bị trúng nhiều đạn, tỏa ra một loạt khói đen ngắt trông thật dễ sợ. Sau đó được biết thêm viên phi công là Nguyễn Văn Cử ném bom vào dinh Độc Lập và bay sang Cao Miên xin tị nạn. Ngày hôm sau tôi đến công an Miên xin phép được vào thăm Cử, đem theo một vài thứ cần dùng cho anh ta. Nguyễn Văn Cử người (tầm vóc) trung bình, rất là bình tĩnh, không một chút dao động, Anh đưa ý kiến muốn được như ý, ra ngoài cùng Nguyễn Chánh Thi, thường thường “đi ăn tại những cái quán nhỏ xíu, chúng tôi vừa ăn uống vừa bàn chuyện phiếm, trào lộng, thậm chí có lúc tiền túi sạch bách mà vẫn tui nhộn vô cùng”!

Căn cứ vào các tài liệu và lời kể của người đương thời, Trần Văn Đôn viết là khi đến Campuchia máy bay Nguyễn Văn Cử bị trúng đạn hỏng hóc nhiều “chỉ còn sử dụng được một bánh xe, mất thăng bằng” nên chao đảo, rất khó hạ cánh. Ông Cử phải “bay vòng cho hết xăng” và với “sự khéo léo tuyệt cùng” đưa chiếc máy bay tật nguyền đáp xuống an toàn trong tiếng vỗ tay của nhiều người Mỹ có mặt trên sân bay Po Cheng Tong.

Vụ ném bom nằm trong kế hoạc đảo chính bất khả thi do cụ Nguyễn Văn Lực, thân phụ phi công Nguyễn Văn Cử, chủ trương. Ông Đôn viết: “Vụ ném bom làm cho một người giúp việc của bà Nhu chết (…). Vài tháng sau phủ tổng thống gửi thông tư đến các nơi đề nghị yểm trợ xây cất lại dinh Độc Lập. Lần xây cất này trang bị tối tân, quy mô hơn dinh cũ nhưng cũng chính vì chuyện này mà Mỹ (…) cho người len lỏi vào đám chuyên viên để đặt đường dây truyền tin” khiến văn phòng CIA ở Sài Gòn, rồi Singapore, nghe hết những báo cáo tối mật bằng miệng cho Tổng thống Thiệu tại dinh Độc Lập suốt thời gian cầm quyền”.

Bên trong dinh là vậy. Nóc dinh cũng đụng chuyện, lần này dính đến… bà Thiệu. Khi ông Thiệu làm tổng thống, ông Kỳ phó tổng thống, cả hai được quyền ở trong dinh. Riêng ông Kỳ tiếp tục ở lại nhà cũ nằm trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Vợ ông, bà Tuyết Mai, nhất định không chịu rời mái nhà xưa. Bà bảo đó là tổ ấm bén hơi từ khi hai người lấy nhau, chẳng cần dời đi đâu.

Hằng ngày “tôi đi làm và trở về căn cứ không quân bằng máy bay lên thẳng thuộc quyền sử dụng của tôi”. Ông Kỳ kể tiếp, thời gian đầu mỗi sáng ông lái máy bay đáp xuống một bệ sân bay trực thăng được thiết lập trên mái nhà của dinh tổng thống và “không hề hay biết là sân bay nằm ngay bên trên phòng ngủ của Tổng thống Thiệu ở tầng thứ tư”. Ông Thiệu hay dậy muộn, rất khó chịu vì bị đánh thức bởi tiếng máy bay trực thăng đáp xuống vào mỗi sớm. Nhưng, Kỳ bảo “Thiệu không tự nêu lên vấn đề”, mà đi mượn bà vợ Nguyễn Thị Mai Anh của ông nói ra. Bà Mai Anh “nói với tôi (Kỳ) theo một kiểu nói quanh co, bà ta nói rằng bà ta đang thực hiện một vườn bông trên mái nhà để bà có thể lên hóng gió mát vào những đêm nóng nực”. Xong, bà tiếp một cách buồn rầu:

Tôi e sợ sẽ khó mà thực hiện được. Luồng gió cuồn cuộn quá sức mạnh mỗi khi chiếc trực thăng của ông đáp trên mái sẽ quạt hư hết các cây cỏ tôi trồng!

Ông Kỳ: ?!!!!

Mai Nguyễn (còn nữa)

Một Thế Giới