Kỳ 6 - Sinh sự vì Dương Văn Minh lên đại tướng trước Nguyễn Khánh 3 ngày!
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 04:52, 25/11/2014
Vừa là bạn đồng sàng, vừa là phụ tá đắc lực của Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan được “Thủ tướng” Kỳ tin cẩn lần lượt giao nắm các chức vụ đầy quyền sinh sát trong ngành an ninh quân đội, tình báo và cảnh sát Sài Gòn.
Một bữa, Loan uống say, mặt đỏ và méo, kéo tay Nguyễn Chánh Thi lôi vào một căn phòng ở Bộ Tổng tham mưu hét toáng lên: - Thôi ông ơi, ông thì chịu khó đi ra ngoại quốc một thời gian đi! Chúng nó ngại ông lắm. Nếu ông còn lẩn quẩn ở đây thì chúng nó còn khó chịu và còn làm nhiều chuyện ồn ào lắm.
“Chúng nó” tức cánh Kỳ và Thiệu đang hợp tác tìm thủ đoạn đốn ngã Thi, Loan vừa lè nhè mớm cho Thi hãy “chạy ra nước ngoài”, vừa đưa cao chai bia đang cầm trong tay lên nốc, rồi chửi đổng một hồi vung vít…
Chừng sáu, bảy ngày sau, Loan tìm gặp Thi lần nữa, lần này có cả Mai Đen – từng nhúng tay vào việc buôn vàng và thuốc phiện vùng biên giới Lào – Việt thời Ngô Đình Nhu – đi kèm. Không say như hôm trước, mà rất tỉnh táo, lạnh lùng “đề nghị” Thi: Ông nên chịu khó đi ra nước ngoài thì hơn, nếu ông còn ở lại Việt Nam, chỉ sợ tính mạng của ông không được bảo đảm.
Nguyễn Chánh Thi hiểu đó chẳng phải là lời đe dọa suông.
Sau này, khi lưu vong, ông viết hồi ký và ngán ngẩm về các “chiến hữu” của mình thời đó như Kỳ, như Khánh. Với đầu óc quân phiệt, muốn làm “cha dân” của Khánh. Có lần qua điện đàm, Thi tỏ thái độ không đồng tình với Khánh về chuyện đó, khiến Khánh “rất khó chịu” và theo lời Thi: “ông ta bỏ điện thoại xuống một cách giận dữ”.
Thi viết: “Dẫu sao sau đấy một chính quyền dân sự (!) được thành lập bởi Thủ tướng Trần Văn Hương và cụ Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng, Trung tướng Dương Văn Minh và trung tướng Nguyễn Khánh được thăng lên đại tướng”.
Vụ thăng đại tướng của hai ông Khánh và Minh hồi ấy cũng bộc lộ những bất đồng sẵn có giữa họ vốn manh nha từ cuộc đảo chánh 1.11.1963. Ông Khánh không muốn ông Minh đưa ông Nguyễn Ngọc Thơ lên làm Thủ tướng. Ông Minh đợi đến buổi lễ gần thăng cấp cho các tướng tá có công trong đảo chánh mới quay lại bảo Khánh: - Anh không muốn cho ông Thơ làm thủ tướng chớ gì, chỉ chốc nữa đây chính ông Thơ sẽ gắn sao cho anh!
Làm sao Khánh có thể khước từ được? Chuyện xảy ra tại Câu lạc bộ Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn có đông đảo các tướng tá sĩ quan cùng biết nên Khánh bực lắm. Đến 1964, khi ông Minh làm “Quốc trưởng” và Khánh làm “Thủ tướng” rồi tự dàn cảnh phong mình lên “Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa”, thì hai bên “đụng” nhau hoài. Một lần, vào ngày 1.7.1964, hai ông Minh và Khánh sừng sộ nhau tại Dinh số 2 Đà Lạt trước mặt các ông Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Kim quanh “quyền” của mỗi người. Ông Khánh bắt đầu “nổ” ngay:
- Tại sao anh ra Huế và Đà Nẵng, anh gắn huy chương cho ông Tôn Thất Xứng và ông Mỹ, tôi là “chủ tịch” mà anh không hỏi ý kiến tôi gì hết?
Dương Văn Minh đáp:
- Tôi tưởng tôi là “Quốc trưởng” thì có quyền chớ!
Khánh không chịu:
- Nhưng tôi là “Chủ tịch”, anh phải hỏi tôi.
- Thế anh có quyền thì ấn định quyền hạn cho tôi đi.
- Thì anh đề nghị quyền hạn lên tôi. Chuyện này nữa, tôi là Thủ tướng, tôi cần dùng xe cộ, tôi cũng có khách để tiếp đón, tại sao bên anh lại sử dụng gì đến một trăm hai mươi mấy chiếc xe, tôi cần anh trả lại một ít để làm cái Pool: văn phòng tôi hỏi thì ông đổng lý văn phòng anh bảo là không trả gì cả!
“Quốc trưởng”, “Thủ tướng” và “Chủ tịch nước” mà đè nhau ra chì chiết những chuyện như thế thì khó nghe quá. Trần Văn Đôn cũng có mặt tại buổi “tọa đàm nội bộ’ trên kéo dài từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, có chen vào những “thắc mắc chung” của “từng người” khác và đã ghi lại mẩu “đối chọi” giữa hai ông Minh và Khánh như vậy trong hồi ký Việt Nam nhân chứng.
Vài tháng sau, cuối năm 1964, ông Khánh mới nhờ cậu ông ta là Nguyễn Lưu Viên, bấy giờ giữ chức “Tổng trưởng Nội vụ” nói với ông Trần Văn Hương đề nghị với Quốc trưởng Phan Khắc Sửu thăng Nguyễn Khánh và Dương Văn Minh lên đại tướng, nhưng trong sắc lệnh phải ghi, ông Khánh được “lên” trước ông Minh…1 ngày!
Theo ông Đôn, khi sắc lệnh được trình ký lên văn phòng quốc trưởng “những sĩ quan làm việc tại đó phần nhiều là người của ông Minh. Thấy thế, biết là ông Khánh chơi “thầy” mình nên họ đề nghị Quốc trưởng trình lên Thượng hội đồng quốc gia (…). Nhận định rằng ông Minh là cựu Quốc trưởng và ở chức vụ trung tướng thâm niên hơn ông Khánh, cho nên cuối cùng họ (Thượng hội đồng quốc gia) đồng chấp thuận thăng hai ông lên đại tướng, nhưng để ông Minh “lên” trước …3 ngày!”.
Thế là sinh sự . Khi nhận được điện thoại báo tin sắc lệnh trên đã được ký, ông Khánh đang dùng cơm tối với Trần Văn Đôn ở Dinh số 2, chẳng những không vui mà lộ hẳn vẻ ác cảm, bực tức đến nghẹn cơm vì cái “hội đồng quốc gia” đã làm ông vỡ một cuộc chơi.
Về Sài Gòn, Khánh nhóm họ “nhóm tướng trẻ” quy cho “Thượng hội đồng quốc gia đang âm mưu giành tất cả quyền hành, lấn át quân đội!”. Lúc đó, theo hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ, có người về hùa với Khánh la to: “Hốt chúng đi là xong!”. Thật loạn.
Bề nào thì hội đồng đó vẫn gồm các thành viên cao niên, hoặc tên tuổi được chính giới Sài Gòn biết tiếng như các ông: Phan Khắc Sửu, Lê Văn Thu, Nguyễn Văn Huyền, Trần Đình Nam, Trần Văn Văn, Trần Văn Quế, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Văn Chữ, Hồ Văn Nhựt, Mai Thọ Truyền, Ngô Gia Hy, Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lương Trọng Tường, Nguyễn Đình Lượng, Hồ Đắc Thắng, được thành lập hồi tháng 9.1964.
Nguyễn Cao Kỳ mỉa mai: “Hội đồng quá già nua đến độ ở các quán rượu Sài Gòn người ta gọi đó là viện bảo tàng quốc gia”, và Kỳ cùng Khánh ra lệnh “nhóm tướng trẻ” hốt hội đồng đó thật, bắt một số đem quản thúc khiến đại sứ Mỹ M.Taylor phải ôm đầu bảo họ: “Các vị đã làm nát bét cả rồi!” Nghĩa là làm mất cái “màu mè dân chủ”, cái “chính phủ dân sự” mà Mỹ đang muốn có. Dĩ nhiên, nhiều nguyên do để Khánh “hốt” hội đồng , nhưng chắc chắn việc quyết định để Khánh lên đại tướng sau Dương Văn Minh 3 ngày có tác động tâm lý thúc đẩy Khánh hành động nhanh hơn. Vả lại, lúc ấy nghi án “5 tướng Đà Lạt” kết thúc rồi, các “tướng già” đang có mặt ở Sài Gòn . Họ quen biết những nhân vật thân cận với đại sứ Taylor, điều đó cũng đáng lo chứ?
còn nữa...
Mai Nguyễn
Một Thế Giới