Mì cay nhiều cấp độ, đừng nên đùa với sức khỏe
Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:40, 09/05/2016
Trong thời gian gần đây, giới trẻ gần như phát rồ vì phong trào ăn mì cay nhiều cấp độ. Món ăn nàycó giá thành từ 35.000 đồng đến 45.000 đồng/ tô. Có nơi còn treo thưởng "bất cứ ai ăn hết tô mì cấp độ 7 sẽ được tặng thưởng 1 triệu đồng" nữa. Các đoạn video quay các "thánh"ăn mì cay cấp độ 6 trở lên góp phần gây nên sự phấn khích cao độ, đã thu hút nhiều lượt like và chia sẻ trên mạng xã hội.Việc này cũng tạo cơ hội kinh doanh cho các cửa hàng ăn uống mở ra một loại hình dịch vụ ăn uống mới mọc lên khắp mọi tỉnh, thành.
Món mì cay đang là một xu hướng ẩm thực được giới trẻ hưởng ứng và chia sẻ trên các trang mạng tạo nên một phong trào mới lạvề ẩm thực. (Ảnh Foody.vn)
Tuy nhiên, đó là xét trên khía cạnh kinh doanh và sở thích của mọi người về một món ăn đang có xu hướng lan tỏa nhanh. Còn nếu xem xét kỹ trên phương diện sức khỏe, thì việc ăn các loại thực phẩm quá cay có tác động đến con người như thế nào? Phân tích thành phần của mì cay cho thấy để tạo vị cay cho món ăn, đầu bếp sử dụng chủ yếu chất cay của quả ớt.
Chất cay có từ đâu?
Capsaicin là một hợp chất được lấy ra từ ớt, chính chất này tạo ra vị cay khi ăn ớt. Theo danh pháp IUPAC, capsaicin có tên gọi là 8-Methyl-N-vanillyl-trans-6-nonenamide. Capsaicin hòa tan trong cồn và mỡ, không hòa tan trong nước.
Tác dụng của chất cay
Chất cay capsaicin là diệt vi trùng nên thường được dùng để bảo quản thực phẩm, giữ cho thức ăn lâu hư. Ngoài ra cũng được dùng để bào chế băng hoặc cao dán, nhờ tác dụng làm thông sự bế tắc của máu.
Một thử nghiệm của Hàn Quốc cho thấy lượng mỡ ở 100 người phụ nữ chuyển sang chế độ ăn thường xuyên có ớt đều giảm xuống một cách rõ ràng.
Một khám phá mới của các nhà khoa học Anh thì khẳng định capsaicin gây đỏ, nóng có thể tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách tấn công trung tâm năng lượng của chúng, nên capsaicin có khả năng giết chết tế bào ung thư tiền liệt tuyến ở đàn ông.
Ngoài ra, capsaicin còn được cho là giúp giảm đau bằng cách làm giảm hợp chất P (chất vận chuyển thần kinh giúp truyền tín hiệu cơn đau). Điều này nghe có vẻ hơi lạ nhưng có nhiều bằng chứng ủng hộ quan điểm trên. Các nhà khoa học còn cho rằng, có thể sử dụng chất nóng từ quả ớt để làm thuốc chống viêm khớp. Hiện đã có những loại kem có chứa capsaicin để bôi lên da nhằm giảm đau và chữa khớp nhưng nó thường gây cảm giác bỏng rát.
Cấu trúc phân tử của chất caycapsaicin có trong quả ớt. (Ảnh từ Internet)
Từ nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, khi chúng ta cắn một miếng ớt cay, vị cay kích thích mạnh, khiến não bộ bài tiết ra chất hóa học làm giảm bớt đau đớn và sinh ra một chút khoái cảm. Trong ớt còn chứa một số chất giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng kết tụ tiểu cầu, dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim. Ớt còn có tác dụng ngăn ngừa huyết áp cao và giảm béo. Đây là tác dụng của capsaicin, chất có tác dụng kích thích các đầu dây thần kinh, làm giãn nở mao mạch, sinh ra hiện tượng đổ mồ hôi, đồng thời kích thích cơ thể đạt đến đỉnh điểm thăng hoa.
Khuyến cáo ăn mì cay có thể dẫn đến nhiều tác hại đấn sức khỏe và có thể gây tử vong?
Tuy nhiên, dược điển y khoa xem chất cay capsaicin là một loại chất độc. Đây là một hóa chất có tác dụng làm cho quả ớt có vị cay nóng. Nếu ở dạng tinh khiết, loại hóa chất này có thể gây tử vong cho bất kỳ ai thử nuốt nó.
Đến một lượng nhất định, chất Capsaicin sẽ gây nóng và bỏng rát khi tiếp xúc với làn da người. Những nơi có niêm mạc như phủ tạng bao gồm ruột, bao tử, hệ hô hấp, vùng bên trong khoang miệng mũi sẽ bị tổn hại nếu ăn cay quá độ. Dùng ớt quá độ và trong một thời gian dài có thể làm chết dần hệ thần kinh.
Những hệ thần kinh bị ảnh hưởng bao gồm vị giác, cơ quai hàm; và do đó sự cảm nhận về độ cay cũng giảm đi, nên bạn cho rằng mình lên cấp độ. Có người ăn cả trái ớt vẫn không có phản ứng gì tức thời, nhưng có người chỉ cần cắn một miếng thôi là nước mắt mũi giàn giụa, mồ hôi toát ra, tim đập nhanh, máu dồn, đầu bưng bưng, tai nhức ù ...
Khi ăn cay trong người sẽ tiết ra chất Endorphine gây hưng phấn (có tác dụng gần giống như thuốc phiện), chất này được phỏng đoán là lý do làm cho ghiền ăn cay.
Quả ớt càng cay, chất capsaicin (độc tố) càng nhiều.
Do đó , việc thử thách ăn mì cay cấp độ cao của giới trẻ dường như đang là sự đầu độc sức khỏe của bản thân một cách từ từ. Khi bạn ăn cay cấp độ cao hơn hẳn mọi người không hẳn là mình có sức khỏe hơn mọi người đâu nhé! Hơn nữa, ăn mì cay trong tình hình thời tiết nóng như hiện nay sẽ khiến cơ thể gặp rất nhiều vấn đề rắc rối về sức khỏe. Đơn giản là món mì không tốt cho những người có tiền sử mắc bệnh trĩ, bởi ăn cay là một chất kích thích cần hạn chế nếu không muốn bệnh tình nặng thêm. Và thậm chí có nguy cơ tử vong do đột tử vì ăn quá cay kết hợp với thời tiết quá nóng như hiện nay.Nếu trong trường hợp ăn bị cay quá, hãy dùng các thức uống có sữa sẽ làm giảm được chất cay, còn dùng nước chỉ giảm được độ cay phần nào mà thôi.
Các cửa hành ăn uống phục vụ món mì cay nhiều cấp độ đang thu hút nhiều thực khách vìtò mò hơn là chất lượng dinh dưỡng và tác động đếnsức khỏe của món ăn. (Ảnh từ Internet)
Cũng rất may mắn rằng chưa có một trường hợp đáng tiếc nào xảy ra trong thời gian gần đây vì món mì cay nhiều cấp độ. Tuy nhên, mọi người hãy luôn cẩn thận bảo vệ sức khỏe của mình, nhất là trong vấn đề ẩm thực.
Ngọc Trác