TP.HCM: Phấn đấu giảm 10% tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:35, 07/05/2016
Ngày 6.5, theo thông tin từ UBND TP.HCM, cơ quan này đã ban hành kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, kế hoạch này nhằm ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và chất cấm, kháng sinh trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.
Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc lưu thông, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường, chất bảo quản, phụ gia ngoài danh mục, kém chất lượng, không an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chấn chỉnh việc giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ thịt và giảm thiểu tỷ lệ thịt ô nhiễm vi sinh vật có hại.
Đến cuối năm 2016, TP.HCM phấn đấu tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả, chè, tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản nuôi, ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2015.
Trong khi đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP) được nâng hạng A/B tăng 10% so với năm 2015.
Không những vậy, TP.HCM còn tiếp tục phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.
Cùng ngày, UBND TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét hỗ trợ dự án Ứng dụng công nghệ cao sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ theo mô hình chuỗi liên kết giá trị phục vụ nhu cầu tiêu dùng rau cao cấp trên địa bàn TP.HCM trong khuôn khổ Chương trình nông thôn - miền núi năm 2016.
Được biết, dự án nhằm chuyển giao thành công các quy trình sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ cao cho đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp và địa bàn sản xuất (15 quy trình).
Dự án còn xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau hữu cơ (9 loại rau với quy mô 80ha, đạt sản lượng 1.800 - 2.000 tấn sản phẩm rau hữu cơ), 1 mô hình sản xuất cây giống rau theo phương thức công nghiệp (100.000 cây giống/vụ), 1 mô hình bảo quản rau tiên tiến (10 tấn rau/đợt) và 1 mô hình tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ theo hình thức liên kết.Đào tạo và tập huấn kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao 10 cán bộ kỹ thuật và 300 nông dân cho đơn vị chủ trì và địa bàn sản xuất.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 24 tháng, từ tháng 6.2016 đến tháng 6.2018.
Phan Diệu