Vì sao tôi có tên trong hồ sơ Panama?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:03, 10/05/2016

Bà Đàm Bích Thủy, một trong các cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama, cho rằng mình cũng như nhiều người khác có mặt trong danh sách này là bình thường.

Chia sẻ với Zing.vn, bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng ANZ, người có tên trong danh sách 189 cá nhân, tổ chức quản lý công ty, cho rằng, bà không có gì băn khoăn khi thông tin này công bố. Sở dĩ bà có tên trong danh sách vì là CEO của Ngân hàng ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này.

Cũng theo bà Thủy, việc sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội. "Nó tùy thuộc vào hiệu quả kinh tế và lợi ích của doanh nghiệp, cơ chế hoạt động phụ thuộc vào cấu trúc khi thành lập công ty nữa. Còn tài liệu Panama thông tin có tổ chức, cá nhân lập công ty ở nước ngoài với mục đích rửa tiền hay làm gì đó tôi không bàn, vì tôi cũng không rõ lắm".

CEO Ngân hàng ANZ tại Việt Nam cũng cho rằng, có thể thông tin này với người Việt Nam là mới, ở nước ngoài thì chuyện này rất bình thường. "Cũng vì vậy mà khi thấy danh sách có tên tôi, rất nhiều người quen hỏi thăm, tôi cũng vui vẻ chia sẻ để mọi người hiểu", bà Thủy nói thêm.

Cơ sở dữ liệu "Hồ sơ Panama" đã chính thức được công bố vào 2h sáng nay, ngày 10.5, theo giờ Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã chính thức công bố hàng loạt dữ liệu về các công ty vỏ bọc, công ty ma được thành lập tại nước ngoài trên toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, dữ liệu của ICIJ cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong vòng 40 năm qua, trong đó có 7 công ty có mặt trong "Hồ sơ Panama". Đồng thời, cơ sở dữ liệu của ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks".

Tuy nhiên, việc sử dụng công ty nước ngoài không hoàn toàn là hành vi phạm tội, và một số có mục đích hợp pháp. Đồng thời việc xuất hiện trong danh sách này cũng không đồng nghĩa với việc những công ty này và các đại diện pháp lý đã có hành vi vi phạm quy định của luật pháp các nước.

"Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Theo đó, ngày 3.4.2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Các công ty này được cho là lập ra nhằm giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới.

Trong khi đó "Offshore Leaks" là tên gọi của một vụ phát giác trong tháng 4.2013 về việc trốn thuế và những thiên đường thuế cũng do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tại Mỹ công bố công khai

Cơ sở dữ liệu này của ICIJ chứa thông tin về 320.000 công ty, quỹ đầu tư ở nước ngoài và vụ rò rỉ dữ liệu Offshore Leaks. Trong đó tiết lộ tên và thông tin về 200.000 công ty ở nước ngoài do giới nhà giàu trên toàn thế giới thiết lập. Các dữ liệu được thu thập trong vòng 40 năm tính đến cuối năm 2015, liên quan tới công dân và các công ty tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

H.Linh/Zing

Ảnh: Bà Đàm Bích Thủy(nguồn: Internet)

Zing