Nhà máy xả thải khiến cá chết bồi thường 1,4 tỉ đồng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:03, 12/05/2016

Ngoài việc bị đình chỉ hoạt động 6 tháng để khắc phục hậu quả, hoàn thiện hệ thống xả thải, Nhà máy đường Hòa Bình đã chấp nhận phương án đền bù 1,4 tỉ đồng cho các hộ dân nuôi cá trên sông Bưởi.

Chiều 11.5, Tổ công tác liên ngành tỉnh Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo Công ty CP Mía đường Hòa Bình để xử lý vụ xả thải gây ô nhiễm sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công ty CP Mía đường Hòa Bình cam kết sẽ bồi thường tất cả thiệt hại do việc xả thải gây nên, theo đúng kết luận của cơ quan chức năng.

“Do thời gian xây dựng nhà máy quá gấp gáp, công ty chưa kịp làm hệ thống xử lý nước thải, bởi phải thu mua cho bà con, vì vụ mía sắp hết, trữ đường rất thấp”, ông Hùng phân trần và cho hay, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp lỗ tới 16 tỷ đồng sau hơn một tháng đi vào hoạt động.

Giám đốc Nhà máy đường Hòa Bình Nguyễn Khắc Chuyện cho biết thêm, sau khi nhận được thông tin về hiện tượng cá chết trên sông Bưởi, phía doanh nghiệp đã có đoàn vào thăm các làng chài ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để nắm bắt tình hình và chia sẻ với bà con.

“Người dân ở đây rất khó khăn. Có hộ tới 7 lồng cá nhưng chết không còn một con nào. Tôi rất đau xót và ngay lập tức chỉ đạo công ty có biện pháp khắc phục kịp thời”, ông Chuyện nói và cho hay trước mắt công ty sẽ hỗ trợ các hộ nuôi cá bị thiệt hại 1,4 tỉđồng theo đúng đề xuất của UBND huyện Thạch Thành. Đây là số tiền bồi thường cho hơn 17 tấn cá chết, còn kiến nghị hỗ trợ gạo 6 tháng cho 79 hộ và 2 tấn cá giống cho những hộ mưu sinh từ nghề sông nước, phía doanh nghiệp sẽ xem xét và phúc đáp sau.

Trước phản ánh của người dân chất xả thải rất độc, cá gặp phải là chết ngay, ông Chuyện cho hay, những hóa chất nhà máy sử dụng đều trong danh mục cho phép. “Tôi đề nghị các sở ban ngành hai tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa điều tra, liệu có phải mỗi công ty chúng tôi xả bẩn ra sông Bưởi hay không”, ông Chuyện kiến nghị.

Đánh giá vụ ô nhiễm sông Bưởi là sự việc rất đáng tiếc, ông Vương Đắc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho rằng phía nhà máy đường đã “biết nhận lỗi”. “Tôi cho rằng công ty đã có một động thái rất đáng khen là sớm nhận lỗi và đền bù cho bà con có cá chết ở huyện Thạch Thành 1,4 tỉđồng”, ông Hùng nói.

Sau khi kiểm tra hệ thống xử lý rác, nước thải của công ty, ông Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình cho rằng, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chưa hoàn thiện, đề nghị tạm dừng ngay mọi hoạt động của nhà máy để khắc phục. Công ty cần khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Phía hạ lưu sông Bưởi, cách nhà máy đường hàng chục km nước vẫn đen kịt, bốc mùi hôi. Ảnh: Lê Hoàng.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình (Tổ trưởng tổ công tác) cho hay, trước mắt sẽ đình chỉ (đóng cửa) hoạt động 6 tháng đối với Nhà máy đường Hòa Bình để khắc phục hậu quả. Doanh nghiệp cần hỗ trợ người dân 1,4 tỉđồng để khắc phục hậu quả.

“Chưa cần phân tích, chúng ta đã thấy công ty có hai lỗi lớn, đó là xả nước thải chưa qua xử lý và xả nước thải ra nguồn nước khi chưa được cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Anh nhấn mạnh. Những ngày tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp xử lý vụ việc.

Liên quan vấn đề bồi thường, UBND huyện Thạch Thành xác nhận đã đạt được thỏa thuận đền bù với Công ty mía đường Hòa Bình. Căn cứ vào mức độ thiệt hại cũng như giá thị trường hiện nay, hai bên thống nhất, nhà máy đường sẽ đền bù mức giá 80.000 đồng một kg. Với gần 17,4 tấn cá lồng bị chết do nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm, 34 hộ dân của huyện Thạch Thành sẽ nhận được trên 1,4 tỉđồng. Nhà máy cam kết chi trả tiền đền bù tận tay người dân chậm nhất vào ngày 18.5.

Trước đó từ sáng 4.5, nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết nổi khắp lòng sông. Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi. Những ngày tiếp theo, cá lồng nuôi của nhiều hộ dân phía hạ lưu sông Bưởi cũng chết hàng loạt. Phạm vi ghi nhận cá chết ước tính 30 km dọc sông. Thống kê sơ bộ, đến sáng 7.5 đã có khoảng 17 tấn cá lồng bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Nhà chức trách xác định, "thủ phạm" gây ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi là do Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải bẩn ra môi trường.

Lê Hoàng - VnExpress

Ảnh: Hồ chứa nước thải đặc quánh, chưa được xử lý nằm trong khuôn viên nhà máy đường Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo VnExpress