Chùa Wat Arun, thoáng bình yên giữa thủ đô Bangkok

Du lịch - Ngày đăng : 10:09, 11/10/2016

Thái Lan từ lâu được mệnh danh là xứ sở chùa vàng bởi có tới hàng trăm hàng nghìn ngôi chùa lớn nhỏ mang những nét kiến trúc và màu sắc tâm linh khác nhau. Cái tên Wat Arun cũng là một địa danh được nhiều người nhắc đến, thậm chí nơi đây còn được xưng tụng là ngôi chùa thanh nhã nhất thủ đô Bangkok.

Khi mới tới ngôi chùa có kiến trúc đẹp bậc nhất thái lan bên dòng chao Phraya thơ mộng, bất cứ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những ngọn tháp lớn nhỏ, được tô điểm với những chi tiết thủy tinh và gốm sứ lấp lánh dưới ánh nắng ban mai. Đến khi lắng lòng lại, cảm nhận làn gió mát lành từ sông thổi lên, lắng nghe thoảng trong không gian tiếng chuông kêu leng keng thì tâm hồn dường như trút bỏ được mọi ưu phiền, lạc vào chốn tĩnh tại, an yên.

Ngôi chùa thanh nhã bên bờ sông chao Phraya

Thái Lan từ lâu được mệnh danh là xứ sở chùa vàng bởi có tới hàng trăm hàng nghìn ngôi chùa lớn nhỏ mang những nét kiến trúc và màu sắc tâm linh khác nhau. Cái tên Wat Arun cũng là một địa danh được nhiều người nhắc đến, thậm chí nơi đây còn được xưng tụng là ngôi chùa thanh nhã nhất thủ đô Bangkok. Thông thường khách du lịch đến chùa trong tour du lịch kết hợp du ngoạn sông Chao Phraya và ghé thăm một loạt các danh lam thắng cảnh ven bờ. Tuy nhiên, vì quỹ thời gian trong chuyến đi đến thủ đô Bangkok không nhiều nên tôi chọn cách đến thẳng chùa. Chùa Wat Arun nằm ở phía Tây, bên kia sông nên phải đi phà sang.

Theo hướng dẫn của nhân viên lễ tân khách sạn tôi nghỉ, bến phà Tha Pha Chan gần với chùa nhất. Đi phà ở Thái Lan cũng là một trải nghiệm khá thúvị. Vé chỉ 3 baht (tương đương 2.000 đồng), rẻ đến bất ngờ khiến tôi lúng túng lục tìm mãi không ra tiền lẻ, cô nhân viên bán vé phải đích thân lấy hộ trong tay tôi một đồng xu to và trả lại một cơ số tiền xu nhỏ. Trên phà có ghế ngồi và mái che rất thoải mái và thuận tiện. Trong lúc chờ xuất bến, tôi trải tầm mắt ra khắp dòng sông và hai bên bờ, ngắm nhìn những con thuyền du lịch và thuyền chài ngược xuôi tấp nập. Trên mặt nước, những đám bèo lục bình dập dềnh theo những cơn sóng. Quay sang bên cạnh, tôi bắt gặp nụ cười rất thân thiện của một cô gái trẻ. Tôi hỏi chuyện làm quen, nhân tiện hỏi đường đến chùa.

Cô gái không chỉ đường mà đáp: “Lát chị đi theo em vì gần trường em dạy có một bến thuyền khác có thể đến chùa”. Con phà nhanh chóng tách bến đưa chúng tôi sang bến bên kia sông. Tôi theo chân cô giáo trẻ lên bờ rồi đi xuôi theo con ngõ nhỏ mát mẻ. Dọc hai bên ngõ là những căn nhà nhỏ rêu phong, những cụ già và em nhỏ ngồi chơi ở bậc hiên, cảm giác thật yên bình. Trên đường đi, chúng tôi trò chuyện rất vui vẻ xoay quanh cuộc sống thường ngày. Thật không may, bến thuyền cạnh ngôi trường tiểu học không hoạt động vào ngày thường. Tôi đành chọn phương án bắt xe tuk tuk để đến chùa. Trong lúc chờ xe đến, tôi đứng tham quan ngôi trường tiểu học. Bất chợt tôi nghe tiếng pháo nổ giòn giã phát ra từ khu nhà bên cạnh. Khi tôi hỏi thì cô giáo cho biết, các em học sinh của trường cấp hai cạnh đó đang đốt pháo chào mừng dịp lễ. Chúng tôi vòng lên trước cổng trường thì pháo đã đốt xong nhưng trong hơi gió vẫn có mùi thuốc pháo thơm nồng và màu đỏ của xác pháo trải đầy. Tính ra cũng đến hơn 20 năm kể từ khi nước ta cấm pháo, cho đến giờ tôi mới bắt gặp lại hình ảnh quen thuộc, chợt trong lòng cảm giác dâng lên cảm xúc rất đặc biệt. Xe tuk tuk đến. Trước khi lên xe, chúng tôi nắm tay nhau thật chặt, trao nhau nụ cười và ánh mắt mến thương.

Chỉ cách đó không lâu chúng tôi còn là những người xa lạ mà giờ đây lại có cảm giác như thân quen tự thủa nào, có lẽ là vì trái tim và tấm lòng chân thành rộng mở đã xóa nhòa mọi khoảng cách. Chỉ đi một đoạn ngắn là tôi đã đến chùa. Cổng chùa trồng hoa hướng dương dọc lối đi dẫn bước chân tôi vào bên trong, thấp thoáng bóng các sư tăng đi lại. Phía trước mở ra trước mắt tôi là một khung cảnh kiến trúc bề thế. Khác với nhiều công trình kiến trúc hoàng gia và tôn giáo ở Thái Lan thường dát vàng, chùa Wat Arun lại được làm bằng gốm sứ với nhiều tòa tháp lớn nhỏ được xây trên một nền đất cao. Bởi vậy, tuy không lộng lẫy xa hoa nhưng chùa lại gây ấn tượng bằng nét thanh lịch và trang nhã đầy khác biệt.

Tĩnh tại giữa không gian an yên

Có lẽ tôi đến vào lúc sáng sớm nên không gian khá tĩnh lặng. Du khách ở trên sân cao chỉ có đôi vợ chồng và cô con gái nhỏ đang chụp ảnh lưu niệm. Nắng sớm phủ sắc vàng nhạt lên toàn bộ công trình, chiếu xiên lên chất liệu thủy tinh và gốm sứ tạo nên những chùm sáng lấp lánh. Khung cảnh buổi ban mai thực sự rất tráng lệ và diệu kỳ. Chợt tôi nhớ đến những thông tin thú vị mà mình đã tìm hiểu được trước khi đến đây. Chùa Wat Arun còn có tên là chùa Bình Minh bởi vua Chakkri đã tới đây vào một buổi sớm khi quyết định xây dựng kinh đô mới tại Thonburi. Ông đã cho trùng tu và đổi tên chùa là Wat Jang, “Jang” có nghĩa là sạch sẽ, sáng sủa. Ngọn tháp lớn nhất ở chùa cao tới 70 mét, vươn cao lên trên nền trời xanh. Hơi tiếc khi tôi đến đúng vào dịp phần công trình này đang trong giai đoạn trùng tu nên du khách không được phép leo lên.

Tuy nhiên, đứng ngắm nhìn cũng đủ có thể thấy vẻ uy nghi bề thế của ngọn tháp với những bậc thang dốc đứng. Xung quanh ngọn tháp lớn là những tháp nhỏ hơn, với nhiều tầng. Gần dưới chân mỗi tháp là những tượng người bê đỡ mang phong cách kiến trúc truyền thống của Thái Lan. Tầng dưới cùng có các bức phù điêu bằng thạch cao trắng tạc những vị thần trong thần thoại. Đi dạo giữa những ngọn tháp, tôi có cơ hội quan sát kĩ hơn những mảnh thủy tinh cùng gốm sứ được ghép khéo léo và công phu. Mỗi chi tiết trang trí đều có màu sắc hài hòa, đường nét sắc sảo với những họa tiết hoa lá tinh tế. Thong thả bước trên những bậc tam cấp dẫn lên cửa mỗi tháp, tôi có thể ngắm nhìn tượng những chú chim thần, binh lính bằng đất nung đầy dũng mãnh. Tất cả những nét kiến trúc được phối trộn và sắp xếp thành một tổng thể tuyệt mỹ. Từ trên cao, tôi trải mắt ra phía dòng sông uốn khúc ngay phía bên ngoài chùa. Làn gió từ sông thổi vào mát rượi. Chợt tôi nghe vẳng trong không gian tiếng chuông kêu leng keng.

Khi tôi ngước nhìn lên trên thì bất ngờ thấy những chiếc chuông nhỏ bằng đồng được gắn trên viền những mái tháp theo nhiều tầng. Chúng tạo nên một dàn hợp âm đầy trong trẻo, mang lại cảm giác an yên đến lạ kì. Trên mỗi đỉnh tháp được dựng một chi tiết kiến trúc giống với cây đinh ba của thần Shiva, lấp lánh ánh vàng dưới mặt trời. Rời khu sân chính, tôi bước xuống đi dạo khắp khuôn viên. Những bức tượng Phật dát vàng hoặc mạ đồng xanh được tạc rất tỉ mỉ bằng kích cỡ người thật nằm rải rác xung quanh. Lúc này đã có thêm những du khách đến chùa, đang thành tâm hành lễ và cầu nguyện. Đi xa hơn một chút là đến một khu nhà hóng mát có tiểu cảnh nước rất thơ mộng. Mỗi góc nhỏ trong chùa đều đem đến cảm giác thanh bình và tĩnh lặng khiến cho lòng người cũng được trút bỏ mọi ưu phiền.

Mọi xô bồ bon chen của cuộc sống thường nhật dường như không còn vướng bận. Sau một buổi sáng tham quan và chiêm bái ở chùa Wat Arun, tôi tìm đường trở về. Theo chỉ dẫn của một người bán đồ lưu niệm, tôi đến được bến phà nằm chỉ cách cổng sau của chùa vài bước chân. Con phà lại tách bến đưa tôi trở lại bên kia sông. Ngồi trên phà, tôi ngoái đầu nhìn lại ngôi chùa uy nghi nổi bật trên dòng sông Chao Phraya. Những ngọn tháp lớn nhỏ soi bóng xuống mặt nước hiền hòa. Toàn bộ khung cảnh nhuốm màu bình yên và thanh tịnh, thực sự tạo nên dấu ấn khó quên ở chốn tâm linh này.

Nam Ngọc / Duyên dáng Việt Nam

DDVN