Nước cứu hạn từ thủy điện Trung Quốc còn cách Việt Nam 800 km
Sự kiện - Ngày đăng : 13:55, 26/03/2016
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Trung Quốc và Lào về việc xả lũ cứu hạn đồng bằng Sông Cửu Long, Trung Quốc đã xả nước từ ngày 15.3, Lào xả nước từ ngày 23.3.
Trước đó, theo tin tức từ Bộ Ngoại giao, kể từ ngày 23.3 đến cuối tháng 5, Lào sẽ tiến hành xả nước từ các đập thủy điện với lưu lượng nước khoảng 1.136m3/s.
Cùng với lượng nước xả từ đập thủy điện của Trung Quốc và từ một số con sông khác của Thái Lan, ước tính tổng cộng lượng nước từ sông Mekong qua Lào, Campuchia vào Việt Nam vào khoảng 3.611m3/s
Trước đó, theo đề nghị của phía Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu xả lũ ở đập thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 15.3 đến ngày 10.4, để giúp các nước ở hạ lưu sông Mekong, bao gồm Việt Nam, khắc phục tình trạng hạn hán.
Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước mà đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn biến bất thường, cực đoan. Theo đánh gia của Bộ NN&PTNT, hạn hán và mặn xâm nhập được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất trong 100 năm qua.
Theo dự báo, lượng mưa 6 tháng đầu năm 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng cao hơn 10-20% năm trước nhưng tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực lại có nguy cơ thiếu 20-40% so với trung bình nhiều năm. Do đó mực nước sông Cửu Long sẽ ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Theo các chuyên gia, ngoài biến đổi khi hậu gây hạn, mặn thì việc các quốc gia xây đập thủy điện trên sông Mekong cũng là một nguyên nhân. Hiện nay Trung Quốc đã xây 6 đập thủy điện, Lào và Campuchia định xây thêm hơn 10 đập và không dừng lại ở đó.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam có nói, việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực.
Trí Lâm