Độc quyền đẩy giá thuốc quá cao
Sự kiện - Ngày đăng : 06:53, 26/03/2016
Thuốc điều trị viêm gan C giá nhập khẩu chỉ hơn 4,5 triệu đồng/hộp, trong khi người dân phải mua ở các nhà thuốc với giá 14 triệu đồng/hộp.
Dự án Luật Dược sửa đổi cần có quy định để hạn chế việc độc quyền giá thuốc, thuốc đến người mua phải qua nhiều tầng trung gian nên giá bị đẩy lên quá cao. Sáng 25.3, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu trong phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Dược sửa đổi.
Trị tận gốc tiêu cực trong kê đơn
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dược sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho hay có ý kiến đề nghị quy định rõ về quyền phân phối trực tiếp của các hãng dược phẩm nước ngoài. Lý do là hiện nay các loại thuốc nhập khẩu muốn lưu thông ở Việt Nam phải qua các công ty trung gian, dẫn đến tình trạng đội giá thuốc nhập khẩu.
“Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH xin báo cáo: Quyền phân phối thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo Luật Thương mại cũng như các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do vậy, dự thảo luật không bổ sung quy định về vấn đề này” - bà Mai nói.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng trong luật không có quy định nào về sự hạn chế, độc quyền nhập khẩu thuốc, dù đây là điều diễn ra trong thực tế. Việc độc quyền nhập khẩu thuốc và phân phối qua nhiều tầng nấc trung gian khiến giá thuốc bị đẩy lên quá cao.
“Tôi lấy ví dụ, thuốc điều trị viêm gan C giá nhập khẩu chỉ khoảng 200 USD/hộp (hơn 4,5 triệu đồng), trong khi người dân phải mua ở các nhà thuốc lớn với giá 14 triệu đồng/hộp. Thật là vô lý! Đề nghị phải rà soát, quy định chặt chẽ để không còn kẽ hở trong khâu nhập khẩu dẫn đến khan hiếm và nâng giá thuốc” - ông Cương nói.
Trước đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đã đề nghị dự án luật cần bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá còn cao. Đặc biệt, phải hạn chế cho bằng được tình trạng độc quyền nâng giá, nhiều tầng lớp trung gian trong phân phối, tiêu cực trong kê đơn thuốc.
Bà Lan cũng đề nghị các bệnh viện nên áp dụng nhiều giải pháp, ngoài đấu thầu thì cần mở hướng về định suất với khung giá thuốc do Bộ Y tế hay BHYT đàm phán được. Về chuyên môn, các bệnh viện cần đồng loạt xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, tránh lạm dụng thuốc, tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị… Như vậy mới trị tận gốc được những tiêu cực trong kê đơn.
Mua phải thuốc giả, ai chịu trách nhiệm?
Liên quan đến vấn đề quản lý thuốc giả, thuốc sử dụng sai mục đích và tăng cường quản lý thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi người dân mua nhầm thuốc giả, bởi hiện dự thảo luật chưa quy định vấn đề này.
“Ở Điều 7 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, tôi đề nghị phải tách riêng vấn đề thuốc giả để thấy mức độ nghiêm trọng. Cần phải có chế tài, xử lý thật nghiêm, có khung hình phạt tới tử hình, bởi thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân chứ không chỉ gây thiệt hại kinh tế. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường sẽ được quy định như thế nào khi người bệnh sử dụng nhầm thuốc giả?” - bà Lan đặt vấn đề.
Bà Lan cũng đề nghị phải có chương riêng về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Thực tế cho thấy hiện còn nhiều vấn đề bất cập trong quản lý, như quảng cáo nhập nhằng với thuốc, thuốc núp bóng thực phẩm chức năng...
Theo ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình), thực phẩm chức năng mà quảng cáo như thần dược, lại có sự hỗ trợ rất tích cực của nhiều chuyên gia y tế. Giá bán rất cao so với giá trị thực, đánh đúng vào tâm lý người dân là sản phẩm càng đắt thì càng công hiệu.
“Theo giải trình của UBTVQH, không cần thiết phải đưa thực phẩm chức năng vào phạm vi điều chỉnh vì đã có Luật An toàn thực phẩm. Nhưng xin thưa, Luật An toàn thực phẩm hiện nay không khắc phục được tình trạng này. Hệ quả là người dân đang chịu rất nhiều thiệt thòi, thậm chí có thể mất mạng do lầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc điều trị” - ĐB Phương nhấn mạnh.
Thuế phòng vệ phải quan tâm thị trường
Chiều 25.3, QH đã nghe UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị QH cân nhắc không áp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ. Ông Vẻ giải thích về bản chất hàng hóa này được sản xuất và tiêu dùng ngay tại Việt Nam, được quản lý giám sát chặt chẽ theo các quy trình thủ tục hải quan, nếu áp thuế nhập khẩu vô hình trung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với thương nhân nước ngoài.
Về thuế phòng vệ, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nêu quan điểm: Khi đưa ra các thuế phòng vệ phải ưu tiên thị trường, quan tâm đến thị trường nhiều hơn. Ông Bảo lấy ví dụ như thép, xăng dầu, trong khi thế giới đang giảm thì không nên xây dựng các hàng rào phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước, dẫn đến người tiêu dùng thiệt hại.
Viết Thịnh
Hiện người dân đang bỏ ra rất nhiều tiền vào thực phẩm chức năng vì lầm lẫn với thuốc. Nhiều người tiền mất tật mang, bệnh trầm trọng thêm vì sự lầm lẫn này.
ĐBQH Bùi Văn Phương, Ninh Bình