'Chân trời mới' khiến khủng hoảng lao động lại nóng sau Tết

Sự kiện - Ngày đăng : 05:48, 25/02/2016

Xu hướng tìm chân trời mới của lao động đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết.
Kỳ nghỉ Tết âm lịch đã kết thúc từ lâu. Với các doanh nghiệp ở Việt Nam, một trong những nỗi đau đầu mà họ phải đối diện trong năm mới luôn là: kiếm lao động để ổn định sản xuất.
Không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng làm việc cầm chừng bởi thiếu lao động do sau kỳ nghỉ Tết, người lao động chưa đi làm ngay. Lý do thì vô vàn: kéo dài những ngày nghỉ ở quê hay do tàu xe mà không quay trở lại kịp đúng hẹn... Nhưng nguyên nhân chính sâu xa hơn là theo tâm lý của người Việt, đầu năm mới Âm lịch là thời điểm để họ có những quyết định mang tính chất thay đổi, đặc biệt là trong công việc.
Ngay trong tháng 12.2015, khảo sát của JobStreet ở Việt Nam chỉ ra rằng hơn 66% lao động sẵn sàng chuyển việc vào năm mới để có một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thay vì tiếp tục làm việc cho công ty hiện tại trong 12 tháng tiếp theo. Trong đó, 49% quyết định tìm việc ngay trong Tết để ra Giêng là làm việc mới.
Điều gì khiến người lao động muốn thay đổi công việc thay vì tìm kiếm sự ổn định? Khảo sát cho thấy môi trường làm việc năng động, truyền cảm hứng mới là yếu tố hàng đầu (22%) người lao động quan tâm. Lý do tiếp theo là chuyện lương bổng (16.8%). Người lao động vào cuối năm sẽ căn cứ vào mức thưởng Tết mà doanh nghiệp dành cho mình để đánh giá có nên tiếp tục cống hiến hay tìm một chân trời mới.
Hai yếu tố kể trên nói lên một thực trạng đáng báo động là các doanh nghiệp hiện nay chưa làm hài lòng người lao động trong năm 2015, dẫn đến thực trạng muốn nhảy việc ồ ạt như hiện giờ.
Tuy nhiên, khủng hoảng nhân sự vì nhảy việc sau Tết chỉ là bài toán nhỏ mà các doanh nghiệp đối mặt mỗi dịp đầu năm. Bài toán khó hơn sẽ có khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Việc gia nhập AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các tập đoàn đa quốc gia săn đón ứng viên, nhất là những lao động có trình độ và tay nghề cao. Hệ quả sẽ là việc cạnh tranh nhân lực, tìm kiếm và giữ chân người lao động giỏi rất khốc liệt.
Theo bà Angie SW Phang, Tổng Giám đốc JobStreet Việt Nam, vấn đề của nhiều doanh nghiệp là vẫn chưa minh bạch thông tin về mức lương tuyển dụng, bản mô tả công việc còn khá sơ sài. Bà Phang nhận định: Mức lương của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực do trình độ và năng suất lao động thấp hơn. Có đến 60% số người được khảo sát nói rằng mức lương của họ không đủ sống, dù tỷ lệ tăng lương bình quân của Việt Nam gần đây là 2 con số, cao hơn mức tăng trưởng lương của nhiều nước trên thế giới chỉ ở mức 1 con số. Nếu minh bạch được mức lương sẽ làm thay đổi thị trường tuyển dụng tại Việt Nam.
Thảo Hương

Một Thế Giới