Xe Camry gây tai nạn, nhiều người đòi dẹp... xe máy

Sự kiện - Ngày đăng : 11:19, 03/03/2016

Sau vụ tai nạn do người lái xe Camry gây ra làm chết 3 người ở Hà Nội, một số cư dân mạng lại lên tiếng đòi dẹp… xe máy!
Lỗi do ai, ô tô, xe gắn máy hay… người đi bộ?
Điển hình như trang facebook của ông L.H.N. - đang làm công tác quản lý doanh nghiệp và có gần 5.000 bạn bè trên trang facebook cá nhân, lên tiếng: “Một tai nạn khủng khiếp! RIP (an giấc ngàn thu - PV) 3 nạn nhân của chiếc xe điên. Tôi vẫn ước ao, đến bao giờ có được lộ trình loại bỏ xe máy ở các đô thị lớn nước ta, để bớt đi những cái chết oan ức kiểu này. Nhưng quá ít người nghe tôi”.

Xem lại clip diễn tiến về vụ tai nạn, cảm nhận ban đầu của rất nhiều người là lỗi rõ ràng thuộc về chủ nhân chiếc Camry đã phóng nhanh, vượt ẩu. Và 1 hình ảnh trực diện khác được tung lên mạng, cho thấy còn có nguyên nhân khách quan khác, cũng góp phần dẫn đến vụ tai nạn trên.

Đó là 1 chiếc ô tô màu đen, đậu ngược chiều bên lề phải. Hoàn toàn sai luật! Chính vì chiếc xe đậu ngược chiều này đã khiến lòng đường đã hẹp, lại càng bị hẹp. Vì thế, chiếc ô tô Camry vượt ẩu phải lấn hết qua phần đường bên kia, tông trực diện vào 1 xe gắn máy và 1 người đi đường ngược chiều, khiến 3 người thiệt mạng thương tâm.

Người phụ nữ đi đường bị thiệt mạng trong vụ tai nạn kinh hoàng này cũng có phần sai, khi đi bộ… sai luật mà Hà Nội đã áp dụng xử phạt từ 1.2.2016. Xem clip thì thấy vỉa hè khi ấy còn rất thông thoáng và nếu người phụ nữ này đi trên vỉa hè, thảm kịch có thể đã không đến.

Dù rằng sau khi tông vào xe gắn máy, xe Camry lệch lái và đâm một phần lên vỉa hè, nhưng nếu không đi bộ dưới lòng đường, người phụ nữ ấy đã không bị tông trực diện, hất tung lên thê thảm đến vậy - mà có thể chỉ bị thương. Bởi sau khi vừa đâm lên vỉa hè, thì chiếc Camry đã dừng lại. Nhưng dù sao nạn nhân cũng đã mất, chẳng nên đôi co, trách móc, buột miệng: “Giá như…. làm gì nữa. Chúng ta có lẽ chỉ biết chia buồn cùng gia đình nạn nhân.

Nhưng cụ thể lỗi do ai? Dù clip đã có, cơ quan chức năng cũng đã khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng và có người tự nhận đã điều khiển phương tiện gây tai nạn ra trình diện với công an... nhưng vụ việc vẫn chờ kết luận của phía Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội.

Nhưng nhận định ban đầu thì chắc ai cũng đồng tình với 1 cư dân mạng: “Xem video trên với nhiều góc độ thì chủ phương tiện kia (ô tô Camry - PV) cố tình phóng nhanh vượt ẩu nên mới gây ra vụ tai nạn trên, nếu để ý kỹ ta cũng có thể thấy 1 chiếc xế hộp đậu ngược chiều bên kia đường cũng là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thương tâm trên”.

 tai nhan xe camry cam xe may
Chiếc ô tô đen đậu sai luật, cũng góp phần dẫn đến vụ tai nạn của chiếc ô tô trắng trong tích tắc sau đó
Như vậy, vì sao ông L.H.N. và một số cư dân mạng, vẫn lên tiếng đòi dẹp bỏ xe gắn máy sau vụ tai nạn này? Bởi lẽ, chiếc xe máy ấy chạy đúng làn đường, tốc độ chậm và chỉ là “nạn nhân” của vụ tai nạn?

Đúng là tính mạng và an toàn là trên hết

Tìm hiểu kỹ, ý kiến mà ông L.H.N. đưa ra là có ý khác. Ông thừa nhận chiếc xe máy trong trường hợp ấy không có lỗi, nhưng nguyên nhân ông “đòi” dẹp xe gắn máy sau vụ việc này là vì tính mạng con người, vì sự an toàn khi tham gia giao thông. Theo ông, cấm xe máy, chuyển sang đi ô tô sẽ an toàn cho mọi người khi đi lại trên đường…

Bởi ngay sau đó ông cũng đã trả lời một số bình luận “phản đối” của một số người: “Không nên tư duy kiểu “đúng - sai”, mà tư duy kiểu “an toàn - không an toàn”. Cái gì không an toàn thì nên tránh dùng. Xác suất bị chết khi đi máy bay, ô tô thấp hơn nhiều khi đi xe máy. Tôi thì quan tâm hơn đến ai sống, ai chết khi tham gia giao thông. Ai tâm đắc với xe máy thì cứ thế mà xài!”.

“Anh có bảo người đi xe máy sai đâu hả em? Anh chỉ bảo là đi xe máy không an toàn cho chính người đi và nên có lộ trình xóa xe máy, để người dân không phải xài loại phương tiện không an toàn này nữa. Đúng, nhưng dễ chết thì đúng để làm gì?

Với anh thì mạng sống quan trọng nhất, nên anh chọn đi ô tô chừng nào chưa bị chết đói vì ô tô. Ô tô là sắt bọc lấy người, xe máy là người bọc ngoài sắt. Va vào nhau thì xe máy… tiêu”, ông nêu quan điểm.

Vì thế, một số người cũng ủng hộ quan điểm của ông, như: “Không bỏ xe máy được thì mấy vụ này sẽ còn dài dài”; “Hà Nội và TP.HCM giờ đều đã có Bí thư mới, đều là những người biết lắng nghe và dám nghĩ, dám làm. Bác Thăng cũng là người của ngành giao thông. Sao anh (ông L.H.N. - PV) không thử gửi kiến nghị đến các bác ấy về việc cấm xe máy?”...

Nhưng người nghèo nghe vậy, tủi thân lắm!

Ông L.H.N. không sai! Ai chẳng muốn mình đi ra đường là bước vào ô tô, bấm kính lên, bật máy lạnh, chẳng sợ mưa, chả sợ nắng. Cứ thế vi vu. Khi có tai nạn, chiếc ô tô bọc sắt ấy chính là lá chắn an toàn nhất cho những người ngồi bên trong.

Nhiều vụ ô tô ngã lật nhào, lăn nhiều vòng, nhưng người ngồi trong xe nhờ thắt dây an toàn nên vẫn giữ được tính mạng! Ô tô là nhất rồi! Thậm chí ngồi trên chiếc ô tô đời cũ vài chục triệu đồng vẫn an toàn hơn ngồi chiếc xe tay ga SH trị giá trăm triệu.

Nhưng nếu người nghèo nghe ông L.H.N. nói vậy, cũng tủi thân lắm. Hiện giờ, tỷ lệ hộ nghèo cả nước dù đã giảm, nhưng cũng còn trên dưới 5%, tức hơn 1 triệu hộ. Và tỷ lệ hộ cận nghèo cũng khoảng tương đương mức ấy. Kiếm được 10 triệu đồng dằn túi đối với họ đã là niềm ao ước lớn, nói chi đến chuyện sở hữu 1 chiếc ô tô.

Người nghèo thì tính chuyện đánh đố tính mạng mình để kiếm sống, bằng các nghề nguy hiểm như trèo cao ốc lau kính, lên sân thượng trèo ra trát hồ… Với người nghèo, để nuôi sống mình và gia đình, nhiều lúc quan trọng hơn việc giữ an toàn cho tính mạng.

Hay như ông già bán vé số Nguyễn Văn Chúng (SN 1952), quê quán ở ấp Ngãi Hòa, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hiện ở thuê tại TP. Cần Thơ để bán vé số. Do còn miểng đạn trong người từ lúc tham gia du kích, nên ông thường xuyên đau ốm. Ông chỉ ao ước có 2,5 triệu đồng để trả tiền nợ đại lý vé số do xài lậm tiền thuốc thang, và có vài triệu đồng để về quê dưỡng già. Chiếc xe honda cũ đã là niềm ao ước với ông, nói chi chiếc ô tô…

Thậm chí với cả người có mức sống khá hơn, làm cán bộ viên chức, chuyện sở hữu chiếc ô tô gia đình họ có thể gói ghém được. Nhưng than ôi, còn bao thứ phải chi để nuôi chiếc ô tô ấy? Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cứ đỗ xuống là mất vài chục nghìn đồng giữ xe, rồi tan giờ làm, nếu nhà chật lại phải gửi, chả ai giữ không công!

Ra ngoại thành thì trạm thu phí vây tiền. Và hàng năm, còn tốn tiền phí giao thông, kiểm định, bảo hiểm trên dưới chục triệu bạc…

Khổ lắm! Cứ ra lệnh cấm xe gắn máy đi, hàng chục triệu người sẽ than trời ngay lập tức. Một cư dân mạng tính toán: “Thời gian đi làm: xe máy 30 phút - ô tô 1 giờ. Chi phí: xe máy 300.000 đồng/tháng - ô tô 3 triệu xăng, gửi xe, đủ thứ linh tinh/tháng. Đầu tư: xe máy 30 triệu, ô tô 500 triệu.
An toàn: ô tô ăn đứt xe máy! Nhưng vì bài toán này mà rất nhiều người phải đi… xe máy…”.

Còn ngó xa hơn, với hạ tầng giao thông hiện nay, bỏ xe gắn máy thì đi bằng gì trong nội thành? Xe buýt thì vẫn chưa tiện dụng, xe taxi thì đắt. Và những ngõ hẻm nhỏ dài hun hút hằng cây số, chả lẽ ôm ba lô nặng trĩu, giỏ hàng nặng trĩu vừa sắm ở siêu thị về… mà cuốc bộ? Và đường sá vốn đã hẹp, chỉ với xe máy số đông như giờ mà còn kẹt xe, thế thay hết bằng ô tô, chỗ nào mà chứa?

Khi điều kiện chưa có, chỉ có cách tự vấn chính mình mà giữ an toàn, lo mạng sống khi tham gia giao thông. Quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông, phải làm chủ được tốc độ phương tiện của mình, tôn trọng luật.

“Thà chậm một giây, còn hơn gây tai nạn”… Cấm xe máy, thay bằng ô tô càng nhanh, rủi ro càng cao, có lẽ hãy nên sự thay thế ấy đến dần một cách tự nhiên, khi kinh tế và hạ tầng thay đổi. Bởi với những kẻ “sát nhân” có bằng lái qua đợt sát hạch dễ dãi, ngồi trên tay lái ô tô thì chúng ta dù có ngồi trên vỉa hè uống cà phê, đứng trước nhà hóng mát,.. chúng vẫn đâm ô tô vào và đưa tử thần đến tận nơi!

Thanh Nam


Một Thế Giới