Chưa đến ngày Valentine, các khách sạn ở Đà Lạt đã 'cháy phòng'

Sự kiện - Ngày đăng : 05:25, 13/02/2016

Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, lượng du khách đến thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) tăng đột biến khiến nhiều khách sạn, nhà nghỉ tại Đà Lạt bị quá tải. Ngày 12.2 (tức mùng 5 Tết) nhiều khách sạn vẫn “cháy phòng” dù giá cho thuê đã tăng cao so với ngày thường nhiều lần, cá biệt có nơi tăng giá gấp 3 – 4 lần so với ngày thường 
Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ trên các tuyến đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu… đều không còn phòng trống. Do không thuê được phòng, nhiều du khách phải đến các vùng ven Đà Lạt như huyện Đức Trọng, Lạc Dương để tìm chỗ nghỉ hoặc thuê nhà của người dân địa phương ở tạm với mức giá từ 3 – 9 triệu đồng.ngày đêm. Những ngày Tết Nguyên đán, giá phòng khách sạn tại Đà Lạt đã tăng mạnh, có nơi cao gấp 3 – 4 lần so với ngày thường. Giá thuê phòng nghỉ ngày thường chỉ từ 250.000 – 500.000 đồng.đêm nhưng nay bị "đẩy lên" đến từ 600.000 đồng cho đến 2 triệu đồng.đêm. 
Ông Phan Đức Minh, du khách đến từ TP.HCM cho biết: Đến Đà Lạt chơi dịp Tết, ông phải thuê phòng tại một khách sạn trên đường Lý Tự Trọng với giá 1,2 triệu đồng.đêm, cao gấp 3 lần so với ngày thường. Còn anh Hoàng Đình Phú, du khách đến từ Bình Phước cho biết, anh hết sức ngỡ ngàng khi chủ khách sạn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa “hét” giá 2 triệu đồng.đêm cho một phòng đôi khi anh hỏi thuê, trong khi đó ngày thường giá phòng loại này chỉ khoảng 450.000 – 500.000 đồng.đêm. Dù không hài lòng trước việc tăng giá phòng của các cơ sở lưu trú tại Đà Lạt nhưng hầu như tất cả các du khách như anh Phú đều phải chấp nhận vì đã lỡ đến Đà Lạt dịp này. 
Khác với những đợt nghỉ lễ trước, lượng khách đến Đà Lạt trong dịp Tết Nguyên đán năm nay chủ yếu là khách lẻ, hộ gia đình, khách đi theo từng nhóm nhỏ với phương tiện chủ yếu là ô tô cá nhân và xe máy. Do không đặt chỗ trước, nhiều nhóm khách phải vất vả tìm phòng nghỉ tại Đà Lạt; có trường hợp phải chấp nhận thuê lại phòng của một số “cò” khách sạn với giá rất cao. Trưa 12.2 (mùng 5 Tết), một nhóm bạn trẻ đến từ Bình Phước vẫn phải lái xe rảo quanh các khu trung tâm Đà Lạt tìm phòng nghỉ. Một bạn tên Lan cho biết: “Chỗ còn phòng thì giá quá cao trong khi các khách sạn ở xa giá thấp hơn đều đã kín khách. Tình hình này chắc nhóm mình tiếp tục đi chơi rồi chiều tối về tính tiếp, hy vọng sẽ tìm được phòng nghỉ với giá hợp lý". 
Anh Nguyễn Công Phong - du khách đến từ Đồng Nai đã phải trả phòng để rời Đà Lạt sớm hơn dự định ban đầu, anh nói: Gia đình anh dự định ở lại Đà Lạt đến hết ngày mùng 6 Tết nhưng giá phòng khách sạn cao quá nên đành phải về sớm. 
Người dân các thành phố lớn trong cả nước đều có tâm lý chung là đợi đến kỳ nghỉ dài ngày sẽ đến Đà Lạt. Dịp Tết Bính Thân này, từng đoàn xe của du khách nối đuôi nhau đến phố núi Đà Lạt. Tiết xuân Đà Lạt se lạnh, nắng đẹp càng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vui chơi, giải trí của du khách. Trong các ngày mùng 3 và mùng 4 Tết Nguyên đán, Khu du lịch Thung lũng Tình yêu đã đón gần 30.000 lượt khách đến tham quan; Vườn hoa thành phố Đà Lạt cũng đón 25.000 lượt khách; Khu du lịch thác Đatanla đón trên 10.000 khách… Một số điểm du lịch tại Đà Lạt và vùng lân cận như thác Prenn, Đường hầm điêu khắc, Làng cù lần, Khu du lịch Langbiang cũng đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Ngày mùng 5 Tết, hầu hết những khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố vẫn tấp nập khách đến tham quan, thưởng lãm. Ngoài ra, mô hình du lịch canh nông tại Đà Lạt cũng được du khách yêu thích. Trong đó, mô hình hái dâu tây tại vườn, tham quan vườn rau công nghệ cao, vườn cà chua đen và bí đỏ khổng lồ tại khu vực phường 7, phường 8 và phường 10 đã thu hút rất đông người đến trải nghiệm. Thậm chí nhiều khu vườn bị quá tải, vườn dâu không còn trái để khách đến hái. 
Thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều năm nay, các cấp, các ngành ở địa phương này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng làm dịch vụ du lịch theo kiểu "thời vụ" của nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở đây. 

Nguyễn Dũng (TTXVN)

Một Thế Giới