Vì sao kẻ lừa đảo lại có những thông tin cụ thể của các "nạn nhân"?
Sự kiện - Ngày đăng : 15:48, 31/01/2016
Thông thường, khi đi học nâng cao, sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ của bệnh viện tỉnh… sẽ được lưu lại thông tin cá nhân bao gồm số điện thoại di động, địa chỉ mail, địa chỉ quê quán, chuyên khoa…
“Chắc chắn là bọn này có “tay trong” ở các bệnh viện ấy, nên có đầy đủ số điện thoại, thông tin của các bác sĩ từng đi học trên đó nên chúng mới hay gọi chèo kéo bán sách. Những người chưa từng đi học thì tôi không nghe họ than phiền chuyện bị “bác sĩ bán sách” gọi điện chèo kéo mua sách…”, bác sĩ M., người từng là nạn nhân, nghi ngờ.
Một bác sĩ khác cho biết: “Khi có được số điện thoại, những người này sẽ thay phiên nhau gọi điện tự xưng là bác sĩ đang làm trong một bệnh viện lớn, dẫn dắt nhiều tên tuổi nổi tiếng trong ngành vào, hòng làm cho mọi người bị hoa mắt mà tin tưởng vào những lời lừa gạt”.
Đặc biệt, do có thông tin cặn kẽ từng “con mồi”, nên chúng chào bán đúng loại sách chuyên khoa của từng vị bác sĩ, nên các bác sĩ dễ hớn hở vì có đúng hàng cần tìm và… mắc bẫy! Sau đó, chúng đề nghị nhờ dịch vụ thu hộ của bưu điện, tức giao bưu phẩm gói sách xong mới nhận tiền.
Và dù chào bán giáo trình y khoa mới nhất, nhưng khi trả tiền và nhận sách, nhiều bác sĩ ở TP.Cần Thơ mới phát hiện mình mắc lừa. Bởi đó toàn là giáo trình cũ, giá rẻ hơn 4-5 lần sách mới. Và thay vì là sách, thì đấy chỉ là những xấp giấy photo.
Giấy in trong sách của các bệnh viện là giấy bóng dày, màu sắc rực rỡ, bắt mắt, trình bày rất rõ ràng, bìa sách làm rất cứng cáp có cả mấy trang lời ngỏ và được đóng thành cuốn rất tỉ mỉ ép sát vào bìa. Còn ở những cuốn sách dỏm phần hình ảnh không có màu sắc cụ thể, màu chữ bị hóa mờ không có màu sắc, bởi photo trắng đen...
Nguyễn Hồ