Đà Nẵng từng kéo quân lên đập công trình vi phạm của Thừa Thiên-Huế
Sự kiện - Ngày đăng : 16:39, 05/01/2016
Có lúc, phía Đà Nẵng điều 30 người lên đập công trình nhà ở kiểm lâm ở vùng đất giáp ranh với Thừa Thiên-Huế. Cũng có lúc, phía Thừa Thiên-Huế cử huyện đội, công an lên bảo vệ, khiến Đà Nẵng phải rút lui…
Căng thẳng tranh chấp kéo dài
Nhân câu chuyện công trình không phép xây dựng tại mũi Cửa Khẻm (núi Hải Vân, nằm trong khu vực tranh chấp giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã được báo điện tử Một Thế Giới đăng tải, lãnh đạo các cấp của hai địa phương này đã kể ra nhiều câu chuyện liên quan đến chuyện tranh chấp, thậm chí có lúc rất căng thẳng.
Tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) và Thừa Thiên-Huế từ điểm giáp Lào cho đến mép bờ biển dài hơn 117km, trong đó 115km đã được hai tỉnh thống nhất theo đường địa giới lịch sử.
Riêng đoạn từ đỉnh cao 724m theo đường hợp thủy qua cống Ba Cửa (trên đường sắt Bắc-Nam) ra đến mép biển vẫn đang là đoạn tranh chấp. Để giải quyết dứt điểm địa giới hành chính giữa Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, Chính phủ và các bộ ngành của trung ương đã nhiều lần làm việc với hai địa phương, ghi nhận quan điểm của hai bên nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được.
Thừa Thiên-Huế yêu cầu chia ranh giới theo con suối này, còn Đà Nẵng yêu cầu chia theo đỉnh mũi Cửa Khẻm- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Về phía Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (huyện giáp ranh Đà Nẵng) cho rằng theo bản đồ về địa giới hành chính thì vùng tranh chấp này thuộc Thừa Thiên-Huế. Hiện tại, tỉnh này đã cấp sổ đỏ cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huế) quản lý 350 ha rừng trên đất chưa phân định.
Về phía Đà Nẵng, ông Trương Việt (Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, phường giáp ranh Thừa Thiên-Huế) khẳng định rằng phía Thừa Thiên-Huế đã "chiếm" tới 800ha đất chưa phân định, gồm cả hòn đảo Sơn Trà con ở cuối mũi Cửa Khẻm.
“Trên đỉnh tôi có cả mốc và số tọa độ từ thời Pháp. Nhìn Google Earth là ra à. Có ai chạy từ Lào về phân thủy hết, đến Đà Nẵng là cắt ngang 800ha xuống dưới vịnh Đà Nẵng không. Mà có đất là phải có biển, nếu cắt rứa thì vịnh Đà Nẵng mất đi mấy hecta nữa cho Thừa Thiên-Huế à? Ai đồng ý cái chuyện nớ!”, ông Việt bày tỏ.
Ông Việt cho biết thêm: “Đà Nẵng chấp hành nghiêm chỉ thị 364 về việc giữ nguyên hiện trạng vùng chưa phân ranh giới. Còn ổng (Thừa Thiên-Huế) vô cấp 9 cái bìa đỏ cho các dự án của ổng. Đó là chưa nói, hòn Sơn Trà con, lúc trước phía Đà Nẵng rút đi, mấy ông Huế ra chiếm xây dựng tùm lum trên đó. Phân định thì phải chia đôi rõ ràng, cả thế giới làm vậy. Chỉ có ông Huế làm rứa thôi chứ. Ông cắt hết 800 ha cho ông”.
Như đánh trận
Trả lời Một Thế Giới về trường hợp ông Phạm Tý xây dựng nhà không phép ở rừng đặc dụng khu vực mũi Cửa Khẻm bị phía Thừa Thiên-Huế phát hiện và nhiều lần làm việc với Đà Nẵng yêu cầu xử lý, Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc, ông Trương Việt nói: “Hai bên đã thống nhất trong biên bản là yêu cầu chủ công trình dừng việc xây dựng, không được cơi nới, hiện họ đang chấp hành. Còn việc đập bỏ hay không phải chờ đến lúc Chính phủ có quyết định phân giới rõ ràng giữa hai địa phương mới xử lý”.
Ông Trương Việt kể lại quá trình căng thẳng giữa hai địa phương- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Theo ông Việt, cũng vì câu chuyện địa giới này mà lãnh đạo giữa hai địa phương lâu nay không còn mặn mà. Theo ông, trước khi xảy ra câu chuyện ông Phạm Tý mà phía Huế yêu cầu Đà Nẵng xử lý, thì vào năm 2012, phía Đà Nẵng đã nhiều lần xử lý công trình sai phạm của phía Phú Lộc, có lúc lên cao trào căng thẳng.
Ông kể: “Năm 2012, tôi phát hiện trên vùng này đang xây nhà điều hành của Công ty Thế Diệu (một công ty TQ xây dự án nghỉ dưỡng đã phải hủy giấy phép vì dư luận lên án Thừa Thiên-Huế cấp đất ở vị trí nhạy cảm về an ninh-quốc phòng) và nhà của BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân. Tôi ra tôi đập vì ông là nhà nước mà làm ăn thế là không được. Dân thì ông lập biên bản, mà ông thì ông xây.
Lúc đó là vào tháng 10.2012, tôi cùng đội quy tắc đô thị của quận tất cả khoảng 30 người lên đó, lệnh đập ngay, xong là rút quân về ngay. Khi chúng tôi ra đến đường 1A thì thấy bên phía họ mới hốt hoảng chạy vào.
Sau việc này, hai quận huyện có cuộc họp. Ông Hà (Nguyễn Thanh Hà, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, nay là Phó giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên-Huế) nói với tôi một câu mà tôi phản đòn luôn. Ổng kêu phường Hòa Hiệp Bắc xử lý cái ni như kiểu xã hội đen, lên đập phá tài sản nhà nước chứ không có biên bản gì hết, như thế là không được.
Chặp sau tôi nói, báo cáo anh là phường Hòa Hiệp Bắc thành lập ra có đảng bộ, có nhân dân, tui là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải tui là côn đồ, anh là người đứng đầu một huyện mà phát biểu rứa là không được.
Cái thứ hai, thành phố Đà Nẵng chúng tôi có chỉ thị 12, xây nhà không phép, trái phép là xử lý nóng ngay chứ không có cưỡng chế chi hết. Mà anh xây có phép đâu, tôi đã lập biên bản 15 ngày rồi mà không ai đến nhận thì tôi đập”.
Ông Việt kể tiếp, sau cuộc họp này, phía Phú Lộc tiếp tục cho xây công trình trên. Nắm được tin, ông Việt đưa quân lên thì thấy họ cho công an, huyện đội lên bao vây nên phía Đà Nẵng rút.
“Mấy ổng ưng thì đưa vào tiểu khu này nọ. Cái quyết định ổng cấp đất không có giá trị với Đà Nẵng này. Ổng sai sờ sờ đó sao không nói. Các anh mà tìm được Đà Nẵng cấp đất nào như thế thì anh cứ viết báo, tôi chịu. Nên bây giờ về mặt hành chính, vùng đất này bỏ ngỏ vậy chứ Đà Nẵng không quản lý chi được.
Nếu mà chúng tôi không kiềm chế, ổng mà đem súng thì bọn tôi có súng. Bây giờ bọn tôi rất nhịn, để im rứa chờ Chính phủ phân định. Chứ ông có huyện đội thì tôi có quận đội, có công an thì tôi có công an, dân phòng thì có dân phòng. Nhưng bọn tôi kiềm chế. Còn ổng thì đưa lực lượng này lên rồi đó. Ổng còn thành lập tổ dân phố trên nớ nữa”, ông Việt bức xúc nói.
Trung tâm Đà Nẵng nhìn từ bờ biển mũi Cửa Khẻm- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Ông Việt kể tiếp một câu chuyện khác: “Vừa rồi có ông dân của phường tôi, ông Nguyễn Thương, canh tác trồng chuối, ớt ở bãi Lò Vôi (thuộc mũi Cửa Khẻm) từ lâu nay (cách chỗ ông Tý 2km), ông này chỉ làm rẫy, không đủ tiền mà làm trại.
Mấy ông kiểm lâm TT-Huế xuống đòi nhổ, đòi chặt phá. Ông dân không chịu, ổng gọi điện đường dây nóng cho Chủ tịch TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Sau đó anh Thơ điện về cho quận, phường yêu cầu xử lý. Tôi liền gọi anh Thương, bảo anh cứ nói với họ anh là công dân, anh công tác ở đâu cũng được miễn không làm sai. Mà nếu các anh nhổ thì phải lập biên bản, ông nào tên chi làm ở đâu lập biên bản ký vào, rồi đem biên bản về tui coi thử. Và họ phải có quyết định của huyện Phú Lộc về việc chặt chuối nhổ ớt.
Thứ hai, chỗ này là chỗ Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế chưa thống nhất, chờ Chính phủ phân định mới giải quyết được. Tôi in bản đồ cho ông dân này, ổng xìa ra cho kiểm lâm Phú Lộc coi, mấy ông thấy vậy bỏ của chạy lấy người lâu nay không dám động nữa. Sau đó, ông dân mới điện xuống anh Thơ cảm ơn”.
“Tui kể vậy để thấy rằng họ muốn tranh chấp cái đất này với phường Hòa Hiệp Bắc, chứ dân thì họ làm ăn bình thường”, ông chủ tịch phường nói.
Xem ra, câu chuyện ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế sẽ vẫn căng thẳng nếu Chính phủ không sớm có sự phân định rạch ròi.
Lê Đình Dũng