16,2 triệu người chưa tham gia BHYT hộ gia đình
Sự kiện - Ngày đăng : 06:58, 05/01/2016
Còn nhiều hạn chế
Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện BHYT vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Hiện nay, có khoảng 16,2 triệu người chưa tham gia BHYT diện hộ gia đình, thuộc nhóm đối tượng chưa tham gia nhiều nhất trong số các nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT.
Thông tin trên được ông Tiên đưa ra tại hội thảo “Bảo hiểm y tế hộ gia đình và chính quyền cấp cấp xã triển khai Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi 2014” do Ủy ban các vấn đề xã hội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng ngày 4.1.2016.
Theo ông Tiên, khi thực hiện chính sách BHYT theo hộ gia đình, một số xã chỉ tiến hành làm thủ tục mua BHYT cho người dân theo ngày giờ hành chính, cá biệt có xã chỉ bán vào chiều thứ 2, 5, 7 gây khó cho người dân.
“Người dân mua thẻ BHYT phải chờ đợi nhiều ngày, có khi đến cả mấy tháng trời nên dễ gây tâm lý chán nản cho người dân, nhất là người nông dân bởi họ rất bận” - ông Tiên cho hay.
Theo TS. Trần Tuấn - Trưởng Ban thường trực hành động, Liên minh Y tế vì dân (EBHPD) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), tình trạng trùng lắp, sai thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế, chậm thẻ bảo hiểm y tế... đã diễn ra trong nhiều năm. Trong năm 2013-2014, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai tổng rà soát trên toàn hệ thống nhưng vẫn chưa giải quyết được cơ bản vấn đề.
Ông Vũ Xuân Bằng- Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho hay, báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố cho thấy hầu hết đã triển khai tập huấn cho các đại lý.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở vẫn còn áp dụng máy móc khi mà danh sách đăng ký tham gia theo hộ gia đình có một số thông tin như họ và tên, mã thẻ BHYT đối với những thành viên tham gia theo hình thức khác.
Giải thích cho vấn đề này, ông Lưu Viết Tĩnh - Viện trưởng Viện Khoa học Bảo hiểm Xã hội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập của tình trạng trùng thẻ từ trước tới nay là do bảo hiểm xã hội chỉ lọc được phần danh sách mà họ có, trong khi có một số ngành khác, như: quân đội, công an, cơ yếu không cung cấp danh sách tham gia bảo hiểm xã hội vì đó là bí mật quốc gia, hoặc nếu cung cấp chỉ cung cấp số lượng chứ không có tên cụ thể. Vì vậy, rất khó rà soát, lọc số lượng đầy đủ.
Thay đổi cơ chế cấp
Theo ông Lưu Viết Tĩnh, bảo hiểm y tế hộ gia đình chính là con đường ngắn nhất hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Bên cạnh đó, mô hình giao cho trưởng thôn lập danh sách hộ cũng là hiệu quả nhất.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiên, thời gian tới, mỗi trạm y tế xã cử một cán bộ chuyên trách về BHYT hộ gia đình, đồng thời có một đội ngũ cộng tác viên y tế tham gia tuyên truyền, đến tận nhà vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình và được hưởng tỉ lệ % của thẻ BHYT. Biên chế này Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội đề nghị Chính phủ quyết định.
Còn đối với cơ quan BHXH, ông Tiên cho rằng phải đổi mới cơ chế cấp thẻ BHYT. Theo đó, khi cấp thẻ, cơ quan Bảo hiểm xã hội phải trừ thời gian tiến hành làm thẻ để người dân được hưởng thêm thời gian khám, chữa bệnh.
Theo đề xuất của ông Trần Tuấn, mô hình chính quyền cấp xã quản lý đối tượng BHYT theo hộ gia đình gồm: cấp thôn sẽ có sổ cái quản lý lồng ghép đối tượng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; ở cấp xã sẽ có phần mềm quản lý đối tượng toàn xã và truy xuất phục vụ các mục tiêu.
Mục tiêu của mô hình này là giúp đơn giản, hiệu quả, thông tin chính xác, tiết kiệm nhân lực, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, thuận tiện trong truy xuất thông tin, dễ dàng phát hiện sai sót, tăng khả năng cập nhật tính thời của thông tin, phục vụ cho lập kế hoạch.
Ông cũng cho rằng, cần tuyên truyền để người dân hiểu được quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm y tế, sớm cụ thể hóa quy định về “gói dịch vụ y tế cơ bản” để người dân biết được bảo hiểm chi trả những loại bệnh gì, người bệnh phải chi trả những gì. Khi đó, người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ có chuyển biến tích cực.
Hoàng Long