Khám phá căn hầm bí mật ngay lòng thành phố
Sự kiện - Ngày đăng : 05:22, 17/12/2015
Ít ai biết trong căn nhà dài và hẹp, chưa đầy 40m ngay trung tâm thành phố lại ẩn chứa một căn hầm bí mật có từ thời đánh Mỹ, tồn tại hơn 40 năm qua.
Nằm trên con hẻm thông qua 2 đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, căn nhà số 287/70 từ lâu đã trở thành chứng tích lịch sử của biệt động Sài Gòn phục vụ cho cuộc tấn công dinh Độc Lập hồi Tết Mậu Thân năm 1968.
Trong căn hầm bí mật hiện vẫn còn lưu giữ nhiều loại vũ khí. Ảnh: T.Hương
Theo lời của bà Thiệp, vợ ông Trần Văn Lai (Năm Lai, biệt danh là Mai Hồng Quế), ông bà đã mua nhà và đào hầm bí mật theo sự chỉ đạo của đơn vị biệt động 159 mà ông bà tham gia thời chiến tranh vào năm 1966.
Má Thiệp kể: “Năm 1966 họp, có lệnh anh em biệt động Sài Gòn phải làm cách nào để đưa vũ khí về đánh trận lớn. Phải mất mấy tháng trời quyết định việc vận chuyển vũ khí về, nhiều địa điểm được đưa ra. Sau đó có lệnh nếu người nào có nhà thuận tiện thì chuyển vũ khí vào, nếu chưa có thì mua”.
Thời gian đó, ông Lai chồng bà vừa làm việc cho dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán Năm U-SOM, vừa hoạt động bí mật trong đơn vị bảo đảm của biệt động Sài Gòn, âm thầm đào hầm bí mật.
Sau hơn 7 tháng, căn hầm hoàn thành. Thoạt nhìn ở trên sàn nhà, khó ai phát hiên được bên dưới tồn tại một căn hầm. Nắp hầm chỉ khoảng 50cm2, đủ để một người có thể trạng trung bình chui lọt. Hầm có kích thước dài 8m, ngang 2m, cao 2,5m. Bên dưới hiện nay vẫn còn một số vũ khí còn lưu giữ như súng, đạn, pháo…
Má Thiệp cho biết đến nay căn hầm hầu như vẫn giữ nguyên hiện trạng, chỉ gia cố lại một số chi tiết như trét xi măng, chống thấm… Hằng năm, căn hầm này đón tiếp rất nhiều đoàn khách là học sinh, sinh viên, khách nước ngoài, người dân TP và các tỉnh về tham quan.
Sáng 16.12, căn hầm bí mật tại nhà số 287/70 của ông Năm Lai đã tổ chức buổi đón tiếp đoàn cán bộ chiến sĩ là các chiến sĩ đang công tác ở huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, hải quân, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, lữ đoàn tàu ngầm, bộ đội biên phòng, lãnh đạo quận 3 cùng các ban, ngành.
Chuyến viếng thăm nhằm thể hiện trách nhiệm và tình cảm của các tầng lớp nhân dân với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo, đồng thời tạo điều kiện để đoàn chiến sĩ tham quan các chứng tích lịch sử.
Đoàn cán bộ, chiến sĩ chụp hình lưu niệm với má Thiệp (áo đen). Ảnh: T.Hương