Cứu một bệnh nhân mắc khối u xương cầm chắc cái chết

Sự kiện - Ngày đăng : 11:02, 02/12/2015

Bệnh nhân bị một khối u xương ức khổng lồ rất nguy hiểm, trong tình trạng xuất huyết ồ ạt, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Trong tình thế như vậy, các bác sĩ vẫn quyết định đưa bệnh nhân lên bàn mổ để thực hiện ca phẫu thuật đầy rủi ro này với với hy vọng mong manh bệnh nhân được cứu sống.
Bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh bi kịch trên là bà Tô Thùy Tr. (48 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM).
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Tr. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng xuất huyết ồ ạt do một khối u ở xương ức bị thủng.
TS-BS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết chỉ trong vòng tích tắc lượng máu mà bệnh nhân này chảy ra lên đến hơn 3 lít máu. Đứng trước tình thế trên, nếu bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời để cầm máu thì sẽ tử vong ngay; còn nếu phẫu thuật trong tình huống trên thì bệnh nhân cũng có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
Với quyết tâm còn nước còn tát, ê kíp phẫu thuật ngay lập tức được thành lập gồm bác sĩ, kỹ thuật viên hàng đầu của các chuyên khoa: ngoại lồng ngực, huyết học, gây mê hồi sức…
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi động mạch gây tắc các mạch máu nuôi khối u. Lúc này tình trạng chảy máu đã hạn chế, các bác sĩ tiến hành cắt toàn bộ khối bướu ở xương ức, đồng thời dùng vật liệu titanium tái tạo thành công khung xương cho người bệnh.
“Đây là một tình huống khó xử, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm không thể nhìn bệnh nhân chết một cách đau đớn như vậy.Tất cả chúng tôi đều nỗ lực hết sức để không cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Rất mừng, đến ngày hôm nay (1.12), sau hơn 1 tuần phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, khỏe mạnh bình thường, bệnh viện tiến hành cho bệnh nhân xuất viện. Bệnh nhân như từ cõi chết trở về ”, bác sĩ Vĩnh chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Vĩnh , trước khi xảy ra tình trạng thủng khối u xương ức gây chảy máu ồ ạt, bệnh nhân này than tức ngực, khó thở, đến Bệnh viện Chợ Rẫy để khám bệnh. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có một khối u ở xương ức khá lớn lên đến 25x30cm, chiếm trọn lồng ngực. Bệnh nhân được cho nhập viện để hội chẩn và điều trị. Sau đó, bệnh nhân xuất viện về gia đình và ít ngày sau thì xảy ra tình trạng trên.
“Lúc đó chúng tôi cũng đã tính đến phương án phẫu thuật khối u ở xương ức cho bệnh nhân. Tuy nhiên để giải quyết khối u xương ức này, bệnh nhân phải cắt bỏ hoàn toàn vùng xương bị khối u tấn công. Trong trường hợp này, phần xương ức bị cắt bỏ hoàn toàn không biết lấy gì để thay thế. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, khi cắt bỏ phần xương ấy, các bác sĩ sẽ tái tạo khung xương cho bệnh nhân bằng vật liệu khác, nhưng ở Việt Nam kỹ thuật này chưa thực hiện được”, bác sĩ Vĩnh giải thích.
Hồ Quang

Một Thế Giới