UBND tỉnh An Giang không xin lỗi cô giáo bị phạt vì chê chủ tịch tỉnh trên Facebook
Sự kiện - Ngày đăng : 12:17, 26/11/2015
9 giờ ngày 26.11, UBND tỉnh An Giang họp báo, thông tin chính thức về việc xử lý các cá nhân bình luận lãnh đạo tỉnh trên Facebook.
Báo cáo vụ việc, ông Võ Nguyên Nam - Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, ngày 20.3, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận số 546 về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai gắn với thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Qua công tác nắm tình hình để bảo vệ Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngày 16.6, Công an An Giang phát hiện trên Facebook của bà Lê Thị Thùy Trang (Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT Long Xuyên) có nội dung liên quan đến kết luận 546 kèm bình luận: "Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân".
Bài viết này được 48 lượt đồng tình (like), 8 bình luận có nội dung bày tỏ thái độ hoài nghi, nói xấu, châm biếm Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó có bình luận: "Ông Chủ tịch này là kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời Chủ tịch của An Giang" từ Facebook của bà Phan Thị Kim Nga, Phó văn phòng Sở Công thương An Giang. Ngoài ra, Facebook của bà Trang còn có các bình luận như: "Vương Bình Thạnh đây sao? Nào giờ mới biết mặt"...
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, những like và bình luận trên là vu khống, ảnh hưởng uy tín của ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh. Hành vi của bà Trang và Nga được cho là thuộc lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.
Từ đó, Công an tỉnh An Giang có báo cáo 608, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy An Giang chỉ đạo Đảng ủy khối Dân chính đảng yêu cầu Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương có hình thức xử lý, kiểm điểm bà Trang và bà Nga.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng ủy khối Dân chính đảng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương và Sở Giáo dục, Công ty Điện lực An Giang xử lý các cá nhân.
Chánh văn phòng UBND tỉnh nhấn mạnh, cần phải khẳng định 3 đảng viên này đã có lỗi trong việc dùng mạng xã hội khi nói xấu người khác. Tuy nhiên, việc xử phạt họ là không đảm bảo theo quy định pháp luật.
"Các cá nhân liên quan đã thành khẩn nhận trách nhiệm, về những hành vi của mình, tự giác khắc phục sai phạm và có ý kiến nghị xe xét giảm nhẹ hình thức xử phạt", ông Nam nói.
Theo vị Chánh văn phòng, quan điểm cá nhân của người trực tiếp bị ảnh hưởng (Chủ tịch tỉnh An Giang) mong muốn giải quyết vụ việc mang tính giáo dục là chủ yếu với hình thức xử lý có tình, có lý để các đảng viên, công chức nghiêm túc khắc phục, sửa chữa.
"Qua sự việc này tỉnh sẽ chỉ đạo rút kinh nghiệm, là một bài học sâu sắc trong việc thực hiện công tác chuyên môn của các đơn vị hành chính", ông Nam cho biết.
Ông Nguyễn Hạnh - Phó Ban nội chính tỉnh An Giang cho biết, hồ sơ xử lý vụ việc chưa đảm bảo đầy đủ theo các quy định của pháp luật dẫn đến sai sót. Từ sai sót này, người ra quyết định xử phạt các cá nhân đã đánh giá vội, không phù hợp.
“Cô Trang không vi phạm Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, cô này có lỗi khi đối chiếu Điều 26, Nghị định 72 của Chính phủ liên quan đến Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng mạng xã hội”, ông Hạnh nói.
Theo ông Trần Thanh Tâm, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang, quy trình xử lý vụ việc có sai sót, chưa chặt chẽ. Đoàn thanh tra Sở đã xin lỗi cô Trang vì thông tin và xử lý sai về hành vi vi phạm, gây phiền hà đến người này.
Trả lời phóng viên về việc có xin lỗi các cá nhân hay không, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp cho biết: "Các cá nhân liên quan có lỗi, trong đó ông Phúc và bà Nga thừa nhận có hiềm khích với gia đình Chủ tịch tỉnh trước đó. Còn cô Trang cũng có lỗi trong quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet nhưng lỗi này không có chế tài xử lý vi phạm hành chính.
Vì vậy, theo suy nghĩ cá nhân tôi, UBND tỉnh không xin lỗi cô Trang, nhưng Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt sai thì đơn vị này phải xin lỗi".
Hàm Yên