Phản biện và câu chuyện ngôi mộ 40 tỉ của ông Nguyễn Bá Thanh
Sự kiện - Ngày đăng : 06:01, 31/08/2015
Tôi đưa mấy dòng tin cùng ảnh lên Facebook. Hôm sau, tôi vào Google, tìm lại bài dài chừng mấy chục dòng thông tin sai về ngôi mộ 40 tỉ thì không thấy nữa. Bài đã được xóa. Chắc nó đã được người viết gỡ đi. Như thế Facebook cá nhân cũng rất có tác dụng, có thể nói lại, khi bị hiểu lầm hoặc oan khuất. Trên mạng xã hội bây giờ có rất nhiều bài nói về ngôi mộ ông Thanh. Nhiều bài rất hay. Có chi tiết vô cùng cảm động, như người dân thay nhau canh ngôi mộ ông, khi ông vừa nằm xuống. Một bạn đọc nói rất đúng, mộ ông luôn được dân chăm sóc, vì nắng miền Trung rất dữ dội, cỏ lụi hết, cả nghĩa trang trắng xóa một màu của cát, chỉ mộ ông xanh mướt một sắc cỏ non. Và như thế, ở thời đại bùng nổ thông tin, sự xuyên tạc chẳng có gì đáng ngại. Chúng ta có thể nói lại trên các phương tiện truyền thông. Ngay cả một người dân, hay một bạn đọc bình thường cũng có thể xua tan nhưng chuyện hắc ám bằng những comment (bình luận) chân xác và trung thực. Hiện tất cả mọi lĩnh vực đều có tai mắt của nhân dân dõi theo, ai cũng có thể trở thành “nhà báo” có tiếng nói phản biện, kể cả phản biện lại sự phản biện.
-Theo ông, phản biện xã hội trên báo điện tử có hiệu quả không? Vì sao?
-Tôi cho rằng rất hiệu quả. Báo điện tử thông tin nhanh hơn hẳn các loại hình báo chí khác mà lại lan tỏa rất rộng, thậm chí phủ khắp thế giới. Khi sự việc xảy ra, ngay lập tức có thể thông tin đến bạn đọc, không cần phải chờ sắp xếp chương trình như ở phát thanh, truyền hình. Trên báo điện tử, khi đưa thông tin lên, độc giả tham gia bàn luận, viết comment cung cấp thêm nhiều thông tin nữa. Có khi thông tin comment còn sinh động hơn cả nội dung bài viết.
-Theo ông, có cần luật riêng về phản biện xã hội không? Vì sao?
-Thực ra, phản biện xã hội ở các nước khác diễn ra rất bình thường. Nó là việc hằng ngày. Bảo đảm cho nó là cả một hệ thống luật pháp, ở ta rất cần có luật về phản biện xã hội bởi có không ít kẻ lạm dụng phản biện để xuyên tạc sự thật, kích động dân chúng, thậm chí kích động cả sự thù hận. Mà luật của ta chưa chuyên nghiệp, còn thiếu tính toàn diện, nên nhiều khi có vấn đề xảy ra, nhưng lại không có luật làm căn cứ để xử lý. Nếu pháp luật có khả năng chi phối, bao quát được mọi ngóc ngách của cuộc sống thì rất tốt. Tôi mong chúng ta có được một bộ luật thật sự hoàn thiện để giúp đất nước phát triển.
-Theo ông trình độ dân trí có ý nghĩa thúc đẩy phản biện xã hội không? Trình độ dân trí ở Việt Nam hiện nay có ảnh hưởng tới hoạt động phản biện xã hội thế nào, thưa ông?
-Có dân trí tốt thì mới có phản biện, ở nước ta hiện nay, người dân trình độ khá cao rồi, tôi không lo về dân trí mà lại lo về quan trí. Nhiều quan chức trình độ không phù hợp vị trí công tác. Sợ nhất là tư duy nhiệm kỳ. Điều này tôi cũng đã nói trong nhiều bài viết rồi.
-Trong các nhóm chủ thể sau đây, theo ông, những nhóm nào nên tham gia phản biện xã hội: Nhà khoa học, nghiên cứu; Đại diện cơ quan quản lý nhà nước; Nhà báo; Người dân thường? Trong đó, nhóm nào có khả năng tác động, thuyết phục xã hội nhiều nhất?
-Theo tôi, giới báo chí, giới trí thức, khoa học rất quan trọng. Giới khoa học có tư duy khoa học, kiến thức và vị trí của họ để đảm bảo cho những điều họ nói. Giới báo chí thì phát hiện nhanh nhạy các vấn đề. Ngay cả người dân bình thường cũng có tiếng nói phản biện, vấn đề là nói có đúng không. Khi anh nói đúng thì tự nó có sức thuyết phục. Còn kể cả nhà khoa học mà gàn dở, cũ rích thì cũng chẳng thuyết phục được ai. Phải rất giỏi mới phản biện được. Vì phản biện là lật lại cả một vấn đề và phải thuyết phục được người nghe. Với giới báo chí, trước tiên phải đưa tin chính xác. Nói như ông Hữu Thọ, phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Báo chí rất quan trọng. Dù phản biện của ai, cũng cần qua kênh truyền thông, báo chí để đến người nghe, và tác động đến xã hội. Chính các nhà báo cũng làm công tác phản biện trực tiếp cho nên càng cần phải trung thực, khách quan, chính xác, nhanh nhạy. Tuyệt đối không được lợi dụng phản biện xã hội để gây rối tình hình, về phía cơ quan chức năng cần phải trung thực, minh bạch. Nếu chủ trương, đề án... được cơ quan đưa ra mà có sự phản biện của xã hội, phát hiện sai, không phù hợp, thì cơ quan này cần tiếp thu và có lời xin lỗi công khai. Ở các nước dân chủ khác, họ rất minh bạch, lãnh đạo sẵn sàng xin lỗi nhân dân khi họ sai sót, kể cả sau đó xin từ chức, ở nước ta, chưa có thói quen này. Chúng ta cũng phải quen dần với cách ứng xử văn minh đó.
-Xin cảm ơn ông
Xuân Thân/Tuổi trẻ & Đời sống