Kỳ bí câu chuyện ngôi nhà 383 m² bị cô lập, bít lối ra vào
Sự kiện - Ngày đăng : 19:56, 26/08/2015
Ngôi nhà rộng 383 m² được bao bọc bởi những căn nhà xung quanh, chỉ duy 1 lối đi vòng sau nhà số 756/3 vỏn vẹn 8,8 m² nay cũng bị bít, người nhà 756/5 không còn lối đi nào khác buộc phải leo tường men theo lối thoát hiểm của một xưởng cơ khí để ra vào.
Mấy tháng trời trong tình cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” Theo địa chỉ, chúng tôi đến tìm số nhà 756/5 Kha Vạn Cân (phường Linh Đông, Quận Thủ Đức). Trong con hẻm yên tĩnh, lần theo địa chỉ đã có trong tay, nhưng thật khó khăn để tìm thấy. Trước mắt chúng tôi là địa chỉ 756/3, lạ lùng thay căn nhà kế bên không phải 756/5 như dãy số lũy tiến thường thấy, mà là số nhà 756/7. Hoàn toàn không có địa chỉ mà chúng tôi đang tìm.
Tìm cách liên lạc với người nhà, thế là chúng tôi được bà Tuyết (là con dâu của căn nhà 756/5) hướng dẫn chạy vòng ra ngoài tới một điểm khác để đón. Chưa hết ngạc nhiên này, đã đến ngạc nhiên khác. Bà Tuyết dẫn chúng tôi vào một xưởng cơ khí, men theo lối đi thoát hiểm nhỏ hẹp (khoảng 45-50cm) gập ghềnh lên xuống có nước đọng và mùi ẩm mốc, rồi leo xuống chiếc thang dựa vào vách tường giáp với xưởng để xuống nhà. Hiện đây là lối đi duy nhất để vào nhà 756/5.
Ngôi nhà này được xây khá lâu, lọt thỏm giữa khoảng sân rộng. Tiếp chúng tôi, bà Đỗ Thị Tuyết, (62 tuổi, em dâu chủ nhà) và ông Trần Văn Thức (71 tuổi, em chủ nhà là ông Trần Văn Sơn) cho biết, gia đình đã sống trên mảnh đất này từ năm 1971 và sử dụng lối đi trước nhà lúc đó là khoảng đất trống.
Bà Tuyết cho biết: “Năm 1994, ông Trần Công Khanh chuyển đến sống ở khu đất trước nhà chúng tôi. Lúc này hai gia đình đã thỏa thuận miệng rằng sẽ mở lối đi khác bên hông nhà ông Khanh, để căn nhà này vuông vức, thay vì lối đi ngay giữa miếng đất sẽ chia tách miếng đất ra làm hai”.
Cổng của số nhà 756/5, nay đã bị chắn
Theo lời bà Tuyết, gần 10 năm sau, ông Khanh (lúc này làm Chủ tịch phường Linh Đông, Thủ Đức) làm được giấy chủ quyền nhà và nói với gia đình bà sẽ đổ bê tông cốt thép xây một phòng trên lối đi chung, như thế vừa mát, che nắng che mưa. Nhận thấy điều bất ổn, gia đình bà đã phản đối và nhờ chính quyền can thiệp, mới biết phần lối đi chung đó đã bị biến thành hiên nhà của ông Khanh. Trong lúc đang tranh chấp này, phần đổ bê tông cũng đã xong và ông Khanh đã bán nhà cho người khác. Chủ mới về nhận nhà, cũng được thông báo đây là lối đi chung.
Năm 2007, ông Sơn (anh chồng bà Tuyết) làm giấy tờ nhà, phần đất 8,8 m² được thể hiện là “lối đi”. Tuy nhiên, đến năm 2012, chủ mới là ông Ngô Quang Tiến bắt đầu cản trở việc đi ra vào của gia đình ông Sơn. Cả hai bên khiếu kiện ra tòa.
Đầu tháng 9.2014, Tòa án Thủ Đức mở phiên sơ thẩm vụ án “Tranh chấp quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”. HĐXX nhận định nhà ông Sơn bị bao bọc bởi các bất động sản khác, chỉ có lối đi duy nhất là qua nhà bà Ngô Thị Hằng (là con gái ông Ngô Văn Tiến, sau 2 lần sang tên cho người khác thì hiện Ngô Thi Hằng đang đứng tên). Lối đi này được xem là cần thiết, hợp lý, thuận tiện việc đi lại vì hiện bị đơn cũng đang sử dụng lối đi 8,8 m² làm lối đi chung của 2 nhà. Và ông Sơn phải trả 66 triệu đồng cho bà Hằng.
Không bằng lòng với phán quyết với lý do vi phạm luật tố tụng, bà Hằng đã làm đơn kháng cáo. Ngày 3.6.2015 TAND TP đã hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ về TAND quận Thủ Đức xét xử lại.
Đang trong quá trình tranh chấp, ngày 5.4.2015 chủ nhà 756/3 đã cho lắp vách chắn, bít toàn bộ lối ra vào. Từ đó cho đến nay, gia đình ông Sơn phải leo tường để ra vào.
Lối ra vào hiện tại của căn nhà 756/5
Bà Tuyết buồn bã cho hay: “Gia đình phải dời bớt đi nơi khác ở, chứ ngày nào cũng phải leo ra vào bất tiện. Nhà toàn người già, mà mỗi ngày phải leo ra vào mấy lượt. Thiệt khổ hết sức”.
Còn ông Thức mệt mỏi nói: “Lúc họ rào của, nhà tôi đi vắng, không ai hay. Xe máy của tôi còn nằm trong đây, không lấy ra được, giờ đi đâu cũng phải đi xe ôm hoặc mượn chiếc xe đạp của bà chị”.
Chúng tôi cũng liện hệ với gia đình ông Ngô Quang Tiến là bà Lai Thị Mười và Ngô Thị Hằng (vợ và con ông Tiến) đã từ chối tiếp phóng viên.
Nín thở chờ tòa phán quyết
Sống trong tình cảnh bị “giam lỏng” suốt mấy tháng trời, chị Xuân (con gái ông Sơn, được ủy quyền tranh chấp) chán nản cho biết: “Thiệt chán hết sức, riết trong nhà ai cũng muốn bệnh vì sống trong cảnh này”.
Cho rằng không phù hợp trong việc cấp giấy chủ quyền nhà, Bà Xuân bức xúc: “Không hiểu sao trên giấy tờ nhà của ông Khanh không thể hiện lối đi của nhà tôi, trong khi nhà tôi đã ở đó rất lâu trước khi nhà ông Khanh xây lên. Khi quận cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho ông Khanh vô hình chung đã bít lối đi của nhà tôi. Tại sao không thể hiện lối đi chung của gia đình tôi trong đó? Rồi đến khi chúng tôi làm giấy chủ quyền, thì lại được thể hiện lối đi nằm ở khoảng đất 8.8 m²”.
Chị Xuân nhớ lại: “Năm 2002, ông Khanh đã kiểm điểm trước Đảng Ủy, cam kết đây là lối đi chung. Nhưng kết quả bây giờ là vậy”.
Lo lắng trước tình cảnh hiện tại, bà Tuyết nói: “Mấy tháng nay nhà tôi đi nhờ lối thoát hiểm của người ta. May mắn người ta tốt bụng, nhưng tình hình kéo dài cũng ảnh hưởng đến công việc, sản xuất của người ta, bởi ngày nào cũng ra vào của chính của xưởng, rồi mới tới lối đi thoát hiểm. Lỡ chưa có phán quyết của tòa, mà người ta không cho đi nữa thì gia đình tôi phải làm sao…”
Việc phải leo trèo để ra vào nhà không ngoại lệ với khách mời. Trong buổi sáng 25.8.15, thẩm phán, chuyên viên tòa án Quận Thủ Đức cùng đại diện phường Linh Đông đã xuống thẩm định hiện trạng cũng phải men theo lối thoát hiểm và leo cầu thang để xuống được nhà ông Sơn.
Gia đình ông Sơn cho biết giờ chỉ còn biết “nín thở chờ tòa phán quyết” thôi chứ không biết phải giải quyết việc này như thế nào.
Đây là cách mà gia đình ông Sơn đi vào nhà mình: