“Lỗ hổng” an ninh bệnh viện đáng báo động

Sự kiện - Ngày đăng : 08:26, 25/08/2015

Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, căm phẫn trước thông tin bé trai 12 ngày tuổi bị người phụ nữ lạ mặt dùng dao đâm xuyên sọ trong lúc điều trị viêm phổi tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Sự việc lại một lần nữa cho thấy vấn đề an ninh trật tự tại các cơ sở y tế vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ...

Nguy cơ tiềm ẩn

Điểm lại những vụ việc nổi cộm diễn ra trong thời gian qua tại các BV trên cả nước, có thể thấy hành vi bắt cóc trẻ sơ sinh, cưa chân mẹ, thuê côn đồ đánh trọng thương bác sĩ... Tình trạng "cò BV", trộm cắp, móc túi... đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại cơ sở y tế, chứng tỏ tình hình an ninh trật tự tại BV đang trở nên "nóng" hơn bình thường.

Theo khảo sát, tại một số BV đóng trên địa bàn Hà Nội, trong khi các BV tuyến trung ương và thành phố như BV Hữu nghị Việt - Đức, BV Bạch Mai, BV Đa khoa Xanh Pôn, BV Phụ sản trung ương... quy định rất nghiêm ngặt về thời gian thăm bệnh nhân, thậm chí quy định và kiểm soát chặt chẽ đối với người chịu trách nhiệm trông nom bệnh nhân thì các BV tuyến quận, huyện lại cho phép người nhà bệnh nhân ra vào tự do. Thậm chí, có hiện tượng người nhà tới thăm bệnh nhân và ở lại một vài hôm mà không thấy ai tới "điểm danh" hay nhắc nhở.
benh vien, bo y te, bac sy, an ninh benh vien
 Tình trạng quá tải, lộn xộn là một trong những nguyên nhân gây mất an ninh trật tự tại các bệnh viện. Ảnh: Bá Hoạt
Lãnh đạo BV đa khoa trên địa bàn một quận của Hà Nội thừa nhận, các BV tuyến dưới có tình trạng để người thân của người bệnh đến thăm thoải mái, không theo giờ giấc nào cả. Khi các BV siết chặt quy định, chỉ cho phép người nhà đến thăm bệnh nhân trong khoảng thời gian nhất định trong ngày thì người dân tỏ ra bức xúc. Có BV đề ra quy định về thời gian thăm gặp bệnh nhân nhưng không có giải pháp giám sát việc thực hiện nên người dân vẫn ra vào BV một cách tự do.
Thậm chí, ở một số BV đa khoa tuyến huyện còn có hiện tượng bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân nhưng người nhà một mực đòi vào chứng kiến... Ngay tại BV Đa khoa Hà Đông, dù đã lắp đặt hệ thống camera tại khoa Cấp cứu, Hồi sức, phòng khám, đồng thời ký hợp đồng với một công ty vệ sĩ để tăng cường bảo đảm an ninh trật tự nhưng từ đầu năm đến nay, tại BV này đã xảy ra việc kẻ gian trà trộn, đóng giả người nhà bệnh nhân để trộm cắp, móc túi... và thậm chí là đe dọa y bác sĩ.
Trước tình trạng thiếu an toàn tại các BV, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường cho rằng, dù phía cơ sở y tế đã ký thỏa thuận hợp tác với ngành công an, có các chương trình phối hợp với lãnh đạo các địa phương nhưng việc bảo đảm an toàn cho các BV là khó khăn chung của ngành y tế. Nguyên nhân lớn nhất là ở nước ta, người nhà bệnh nhân thường vào viện ở cùng người bệnh, do đó, kẻ xấu sẽ nhân cơ hội trà trộn vào BV. 
Mặt khác, các BV không thể bố trí lực lượng bảo vệ túc trực 24/24h ở từng phòng bệnh. "Việt Nam không đủ điều kiện để học theo mô hình của nước ngoài, tức là không cho phép người nhà bệnh nhân ở lại BV. Trong khi đó, ngành y không thể vừa lo chăm sóc sức khỏe bệnh nhân vừa lo ngăn chặn các phần tử quấy phá được" - ông Nguyễn Xuân Trường khẳng định.

Cần giải pháp triệt để

Theo bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), "lỗ hổng" an ninh tại BV đã được đề cập thường xuyên và đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về vấn đề này. Thế nhưng, hiện tượng mất an ninh ở "nơi cứu người" vẫn diễn ra liên tiếp, trải khắp hệ thống cơ sở y tế của cả nước, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của người bệnh và nhân viên y tế. Do đó, an ninh trật tự trong BV là vấn đề cần được giải quyết dứt điểm, càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Trần Tuấn cho rằng, trước khi có hành động đúng để giải quyết "tận gốc" vấn đề này, trước tiên cần phải có giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội. Trước hết, cần phải hiểu rằng BV chính là xã hội thu nhỏ và có tính đặc thù. Sự "đặc biệt" nằm ở chỗ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bước vào BV trong hoàn cảnh bệnh tật, ốm đau nên toàn bộ tâm trí của họ khi đó chỉ tập trung chăm lo cho vấn đề chữa bệnh. Tương tự, các y bác sĩ làm việc trong môi trường căng thẳng, họ chỉ chú tâm vào việc cứu chữa cho bệnh nhân, không có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự.

Những con người có mặt trong môi trường BV được coi là nhóm yếu thế, dễ bị đe dọa bởi những hành động xấu như: Ăn cắp, lừa gạt, trả thù… Chính vì vậy, ở BV luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu kẻ gian chủ động tìm cách xâm nhập và thực hiện hành vi xấu. Khi xác định BV là môi trường có nguy cơ cao về mất an toàn thì cần phải ưu tiên hỗ trợ giải pháp bảo đảm an ninh hơn những nơi khác. Thế nhưng, trên thực tế, chúng ta chưa thực sự coi BV là điểm yếu về an ninh trật tự, chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ mất an toàn tại đây và do đó, nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống các BV công mới chỉ tập trung vào vấn đề nâng cao năng lực khám chữa bệnh chứ chưa tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh trật tự...
Thu Trang  (Hà Nội mới)

Một Thế Giới