Gia đình có nhiều người cao trên 2,2m: Chân càng dài càng khổ

Sự kiện - Ngày đăng : 11:18, 24/08/2015

Đã ba đời, gia đình nhà Trần Thị Láng (64 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) nổi tiếng khắp tỉnh với chiều cao không ai đọ lại: Người cao nhất lên tới 2,4m. Đối nghịch với chiều cao quá khổ ấy, hoàn cảnh gia đình này nghèo khó đến mức mẹ từng phải đi bán máu, con trai tự vẫn vì mặc cảm, con gái ế chồng phải bán mình cho một người Trung Quốc lấy 20 triệu cho cha mẹ.
Ba đời "chân dài"
Con đường đê ven biển Bạc Liêu dẫn về xã Vĩnh Hậu A mùa này nắng như thiêu đốt. Những đầm nuôi tôm bên đường cạn trơ đáy, nứt nẻ. Một trong hàng trăm căn nhà lụp xụp ven đường là nơi vợ chồng bà Láng, ông Lê Văn Sụa (65 tuổi) và bốn con trai tá túc.
Người đàn bà cao lênh khênh nằm trên chiếc võng mắc góc nhà, hai chân dài thượt duỗi ra vì thiếu chỗ, phải chống dưới nền. Tay chân bà to, dài hơn người bình thường đến gần gấp đôi. Khuôn mặt hốc hác, hai mắt sâu hoắm, gương mặt bà khá góc cạnh. Bà thở đứt quãng, khó nhọc mỗi khi ngồi dậy vì sức khỏe đã yếu, mang trong mình bệnh thiếu máu, cao huyết áp, đau khớp, suy thận. Bà bảo dường như trong người có quá nhiều hoóc môn chiều cao, nên càng già sớm, dễ mắc nhiều bệnh. Bà ngước mắt quanh nhà phân bua: "Căn nhà này cũng do nhà hảo tâm xây cho, chứ trước đây cả nhà phải sống trong căn chòi, nắng mưa khổ dữ lắm. Tôi ốm đau liên miên gần chục năm nay không làm lụng được gì, ông nhà tôi thì sức khỏe đã yếu, giờ hai mắt lại không thấy đường".
Để chứng minh chiều cao của mình, bà Láng khó nhọc đứng dậy. Do sức khỏe yếu, bà phải có gậy mới đứng lên và đi lại được. Đứng cạnh chồng, tuy bà lưng còng, cổ rụt, chân yếu đứng không được thẳng, nhưng vẫn cao hơn chồng đến 20cm. Tụt huyết áp, bà lật đật chống gậy quay vào võng, lấy vài viên thuốc bỏ nhanh vào miệng, nói đứt quãng nhờ hàng xóm đi gọi người con trai tên Lê Văn Lem (34 tuổi) về.
Thấy con trai tên Lem cao vống trở về, đầu gần chạm phía trên cửa ra vào, bà kể vanh vách tên từng đứa con "khổng lồ": "Tổng cộng vợ chồng tôi có tám đứa con, bốn đứa cao hơn mẹ. Hai con gái cao ngang 2m là Lê Thị Ánh Hồng (42 tuổi) và Lê Thị Bé Thu (26 tuổi). Hai con trai là Lê Văn Lắm (36 tuổi) và Lem đây thì trên 2,2m".
Theo bà Láng, gia đình bà có chiều cao "khủng" là do gen di truyền. Bà nội bà có chiều cao gần 2m, lấy được người chồng chừng hơn 1,6m. Cha bà Láng cũng cao hơn 2m. Bà còn có bảy anh em, trong đó bốn người cao thuộc dạng "khổng lồ".
Cha bà Láng được mệnh danh "bự con nhất Bạc Liêu". Chuyện lọt đến tai Công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Huy), vị này bèn cho người xuống tận nhà mời ông tham gia cuộc đấu xảo (hội chợ triển lãm) trên Sài Gòn. Trong hội chợ có phần thi ai là người cao to nhất, ông đã vượt qua hàng trăm ứng cử viên nặng ký để lọt vào cuộc đấu chung kết. Song do cuộc sống lam lũ, nên chỉ chưa tới 40 tuổi lưng ông đã còng, vì vậy ông đã thua một đàn ông người nước ngoài 2cm.
Gần thế kỷ đã trôi qua, nhưng nhắc đến sự kiện trên, bà hàng xóm Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi) vẫn nhớ: "Cha bà Láng cao chừng 2,4m. Ngoài việc lưng còng thì do ông đi giày đế thấp hơn người nước ngoài kia nên bị thua, nếu không chẳng ai trên mặt đất này đọ được với ổng".
Bán máu lấy tiền nuôi con
Nhắc đến những anh em của mình, bà Láng cho hay vì chiến tranh loạn lạc, nay mỗi người một nơi, không còn biết tin tức gì của nhau. Còn duy nhất người em trai thứ Tư sống cùng huyện đã vừa qua đời. "Nó cậy sức cao to khỏe mạnh hơn người, nên nhận lời cá cược vác trên mình thùng phuy chứa 300 lít dầu. Nó nhấc vác lên vai, khi bỏ xuống sai tư thế, thùng phuy lại quá nặng, nên bị chấn thương cột sống, nằm liệt giường một chỗ mấy chục năm ròng", bà Láng chia sẻ.
Sở hữu chiều cao vượt trội có thể là mơ ước của nhiều người, nhưng với gia đình bà Láng thì đó là cơn ác mộng. Thực tế "chân dài" đã khiến họ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. "Mấy đời nay gia đình tôi đều cao như vậy, nên người dân địa phương cũng không còn thấy quá lạ. Nhưng mỗi khi gặp người lạ, họ lại trố mắt lên nhìn, hỏi đi hỏi lại "sao mà cao thế?" khiến chúng tôi ái ngại. Khổ nhất là việc đi mua quần áo, giày dép, đã mua cỡ lớn nhất vẫn ngắn hơn thân mình cả gang", bà Láng nói.
Cũng vì chiều cao vượt trội nên chuyện tình duyên của bà cũng không gặp ít trắc trở. Cùng lứa tuổi, người đàn ông cao nhất trong xã cũng chỉ đứng đến cằm bà. Đó cũng là lý do qua tuổi đôi mươi, nhưng cô gái vẫn chưa có mối tình vắt vai. Cha mẹ thấy vậy nóng ruột, nhờ người mai mối kiếm chồng cho con. Cô gái đồng ý lấy chàng trai nghèo Lê Văn Sụa làm chồng, ông Sụa cười nhớ lại: "Ban đầu thấy bà ấy cao quá tôi cũng tự ti, ái ngại. Mỗi khi ra đường mọi người lại cười trêu chọc gọi vợ chồng tôi là "hai chị em"".
Vợ chồng lấy nhau không "tấc đất cắm dùi", không nghề ngỗng gì, chỉ còn cách đi làm mướn, kiếm tiền mua gạo. Sinh đến đứa con thứ tư thì kinh tế khánh kiệt, đến gạo cũng không có ăn. Biết là càng sinh con tiếp càng khổ, nhưng trình độ thấp, lại không biết các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vì vậy họ sinh đến đứa thứ 8. Người đàn bà giãi bày: "Thời ấy còn khỏe, nghĩ đi bán chút máu lấy tiền thì chẳng nhằm nhò gì tới sức khỏe. Bác sĩ quy định hai tháng mới bán được một lần, nhưng quá cần tiền nên tháng nào tôi cũng đi bán. Để qua mặt bác sĩ, tôi mượn giấy căn cước của em gái nộp vào bệnh viện là không bị phát hiện. Mỗi lần bán máu đều nhận được tiền mặt và cấp tem phiếu mua thịt, sữa. Tuy nhiên nhà có đến 10 cái "tàu há mồm" nên chỉ vài ngày lại hết".
Tám người con của vợ chồng bà dần trưởng thành trong thiếu thốn, cơ cực. Bốn người con hai trai, hai gái thì mang chiều cao vượt trội như mẹ. Bốn người còn lại chỉ cao khoảng 1,7m như người bình thường. Bốn người con gái nay đã lập gia đình, còn bốn người con trai vẫn lủi thủi một mình.
Tương lai của những người con cũng chẳng khấm khá, tươi sáng hơn cha mẹ là mấy, nhất là những người có chiều cao quá khổ. Người mẹ giọng run run nhắc đến cô con gái đầu lòng bà từng phải đem cho vì sinh ra "khác người": "Lúc sinh ra, tay chân nó dài lắm, nghe người ta xúi phải cho con đi không thì xui xẻo. Vợ chồng tôi không biết là thật hay đùa, nhưng vẫn dại dột nghe theo, cho một gia đình trong huyện. Đến năm 24 tuổi, nó tìm về với vợ chồng tôi. Nó là đứa duy nhất trong nhà được đi học đến hết cấp Ba".
Gia dinh co nhieu nguoi cao tren 2,2m tai Bac Lieu: Nghich ly cang “chan dai”, cang khon kho tan cung xa hoi-hinh-anh-2
 Trong 8 con của bà Láng có 4 người cao như mẹ. Cao nhất là Lê Văn Lắm nhưng thanh niên này bị bệnh tâm thần bỏ nhà đi biệt tích sau ca mổ bướu tai. Lê Văn Lem (bìa trái) cao 2,03 mét sống bằng nghề đi biển.
Tự vẫn vì mặc cảm chiều cao quá khổ
Tiếp đến là người con trai thứ tư tên Lê Văn Lắm (32 tuổi) cao trên 2,2m. Do anh có thân hình lực lưỡng, các gánh hát địa phương thường thuê anh để thu hút khán giả. Đi diễn nhiều tỉnh miền Tây, có vài lần khán giả thấy lạ, buông lời trêu chọc, khiến anh tự ái. Có lần "giận khán giả", anh lội bộ bảy ngày từ TP. Cần Thơ về Bạc Liêu. Buồn vì thân hình "khác người của mình, có lần anh đã tìm cách tự tử, may sao được mọi người phát hiện cứu sống. Song càng ngày anh càng có nhiều biểu hiện của người mắc bệnh tâm thần. Đợt trước Tết vừa rồi, anh Lắm bỏ đi lang thang. Thương con, lo lắng không biết con sống chết thế nào, nhưng do sức khỏe không có, tiền bạc cũng không, vợ chồng bà Láng cũng đành ngồi nhà mong con về.
Anh Lê Văn Lem là con trai thứ năm của bà, từng yêu một cô gái ở xã Vĩnh Hưng. Thấy anh to cao khỏe mạnh gấp đôi người bình thường, gia đình cô gái hứa sẽ chấp thuận nhận làm con rể với điều kiện phải trải qua ba năm chịu làm công cho nhà họ. Sau ba năm làm quần quật, anh Lem vui mừng, nhắn gia đình vay mượn mang lễ vật tới cầu hôn, nhưng gia đình nhà gái lại đổi ý không chấp thuận. Thất vọng, oán hận, chàng trai bỏ về quê, rồi theo ghe tàu biền biệt ngoài biển, lâu lâu mới vào bờ ghé thăm nhà.
Lo hết đứa con này chưa yên lòng, vợ chồng bà lại quay qua lo cho đứa khác. Cô con gái út có chiều cao gần 2m, cuộc đời cũng lận đận không kém anh chị. "Năm vừa rồi có người quen giới thiệu vợ chồng tôi gả con gái út lấy chồng Trung Quốc thì sẽ được 20 triệu trả nợ. Chúng tôi đắn đo dữ lắm, nhưng con út nó thấy ba mẹ khổ nên đã đồng ý". Nói rồi bà nghẹn ngào: "Đời người hạnh phúc nhất là lúc cưới chồng, thế mà nó không đồng ý cho ba mẹ tổ chức dù chỉ vài mâm cỗ. Nó gói ghém vài bộ quần áo cũ, rồi cứ thế đi làm vợ người ta. Số tiền 20 triệu tôi đem đi trả nợ nhưng chỉ trả được tiền lãi, tiền gốc vẫn còn nguyên".
Người đàn bà mệt mỏi tâm sự tiếp: "Người ta ai cũng ao ước có được thân hình cao ráo dễ nhìn, nhưng gia đình tôi cao quá lại khổ, nghèo khó từ đời này qua đời khác. Bây giờ thấy các cháu ngoại không thấy đứa nào chân tay dài lòng khòng tôi rất mừng, hi vọng sau này chúng sẽ không phải khổ như ông bà, cha mẹ".
Gia đình những người có chiều cao bậc nhất Việt Nam này rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ về mặt tinh thần, vật chất của mọi người. Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm, vui lòng gửi về địa chỉ bà Trần Thị Láng, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Theo Hoàng Dung - Hoàng Giang/ Pháp luật & Thời đại


Một Thế Giới