Cụ bà bán xôi vỉa hè kiếm dư tiền mua nhà mặt phố
Sự kiện - Ngày đăng : 08:13, 17/08/2015
Gánh xôi nửa thế kỷ
7 giờ sáng, người xe hối hả, ai ai cũng vội vã đến chỗ làm việc. Nhưng tại góc đường Pasteur giao với Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), một dòng người đang xếp hàng nối đuôi nhau chờ đến lượt... mua xôi. Có đến hơn chục người chờ đợi, từ chị bán vé số, anh bán báo dạo cho đến những vị khách du lịch ngoại quốc và những nhân viên văn phòng, tuy phải đợi đến lượt nhưng nét mặt ai cũng tươi vui và rạng rỡ. Ở giữa trung tâm đám đông là một cụ bà tóc bạc trắng, dáng người ốm yếu nhưng tay chân thì vô cùng nhanh nhẹn. Cụ thoăn thoắt lấy xôi cho vào miếng lá chuối xanh óng rồi gói lại cẩn thận và trao tận tay cho từng người. Cứ thế, hết lượt này đến lượt khác, chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, gánh xôi của cụ đã hết sạch. Có vị khách đến muộn, buồn rầu than thở: "xôi của cụ ngon lắm, ăn riết thành quen, ngay ở trước nhà tôi cũng có hàng bán xôi nhưng cả nhà ăn thấy không ngon, phải vòng xe chạy mãi sang đây để mua. Thế mà hôm nay đi trễ quá, lại không mua được".
Thức ăn Sài Gòn vốn vô cùng phong phú, những món quà vặt như gói xôi hay ổ bánh mì thì lại càng không thiếu chỗ để tìm mua ở phố thị này. Xôi được bán nhan nhản đầy các vỉa hè của các con hẻm, con phố... Thế nhưng tìm được một nơi bán xôi ngon, đậm vị, ăn vừa ngon vừa cảm nhận được cái hồn của người bán, của thành phố và của cả một giai đoạn lịch sử thì có lẽ phải nhắc đến gánh xôi của cụ ngay giữa trung tâm của thành phố này.
Đợi khi xôi hết, khách vãn, chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng cụ. Cụ giới thiệu mình là Nguyễn Thị Kiệm, năm nay đã 83 tuổi và gánh xôi của cụ thì đã tồn tại hơn 60 năm qua. Cũng tại góc phố này, ngay chính địa điểm này, dù bao biến thiên của lịch sử, cụ vẫn lặng lẽ ngồi đó và bán một mặt hàng duy nhất.
Cụ Kiệm kể cụ là người Hải Phòng. Mãi đến năm 1954, hai vợ chồng cụ mới dắt díu nhau Nam tiến lập nghiệp.
Tại Sài Gòn, người chồng làm phụ hồ, còn cụ sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ quyết định chọn gánh xôi hương vị Bắc để mưu sinh. Cứ sáng sớm, cụ lại ngồi bán xôi cạnh phủ Đầu rồng (nay gọi là dinh Độc Lập). Ban đầu, cụ còn sợ xôi Bắc sẽ khó bán ở Sài Gòn vì người miền Nam không quen vị. Nhưng dần dà, cụ phát hiện tất cả đều thích ăn món này mà không trừ người vùng miền nào. Gánh xôi của cụ tồn tại qua năm tháng, từ lúc còn 2 hào một gói nay đã là 10.000 đồng, thời gian vun vút trôi qua, tuổi tác cụ Kiệm ngày một cao nhưng hương vị của xôi do cụ Kiệm làm vẫn như ngày nào vừa đặt chân đến Sài Gòn mưu sinh.
"Nếu đặt tên gánh xôi của mình thì tôi sẽ đặt là "Xôi chạy" bởi từ ngày đó tới giờ lúc nào tôi cũng chạy, xưa chỉ cần còi hụ báo hiệu là quẩy gánh xôi lên chạy, bom rơi, pháo kích, cứ thế mà chạy trong loạn lạc, có khi phải gánh cả xôi nóng chạy đến tận tòa Bưu chính. Ngày nay cũng chạy nhưng chạy từ nhà ra vỉa hè để xôi vẫn còn nóng hôi hổi, để còn kịp bán cho mọi người. Đời tôi xem ra lúc nào cũng phải chạy là vì thế", cụ Kiệm bùi ngùi chia sẻ.
Phát tài nhờ những gói xôi
Ban đầu từ chỗ túc tắc làm lụng, kiếm từng đồng bạc lẻ đắp đổi qua ngày, hai đôi tay trắng di cư vào Nam, vợ chồng cụ Kiệm chẳng dám mơ ước gì cao sang. Vậy mà cũng từ gánh xôi vỉa hè ấy, cụ kiếm được đồng lãi, bỏ vào ống heo, rồi đập heo đất đem tiền gửi ngân hàng. Với số tiền ấy, hằng tháng cụ lại rút ra phần lãi để mua thức ăn cho các con. Lần lượt 10 người con lớn lên dưới gánh xôi nếp của mẹ, giờ có người đã trở thành y tá, người vào quân đội, tất cả đều được học hành và có công việc ổn định. Nhà phố vốn đắt đỏ, chỉ mảnh đất nho nhỏ cũng đủ là mơ ước của biết bao nhiêu người. Vậy mà từ tiền lời bán xôi, cụ mua được một miếng đất rộng, cất một ngôi nhà khang trang trên đường Trần Quang Diệu, phường 14, Q.3, TP.HCM trong sự nể phục của bao người xung quanh.
Khi chúng tôi hỏi về bí quyết để có được món xôi ngon và hút khách như vậy thì cụ Kiệm vẫn vui vẻ, không hề giấu nghề. Cụ cho biết, xôi cụ nấu cũng giống mọi người nhưng mỗi khi nấu thì cụ đều đặt cái tâm của mình vào đó. Nếp đồ xôi phải là nếp cái hoa vàng, đặt hàng từ người quê ngoài miền Bắc gửi vào. Để có ngô ngon, cụ tỉ mẩn ra chợ, tự tay lựa từng trái, hạt ngô phải đều tăm tắp, thơm mùi thoang thoảng thì cụ mới ưng lòng chọn. Khi luộc ngô phải ngâm nước rồi nấu qua ba lần lửa, hầm thật lâu mới nở hết và mềm đều. Bộ nồi luộc ngô và đồ xôi của cụ cũng khác hẳn những hàng xôi khác. Ngô được hầm trong chiếc lu bằng đất sét từ thuở xa xưa. Khi ngô chín, mở nắp lên, mùi ngô ngòn ngọt tỏa ra khiến người đứng gần đã thấy cảm giác thèm thuồng.
Cụ Kiệm đồ xôi trong chiếc nồi bằng gang, óng ánh màu thời gian, cụ bảo xôi ngon nhất là khi được nấu trong chiếc nồi loại này, cái nồi gang này được làm từ gang chính hiệu bởi ban đầu đó là một trái đạn cối, sau khi nung chảy thì thổi thành cái nồi này. Đậu xanh cũng được cụ đặt mua từ Hải Dương đem vào, những hạt đậu tròn mẩy, xanh căng, sau khi ngâm mềm, đãi sạch vỏ thì cụ đem hấp chín rồi cho vào cối giã đều tay, giã đến khi nào đậu quyện chặt lại, màu vàng óng ả hiện ra, mùi thơm dịu ngọt lan tỏa khắp nhà bếp thì mới dừng tay giã.
Để làm nên món xôi ngon, cụ Kiệm còn tỉ mẩn chăm chút cả hành phi. Nếu như thông thường ở các hàng xôi khác, để tiện lợi, người ta lấy sỉ hành phi "công nghiệp" từ các tiểu thương ở chợ thì gánh xôi của cụ Kiệm khác hẳn. Để có được món hành phi, cụ phải đặt hành tươi tận làng ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) rồi sau khi hành về đến Sài Gòn, cụ bóc vỏ, thái lát, đem bỏ vào chảo dầu phộng đang sôi, cứ thế những mẻ hành vàng ươm, thơm phức được rắc lên xôi nóng cho thực khách thưởng thức. Để xôi có vị đặc trưng, cụ Kiệm phải lên tận Hóc Môn để đặt những lá chuối xanh về gói. Lá chuối mỗi lúc một khan hiếm, đắt đỏ nhưng cụ vẫn nhất mực không thay đổi để giữ được mùi vị xôi đúng điệu nhất.
Cụ Kiệm kể có những khách tha hương hàng chục năm nhưng vẫn nhớ đến món xôi của cụ. Vừa trở về Việt Nam là họ dắt cả đại gia đình đến mua xôi, cả nhà ngồi quanh gánh xôi với đĩa xôi 10.000 đồng trên tay nhưng ai ai cũng hồ hởi, vừa ăn vừa ngắm phố phường Sài Gòn với bao đổi thay, rồi lại tấm tắc khen ngon mà bảo rằng xôi bây giờ chẳng khác nào xôi năm xưa. Hay có những người chỉ về thăm nhà được một thời gian ngắn, khi sắp sửa rời quê hương, họ vội vàng đến đặt vài chục ký xôi rồi nhờ cụ bọc lá chuối nhiều lớp để giữ trọn mùi vị, khi sang đến đất khách quê người, giở nắm lá chuối, mùi xôi quê vẫn toát lên nồng ấm.
Theo Đời sống và hôn nhân