Chuyện về nữ trưởng công an quận đầu tiên ở Sài thành
Sự kiện - Ngày đăng : 07:02, 16/08/2015
Từ khói lửa chiến tranh
Những năm 1956 - 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm đánh phá ác liệt. Vùng Ba Sòng, xã An Nhơn Tây quê Thu trở thành một trong những “vùng lõm chính trị” của Củ Chi và của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Khu vuờn trong nhà cô là nơi ba mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ. Từ cô con út được cưng chiều, nhàn nhã bên chiếc máy may, Thu thành người nấu cơm, phụ in ấn tài liệu, bảo vệ các chú, các anh. Thấy Thu chịu thương chịu khó, lại lanh lẹ, thông minh, lãnh đạo Khu ủy đã giao cho cô nắm tình hình đám lính bảo an ở xã, vận động một số binh sĩ đào ngũ, đưa họ ra vùng giải phóng ở Bừng Còng, Rạch Bắp thoát ly theo cách mạng.
Ngày đó, tên Xã trưởng trong vùng khét tiếng ác ôn khiến đời sống của bà con lao đao, thê lương. Anh trai Thu diệt hắn. Bị nghi ngờ, theo dõi, Thu và các anh phải rút vào rừng hoạt động bí mật. Cô tham gia Ban chấp hành Phụ nữ huyện, làm công tác phụ vận. Tại đây, cô gặp Hà Văn Thạnh, một cán bộ an ninh. Tình yêu đơm hoa, kết trái. Nhưng chiến tranh, nhiệm vụ cách mạng chia cách đôi vợ chồng biền biệt.
Năm 1963, được điều động về Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định, Thu được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên chuyển thư từ và đưa rước cán bộ từ căn cứ ra vào nội thành. Cô gái đôi mươi như con thoi giữa những cánh rừng bạt ngàn. Mấy chị cứ bẹo má: “Mày mới lớn mà chững chạc ghê. Tuyên truyền, vận động khác chi mấy chú cán bộ”. Được cấp trên tin tưởng, Thu lại nhận nhiệm vụ vào nội thành hoạt động, giả dạng người đi buôn, vào hang ở của địch, trong đầu cô luôn đặt ra câu hỏi “nếu bị bắt mình sẽ khai như thế nào” để đối phó.
Và chuyện không may xảy ra. Một kẻ phản bội đã chỉ điểm khi cô chuẩn bị đến điểm hẹn để đưa tài liệu giấu trong chiếc dép. Bị tra khảo tàn bạo bằng các màn đổ nước xà phòng vào miệng, chích điện, châm kim ngón tay... nhưng Thu vẫn một mực bảo rằng mình chỉ là người chép tài liệu thuê để kiếm sống. Cô không nhận khi đối chất trực tiếp với kẻ phản bội. Trong mắt Thu lúc ấy, hắn đê hèn, đốn mạt. Nếu hé răng, khác nào cô cũng đốn mạt, đê hèn như hắn. “Không! Mình thà chết chứ nhất định không thể bán đứng đồng đội. Sống trên đời, danh dự con người là trên hết. Nêu phản bội, dù sống cũng không bằng chết thì sống để làm gì”. Ý nghĩ đó văng vẳng mãi trong nỗi đau tàn khốc. Thu biết giờ này, người chồng của mình cũng đang chịu nỗi đau đớn tra tấn ở nhà tù Phú Quốc. “Anh ơi, nếu em có chết, anh tha lỗi cho em. Con trai chúng ta đã có ngoại nuôi và tổ chức sẽ lo cho nó” - nghĩ đến chồng, con, Thu quặn lòng.
Ba năm giam giữ, không khai thác được gì, địch đành xử Thu án treo và tội mang căn cước giả. Những trò tra tấn tàn bạo khiến mắt Thu mờ, nắng nóng lại lên cơn động kinh. Sau một thòi gian điều trị, bà được trở về tổ chúc trong sự thán phục của mọi người. Gian khổ chiến tranh, đòn thù tàn khốc của địch đã tôi luyện cho người phụ nữ mảnh mai ấy một nghị lực thép. Để khi trở thành người lãnh đạo ở nhiều vị trí sau này, bà vững vàng trước mọi thử thách, cam go.
Nữ cán bộ mẫu mực
Một kỷ niệm mà Đại tá Năm Thu xem đó là bài học cho suốt cuộc đòi của mình. “Ngày còn làm giao liên ở căn cứ, có lần, một chị giao liên bị hỏng xe dọc đường. Thông thường khoảng 3h chiều, chị ấy đến để đưa tài liệu. Nhưng tôi chờ đến 7h tối không thấy chị nên tức tốc chạy về báo cáo cho các anh cấp trên. Rừng đêm âm u, tiếng gió hú, cây rừng xào xạc, những cái bóng đen sì kỳ quái. Tiếng xe đạp của mình lại cọc cạch đều đều như có ai theo sau lưng. Một đứa con gái còn trẻ như tôi, lại rất sợ ma. Vừa chạy vừa lạnh tóc gáy. Chỉ mong mau đến nơi. Nhưng vừa dựng xe đầu ngõ, chưa hoàn hồn, vừa đói vừa lo thì các anh đã sấn lại la lối, căn vặn: Tại sao em không chờ, sao không ở lại nắm tình hình? Tôi uất nghẹn. Cứ nghĩ mấy anh sẽ động viên rồi cử một thanh niên đi cùng tôi để trở lại đón chị giao liên. Tôi không nói không rằng, xách xe quay về. Vừa đạp, vừa bặm môi nức nở, nén nỗi sợ băng rừng. May mà chị giao liên vừa về tới. Đêm đó, tôi chóng mắt suy nghĩ.
Sáng ra, mấy anh xin lỗi, cũng bởi sốt ruột quá nên nóng nảy. Nghe mấy anh nói, tôi òa khóc. Ấn tượng đó sau này mãi không phai mờ. Từ đó, tôi tự nhủ, nếu sau này mình trở thành lãnh đạo thì cố tránh sự việc tương tự. Khi cấp dưới đang lo lắng, bí bách công việc thì đừng nên đốc thúc, dồn người ta vào đường cùng mà nên động viên, cùng tìm hướng giải quyết”, bà kể.
Nhờ bài học đó mà sau giải phóng, được phân công làm Phó ban An ninh huyện Phú Tân Sơn, Đội trưởng đội Bảo vệ chính trị Công an quận Tân Bình rồi lên làm Phó Công an quận và Trưởng Công an quận, bà đều là người thủ trưởng mẫu mực, sâu sát, cảm thông với cấp dưới. Quan niệm của bà là: Mình là thủ trưởng dĩ nhiên mình sẽ có những cái hơn anh em. Nhưng mỗi người một sở trường, họ sẽ có cái hơn mình. Nắm được điều đó sẽ giúp người thủ trưởng hiểu cấp dưới và phân công họ đúng việc, phát huy hiệu quả công việc. Bao năm làm việc dưới sự chỉ đạo của Đại tá Năm Thu, cấp dưới của bà dường như không thấy khoảng cách. Đó là sự gần gũi của một thủ trưởng tận tình. Bà tâm sự “Tôi hiểu, không ai làm việc lại mong muốn mình mắc khuyết điểm, sai phạm. Cho nên mình phải cố gắng bình tĩnh để tìm hiểu, góp ý chân thành chứ không kẻ cả”.
Tân Bình ngày trước là một quận mắt xích trong vành đai chiến lược bảo vệ Sài Gòn mà các đời ngụy quyền đã dày công xây dựng. Là Đội trưởng đội Bảo vệ chính trị công an quận, bà đã cùng đồng đội đưa hàng nghìn lượt sĩ quan, viên chức ngụy quyền đi học tập cải tạo, triệt phá được nhiều tổ chức phản động. Những đối tượng cứng đầu, bà có cách thuyết phục rất phụ nữ. Nếu họ có vợ con, gia đình, bà sẽ đến tận nhà tìm, trò chuyện để tìm hiểu về đời sống thường nhật, những suy nghĩ, góc khuất của đối tượng... Người nữ công an ấy thấu hiểu suy nghĩ thói quen, ưu tư của họ. Để từ đó, bà giúp họ quy phục nẻo thiện.
Nhờ những chiến công trên, Năm Thu đuợc đề bạt lên Phó công an rồi Trưởng Công an quận Tân Bình năm 1989. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm vị trí này. Từ đây, tài năng và mưu lược của người phụ nữ đầy gan dạ càng được phát huy. Bà đề xuất thành lập Ban chỉ huy thống nhất để giải quyết hiệu quả, tập trung quần chúng, đoàn thể bảo vệ an ninh tại những địa bàn phức tạp như Công viên Hoàng Văn Thụ, khu vành đai sân bay, xóm Miên, phường 10... Sâu sát như vậy nên không có gì lạ khi Tân Bình nhanh chóng đẩy lùi được các tệ nạn xã hội, đời sống dần phồn vinh.
Năm 1979, chồng bà mất sau chuỗi ngày dài nằm viện. Năm tháng tù đày đã khiến đôi mắt ông mù lòa vĩnh viễn, thân thể gầy mòn ốm đau. Vò võ, bà cắn răng nuốt nỗi đau vào lòng để nuôi hai con trai nên người.
Bà bảo: “Cũng có những cạm bẫy khắp lối. Người ta tìm cách mua chuộc, biếu xén hối lộ, đánh vô lòng yếu mềm của người phụ nữ. Nhưng mọi việc, tôi đêu đặt tập thể lên trên, để tập thể giám sát chứ không bao giờ lẫn lộn công tư. Người ta cần nhờ vả cái này cái kia, tôi bảo cứ lên cơ quan gặp đồng chí phụ trách lĩnh vực đó để trình bày, tất cả đều thực hiện đúng thủ tục, quy trình để giải quyết”.
Trong chiến tranh, bà sống một lòng vì dân, vì nước thì khi hòa bình, tấm lòng người nữ công an ấy vẫn thắm như chiếc áo xanh màu lá trên vai. Con trai nối nghiệp mẹ, nhận lấy tấm lòng trung trinh của mẹ mà bước trên con đường phụng sự Tổ quốc, giữ gìn bình yên cuộc sống.
Theo Đời sống & Pháp luật