Nỗi niềm trước ngày đặc xá
Sự kiện - Ngày đăng : 13:51, 15/08/2015
Gần đến ngày Quốc khánh, không khí ở Trại tạm giam công an TP. Hải Phòng rộn ràng hơn hẳn. Từ cổng vào buồng giam đều căng băng rôn đỏ kỷ niệm ngày lễ lớn. Trong trại, phạm nhân í ới giục nhau làm việc nhanh hơn.
Dịp này có 60 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tại trại được đặc xá. Chỉ dăm bữa nửa tháng nữa, họ sẽ được trở về với gia đình, bắt đầu cuộc sống mới.
Khao khát ngày về bế con nhỏ
Đang đốc thúc nhóm phạm nhân trồng vườn, phạm nhân Nguyễn Thái Sơn (SN 1977, ngụ xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) ánh mắt hoan hỉ, trên môi thường trực nụ cười vì được đặc xá dịp này. "Cách đây mấy hôm, cán bộ quản giáo báo tin. Tôi vui sướng quá liền chạy ra phòng trực xin phép gọi điện về nhà thông báo cho vợ con, bố mẹ", Sơn phấn khởi.
Nhắc đến gia đình, phạm nhân cúi đầu, vẻ sượng sùng kể đã có vợ và hai con, đứa lớn năm nay vào lớp một, đứa nhỏ bốn tuổi. "Vợ còn trẻ, không có nghề nghiệp ổn định lại phải chăm hai con nhỏ. Suốt thời gian tôi ở tù, vợ con phải sống nhờ nhà nội, nhà ngoại cưu mang". Ngày Sơn ra tòa, hai con gái còn quá nhỏ, chưa hiểu chuyện. Lần thăm trại gần nhất, vợ Sơn thông báo con gái lớn đã biết bố đi tù. Lòng phạm nhân này đang rối bời không biết ngày về sẽ đối diện với con thế nào.
Tâm sự về con đường sa vào vòng lao lý, anh cho biết trước đây làm nghề sơn xe máy nhưng ham mê cờ bạc, lô đề, đánh thua liểng xiểng đến mức phải bán xe, vay nặng lãi. Bỏ ngoài tai khuyên can của gia đình, thời gian sau, Sơn "ngộ" ra đánh đề chỉ có thua nên vay mượn vốn liếng làm chủ lô đề, mỗi chiều lại có hàng chục "cái con" đến nhà tấp nập nộp phơi. "Khởi nghiệp" từ tháng 7.2013, dù nhận thức rõ việc làm phạm pháp nhưng Sơn vẫn lao theo vì lực hút đồng tiền. Với chiết khấu 5% (người chơi đánh 1 triệu đồng, nhà cái "ăn" 50 ngàn đồng), mỗi ngày đơn giản cũng bỏ túi vài triệu đồng.
Khi hoạt động “làm ăn” mở rộng cũng là thời điểm Sơn bị công an Hải Phòng đưa vào "tầm ngắm". Một buổi chiều giữa tháng 10.2013 khi đang hối hả nhận phơi tại nhà, Sơn bị công an bắt quả tang, thu giữ hơn 100 triệu đồng cùng hàng chục tờ phơi. Hai đối tượng ghi đề "cái con" cũng bị bắt. Sau bảy tháng tạm giam, ngày 22.4.2014, Tòa án Hải Phòng tuyên xử Sơn 48 tháng tù giam về tội "tổ chức đánh bạc".
"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", câu nói ấy Sơn nghe đi nghe lại đã nhiều nhưng khi ở trại giam mới thấm thía. Anh nói sợ nhất là thời gian tạm giam, bị cách ly hoàn toàn. Hàng trăm suy nghĩ tiêu cực đã dội vào đầu óc Sơn. Bố mẹ có đau ốm không? Vợ con có khỏe không? Người vợ trẻ có đủ kiên nhẫn chờ anh ra tù?... Anh trải lòng: "Bảy tháng tạm giam tôi mù tịt thông tin, rất nhiều thứ muốn biết nhưng không được nên càng hoang mang lo lắng".
Khi nghe mức án và được gặp bố mẹ, vợ con tại tòa, Sơn mới nguôi ngoai phần nào, nhờ lời hứa của vợ, lời động viên của mẹ mà an tâm cải tạo. Anh vẫn không thể quên đêm đầu tiên vào trại cải tạo, thời gian như kéo dài gấp đôi, gấp ba bình thường. Trại tạm giam công an Hải Phòng nằm ngay mặt đường trung tâm nhưng bờ tường cao và những cây cổ thụ rậm rạp khiến trong trại như một thế giới khác biệt. Hằng đêm tỉnh giấc hơn chục lần vẫn thấy trời tối mịt, chỉ có tiếng tắc kè kêu hiu hắt. Để an ủi bản thân, Sơn chỉ biết hướng suy nghĩ về gia đình để cố gắng chợp mắt lấy sức ngày mai lao động. Trong trại, Sơn rất sợ xem vô tuyến bởi trên phim dễ bắt gặp hình ảnh mái ấm gia đình, lúc đó lại bồn chồn ruột gan nhớ nhà.
Cái Tết đầu tiên thụ án, trong trại cũng có bánh chưng, mâm ngũ quả và được xem truyền hình nhưng Sơn đã khóc vì nhớ vợ con, thương bố mẹ. Nói đến đây, anh vội quay mặt lau nước mắt như đứa trẻ mới lớn. Tết sau, Sơn không còn "sợ" như năm đầu nhưng vẫn thèm cảm giác sum vầy! Hàng ngàn luồng suy nghĩ kéo về chen lấn tâm can khiển anh chỉ biết khóc. Càng khóc càng hối hận.
Sơn trải lòng, trước khi phạm tội, anh xem nhẹ gia đình, thậm chí bỏ mặc vợ con để tụ tập lô đề. Đến khi rơi vào cảnh ngục tù, anh mới nhận ra những hạnh phúc đơn giản như một bữa cơm gia đình đã quá xa vời. May mắn được đặc xá lần này, Sơn dự định về sẽ tìm công việc ổn định, dành thời gian chăm sóc vợ con. Có thể vợ chồng anh sẽ tận dụng diện tích nhà mặt đường mở quán tạp hóa. Bấm đốt ngón tay tính ngày được rời trại, ánh mắt phạm nhân sáng lấp lánh: "Nếu được đặc xá, tôi sẽ đi thật nhanh về nhà, bế hai con nhỏ, nhớ chúng lắm".
Nỗi lòng cán bộ thuế "ngã ngựa"
Một phạm nhân khác cũng được đặc xá đang chăm chú quét sân, chiếc nón lá đội cụp xuống như không muốn ai thấy mặt. Thiếu tá Phạm Minh Phương (Phó trưởng Phân trại tạm giam) giới thiệu đó là phạm nhân Lương Văn Nhiệm (50 tuổi, ngụ thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) nguyên là cán bộ Chi cục thuế huyện Kiến Thụy. Do nhận phong bì "uống nước" hơn 30 triệu đồng, ông Nhiệm "ngã ngựa", bị xử 48 tháng tù giam. Phạm nhân này đồng ý nói chuyện nhưng từ chối chụp hình.
Ông kể từng công tác tại UBND huyện Kiến Thụy, sau đó chuyển về Chi cục thuế huyện, làm đội trưởng đội quản lý thu nợ và chống thất thu thuế. Những năm 2007-2009, ông làm Đội phó đoàn liên ngành của huyện gồm đại diện ngành thuế, công an, quản lý thị trường, ban tài chính huyện, có nhiệm vụ kiểm tra các đơn vị vận tải, cơ quan đơn vị nợ thuế và truy thu để nộp vào ngân sách nhà nước. Qua hai đợt truy thu thuế năm 2008 và 2009 trên địa bàn huyện, đoàn liên ngành do ông Nhiệm làm đội phó thu về hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên ông Nhiệm đem số tiền nộp vào tài khoản của UBND xã Kiến Quốc thông qua Kho bạc nhà nước thay vì nộp vào tài khoản Chi cục thuế.
Lãnh đạo xã Kiến Quốc sau khi nhận được tiền đã làm phong bì 34,5 triệu đồng đưa cho ông Nhiệm lo "nước uống" cho đoàn liên ngành. Mọi chuyện vỡ lở từ năm 2011 khi nội bộ UBND xã Kiến Quốc đấu đá lẫn nhau buộc thanh tra vào cuộc. Kết quả 7 cán bộ xã "ngã ngựa" vì những sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính. Mở rộng vụ án, tháng 12.2011, CQĐT khởi tố Nhiệm về tội Iợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ. Cáo trạng vụ án thể hiện, trước khi nộp tiền vào tài khoản xã Kiến Quốc, Nhiệm đã "liên kết" với cán bộ tài chính ngân sách xã yêu cầu UBND xã phải "bồi dưỡng" và thông qua cán bộ tài chính trên để nhận 34,5 triệu đồng.
Phạm nhân này thừa nhận, lúc nhận tiền "uống nước" biết là sai nhưng chỉ nghĩ cùng lắm là bị khiển trách, không ngờ đến mức ra tòa và ngay khi bị khởi tố đã hoàn trả lại cho xã. "Tôi chỉ nhận 27 triệu đồng, cộng thêm tiền bồi thường của một số cán bộ khác mới thành 34,5 triệu đồng như trên". Nhờ tích cực khắc phục hậu quả, ông Nhiệm được cho tại ngoại chờ ngày xét xử. Ông nhớ lại: "Từ lúc biết bị khởi tố, tâm lý tôi hoảng loạn không muốn làm bất cứ việc gì. Vợ con cũng bất an theo bởi không biết bị bắt giam lúc nào". Tháng 9.2012, tòa sơ thẩm tuyên xử Nhiệm 48 tháng tù. Phiên phúc thẩm do bị cáo kháng cáo cũng tuyên y án sơ thẩm.
Ông tâm sự, ngày ra tòa đúng dịp con gái lớn thi đại học. "May mắn con bé thi đỗ, đứa út cũng học hành sáng dạ, không thì tôi hối hận cả đời", ông nói. Thời điểm nhận bản án cũng là lúc bố ông Nhiệm bị ung thư sau đó không lâu qua đời. Sau khi hoãn thi hành án làm đám tang cho bố, ông được vợ chở tới Trại tạm giam công an Hải Phòng. Bước chân qua bức tường cao rào thép gai, phạm nhân hình dung ra vô vàn viễn cảnh đáng sợ về cuộc sống lao tù: "Tôi sợ bị đánh đập, giành giật miếng ăn nhưng hoàn toàn không phải, cán bộ quản giáo hết lời dặn dò, động viên chúng tôi cải tạo tốt để sớm trở về cộng đồng. Từ lúc đó tôi chỉ có một mục tiêu là phấn đấu cải tạo thật tốt", ông nói.
Ông Nhiệm cũng sợ nhất là bóng đêm và những lúc nhàn rỗi. Bởi những lúc này, nỗi hối tiếc quá khứ lại ùa về, ruột gan thắt lại ân hận. 30 năm làm việc cống hiến đã đổ sông, đổ bể cùng nỗi tai tiếng. Nhưng nhớ lời vợ dặn, ông chăm chỉ cải tạo, dịp Tết Nguyên đán 2015 đã được giảm án 9 tháng tù và được đặc xá trong dịp Quốc khánh 2.9 tới. Ngay khi biết tin, ông không kìm nổi xúc động đã nắm chặt hai tay mà khóc, tự nhủ: "Ngày về đang đến gần".
Theo Xa lộ Pháp luật