Phần đông người lao động đang sống dưới mức nghèo khó
Sự kiện - Ngày đăng : 05:37, 15/08/2015
Nhiều doanh nghiệp trả lương cao hơn lương tối thiểu nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động
Tan ca chiều, chị Trần Thị Hồng Gấm, công nhân (CN) Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) tranh thủ ghé khu chợ tạm cạnh công ty để mua thức ăn cho bữa cơm chiều. Loay hoay một hồi, chị chọn bó rau muống và mấy trái dưa leo. Nghe chúng tôi hỏi “bữa ăn chiều của cả nhà chỉ có vậy thôi sao?”, chị cười: “Mỗi tháng chỉ được vài bữa ăn sang, còn lại chỉ có rau luộc, hột vịt”.
Thiếu trước hụt sau
Gấm cho biết chị làm ở công ty gần 10 năm, thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng, cộng với tiền lương của chồng là khoảng 10 triệu đồng. Vợ chồng chị có 2 con (5 tuổi và 1 tuổi), mỗi tháng riêng khoản chi tiêu cho 2 con gần 5 triệu đồng; rồi tiền nhà trọ, tiền ăn và đủ thứ chi phí khác... “Chi tiêu dè sẻn mà cũng không dư. Vợ chồng tôi ăn gì cũng được; chỉ tội 2 đứa nhỏ ăn uống thiếu thốn nên cứ bệnh hoài” - chị Gấm nói.
Theo quan sát, số đông CN đi chợ chiều không có nhiều lựa chọn. Chủ yếu là mua trứng, cá, đậu hũ và các loại rau. Khoe con cá điêu hồng lớn hơn bàn tay vừa mua, chị Nguyễn Thị Thúy (quê Cà Mau) cho biết chị tốn 10.000 đồng để mua nó. “Thêm mấy ngàn đồng mua rau là gia đình tôi có bữa ăn chiều. Ăn như vậy là sang lắm rồi” - chị Thúy cười.
Với chị Nguyễn Thị Tuyết, CN Công ty Thuận Việt Phát (huyện Hóc Môn, TP.HCM), mức lương cơ bản hiện nay là 3.434.000 đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu (LTT) vùng nhưng vẫn không đủ sống. Chồng chị cũng là CN,tổng thu nhập mỗi tháng của 2 người khoảng 8 triệu đồng. “Chúng tôi ở chung với cha mẹ chồng, không tốn tiền thuê nhà nhưng thu nhập bấy nhiêu không đủ cho cả gia đình bao gồm cha mẹ già và con nhỏ. Tháng nào có sự cố đột xuất hoặc đám tiệc thì phải vay nợ” - chị Tuyết chia sẻ.
Nhu cầu sống tối thiểu là 5,5 triệu đồng/tháng
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Sản xuất, Công ty Thực phẩm G.R (quận Tân Phú, TP.HCM), mức LTT vùng hiện nay còn cách xa nhu cầu sống tối thiểu của CN, do vậy mức đề xuất tăng LTT năm 2016 là 16% của Tổng LĐLĐ Việt Nam là hợp lý. “Ở công ty chúng tôi, mức lương CN được nhận là 3,5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức LTT vùng. Ngoài ra, mỗi tháng CN còn có thêm 200.000 đồng tiền trách nhiệm và 500.000 đồng tiền ăn trưa. Nếu không tăng ca, lương CN bình quân mỗi tháng được khoảng 4 đến 5 triệu đồng. Mức thu nhập này với CN nhập cư không đủ trang trải cuộc sống. Mặt khác, đối với nhiều CN, ngoài nhu cầu sống cho bản thân, họ còn phải phụ giúp gia đình. Với thu nhập hiện nay, muốn dành dụm để giúp đỡ gia đình, CN phải tiết giảm tối đa nhu cầu của bản thân, thậm chí sống dưới mức nghèo khó. Theo tôi, tăng bao nhiêu phần trăm không quan trọng, quan trọng là mức tăng ấy phải thực sự góp phần cải thiện cuộc sống người lao động(NLĐ)” - ông Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Công ty CP SXTM May Sài Gòn, cho biết qua khảo sát, công ty nhận thấy mức thu nhập tối thiểu là 5,5 triệu đồng/tháng thì NLĐ mới sống được. Vì vậy, khi khó khăn về đơn hàng, công ty có chính sách bù lương để giúp CN ổn định cuộc sống. “Theo tôi, quá trình đàm phán cần có sự hài hòa lợi ích giữa các bên. Lộ trình tăng lương phải tính toán hợp lý, khoa học, bảo đảm nhu cầu sống của NLĐ và sự tồn tại của doanh nghiệp” - bà Liên nói.
Ông Nguyễn Quang Duẩn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Minh Đức (TP.HCM):
Ổn định giá cả sinh hoạt
Hễ nghe LTT tăng là các chủ nhà trọ lại tăng tiền thuê phòng. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thiết yếu cũng rục rịch tăng, gây áp lực không nhỏ đến đời sống CN. Theo tôi, ngoài quy định LTT hợp lý, Chính phủ cần chỉ đạo ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá vô tội vạ. Tôi ủng hộ mức đề xuất tăng LTT năm 2016 là 16% của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Anh Lương Chí Quốc, CN Công ty Pou Yuen (TP HCM):
Công nhân đang “sống mòn”
Với mức LTT hiện nay, CN không thể nào sống nổi với bao nhiêu chi phí: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền gửi con nhà trẻ, tiền ăn... Để tồn tại, chúng tôi phải làm việc từ 6 giờ đến 20 giờ, thậm chí 21 giờ. Chúng tôi đang “sống mòn”, vắt cạn sức để làm việc mà không có tích lũy, không có gì để hy vọng. Mong Hội đồng Tiền lương quốc gia nên cân nhắc để CN có thể sống được.
Theo Người Lao Động