18 tuổi đi lính được rồi, sao lại coi là trẻ em?
Sự kiện - Ngày đăng : 05:33, 15/08/2015
“Nếu nâng độ tuổi coi là trẻ em từ dưới 16 tuổi theo luật hiện hành lên đến dưới 18 tuổi có phù hợp không? Đã lấy ý kiến nhóm tuổi này chưa? Chúng ta đừng ngồi phòng lạnh làm luật thế này, giờ ra ngoài uống bia gọi những người 17-18 tuổi là trẻ em vớ vẩn bị đập vỡ đầu ấy chứ” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã nói như vậy tại buổi làm việc chiều qua (14.8) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Trước đó, có khá nhiều ý kiến cho rằng đề xuất nâng độ tuổi được coi là trẻ em từ dưới 16 lên đến dưới 18 tuổi như dự thảo là nhằm phù hợp với quy định của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời giúp các cháu hình thành nhân cách đầy đủ vì tới 18 tuổi mới đạt độ tuổi phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho rằng việc nâng độ tuổi của trẻ em cần lý giải thuyết phục hơn. “Thực tế cuộc sống đi lên, khoa học công nghệ phát triển, tâm sinh lý của trẻ phát triển. Đáng lẽ tuổi của trẻ em phải giảm đi mới đúng. Giờ 3-4 tuổi trẻ đã tiếp xúc với máy tính, lớp 2-3 đã biết giải những bài toán cực khó. Vì thế thiết kế từng tầm lứa tuổi để có sự quan tâm phù hợp” - ông Dũng nói.
Về nội dung này, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ: “Tôi cho rằng 18 tuổi không phải trẻ em đâu mà là mẹ của trẻ em rồi. Ở nông thôn 18 tuổi phải đi làm rồi, trước đây 18 tuổi đi bộ đội rồi. Chỗ này phải tính lại đi”. Ông Sơn lấy ví dụ nếu có trường hợp phạm tội như Lê Văn Luyện, dưới 18 tuổi được coi là trẻ em thì sẽ không phải chịu những chế tài mạnh. “Trước đây quy định dưới 16 tuổi được rồi, mắc gì đưa lên dưới 18. Công ước quốc tế như vậy nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam mới thực thi được chứ” - Phó chủ tịch nói.