Chính con người gây ra đại hồng thủy ở Quảng Ninh

Sự kiện - Ngày đăng : 06:41, 10/08/2015

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, ngoài những nguyên nhân khách quan thì đợt mưa lũ kinh hoàng "đại hồng thủy" vừa qua tại Quảng Ninh còn có nguyên nhân chủ quan do chính con người gây ra.
Đoàn công tác của Bộ xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng dẫn đầu đến làm việc tại Quảng Ninh hôm 8.8 đã nêu ra những nguyên nhân ban đầu khiến các khu đô thị ở Quảng Ninh tan tác chỉ sau 3 ngày mưa.

Để có nhận định khách quan, Đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đi kiểm tra các vị trí sạt lở điển hình trên địa bàn thành phố Hạ Long; kiểm tra công tác khắc phục sự cố vỡ đường ống nước nhà máy nước Diễn Vọng và kiểm tra vị trí sạt lở đập chắn đất ở mức +9,8 bãi thải Đông Cao Sơn, TP Cẩm Phả.

Phía chính quyền địa phương cho rằng đợt mưa kéo dài đỉnh điểm từ ngày 26-29.7 là hiện tượng thiên tai chưa từng có ở Quảng Ninh kể từ 40 năm trở lại đây. Lượng mưa một số nơi đã đạt mức trên 1.000mm cộng với tác động xấu biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao, nước mưa không có chỗ tiêu thoát hoặc thoát chậm gây ra tình trạng ngập úng trên diện rộng, sạt lở đất đá vùng triền đồi là điều khó tránh khỏi. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, ngoài những nguyên nhân khách quan do mưa lớn, do nước biển dâng còn có nguyên nhân chủ quan do chính con người gây ra.

Những gì xảy ra, để lại dấu vết đã nói lên rằng, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo các tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc tiêu thoát nước đô thị bị hạn chế do tốc độ đô thị hóa nhanh; công tác quản lí xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật còn chủ quan, lỏng lẻo.

Nhiều công trình không chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong quá trình xây dựng, gây mất ổn định tại các triền dốc.

Khu đô thị Ao Cá, phường Cao Thắng, TP Hạ Long là ví dụ điển hình về quy hoạch vùng dân cư rất bất hợp lý. Khu đô thị này hình thành tại vùng trũng ngập nhưng lại không nghiên cứu xây dựng các hạng mục tiêu thoát nước đủ lớn để đổ nước ra vùng sâu hơn. Trong khi đó, phía trên còn có khu đô thị Đồi Chè đang trong quá trình thi công thôi đã gây sạt lở đất đá, biến cả khu Ao Cá thành ao chứa lũ.

Một số khu đô thị lấn biển trải dài từ Cọc 3-Cọc 8 TP. Hạ Long cũng vậy, những con đường viền quanh mép biển trở thành con đê kiên cố, nước mưa không có đường thoát ra biển, cả thành phố úng ngập là điều hiển nhiên.

Kiểm tra các điểm thiệt hại của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), các thành viên Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đều có chung mối quan ngại: Sau nhiều thập niên khai thác than nhưng cho đến nay TKV vẫn chưa hoàn thành điều chỉnh quy hoạch ngành; một số đơn vị đã có quy hoạch rồi thì chưa triển khai thực hiện. Do đó, chưa thể kết nối được hoặc kết nối đồng bộ giữa hạ tầng sản xuất than và hạ tầng đô thị Quảng Ninh.

Đáng lo ngại hơn cả là vấn đề chất thải, xử lý thải của TKV. Để lấy được than cần phải đào, bốc xúc đất đá, song, công đoạn đổ thải chưa tuân thủ thiết kế được duyệt; hệ thống thoát nước, kè chắn, hồ lắng cho các bãi thải đã được đầu tư song chưa đồng bộ, gây ngập úng khai trường và sạt lở xuống các khu dân cư, là mối đe doạ thường trực đối với các khu dân cư xung quanh mỗi khi mưa bão.

Hàng triệu mét khối đất thải của TKV tích tụ suốt mấy chục năm qua nằm sừng sững trong lòng thành phố Cẩm Phả, nơi có hàng chục vạn dân sinh sống nhưng sự an toàn của núi thải chỉ được bảo vệ bởi con đập èo uột mang tên Đập chắn thải 790 và luôn trong tình trạng nguy cơ bục vỡ.
Do vậy, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh “nếu chỉ đánh giá, rút kinh nghiệm thì mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Quảng Ninh khẩn trương cập nhật chuỗi số liệu mới nhất về điều kiện tự nhiên để chủ động các giải pháp ứng phó khi có tình huống xảy ra. 

Đặc biệt, với vô vàn điểm nguy cơ sạt lở đang tồn tại khắp nơi trên địa bàn 2 đô thị lớn nhất tỉnh, Hạ Long và Cẩm Phả, nếu chưa thể xóa bỏ ngay được thì tỉnh cũng cần xác lập bản đồ cảnh báo sạt lở tại các khu đô thị đông dân cư để người dân được biết trước mỗi khi có tình huống nguy hiểm.

Về lâu dài, Quảng Ninh cần chỉnh sửa các quy hoạch đô thị đúng với thực tế, lấy trận lũ này làm phép phản biện cho các quy hoạch. Tỉnh phải khẩn trương ban hành quy chế, quy định quản lí xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ trên các triền đồi; đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác ứng phó tại các đô thị lớn khi có thiên tai.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết thêm, sau đợt công tác này, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ ngành khách lên lịch làm việc tiếp tại Quảng Ninh, tập trung vào quy hoạch đô thị bền vững, bảo đảm cuộc sống an lành của cư dân.

Theo CAND

Một Thế Giới