TP.HCM: dịch sốt xuất huyết có chiều hướng lan rộng
Sự kiện - Ngày đăng : 18:10, 05/08/2015
Tình hình dịch bệnh, sốt xuất huyết ở TP.HCM có dấu hiệu tăng mạnh và xuất hiện nhiều ổ dịch. Việc xử lý ổ dịch không triệt để, dễ dẫn đến nguy cơ lan rộng.
Ổ dịch lan rộng
Theo trung Tâm y tế Dự phòng TP.HCM, trong các tuần thứ 28 và 29 số ca mắc sốt xuất huyết ở TP đã tiếp cận bằng số ca mắc của năm 2011 ( năm xuất hiện dịch sốt xuất huyết), nhưng đến tuần thứ 30 và 31 vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết đã vượt qua số ca mắc cùng thời điểm của năm 2011.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, cho biết tính đến thời điểm này số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện lên đến 6.104 trường hợp. Trong tháng 6 chỉ có 583 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện thì đến tháng 7 vừa qua đã có đến 848 trường hợp.
Nếu như ở tuần thứ 29 chỉ có 129 phường – xã có ca mắc sốt xuất huyết, đến tuần thứ 31 vừa qua có đến 139 phường – xã có ca mắc sốt xuất huyết. Trong khi đó, số phường – xã có trên 2 ca mắc sốt xuất huyết lên đến 27 so với trước đó chỉ có 18 phường- xã. Đặc biệt, có đến 15 phường – xã xuất hiện ca sốt xuất huyết liên tiếp trong 5 tuần.
Như vậy, tính đến thời điểm tuần thứ 31 vừa qua có đến 43% số phường – xã có ca mắc sốt xuất huyết, có 8% số phường – xã có trên 2 ca bệnh.
Điều đáng nói, số ca mắc sốt xuất huyết không chỉ tập trung ở các quận- huyện vùng ven, mà còn tập trung khá nhiều ở các quận nội thành, trung tâm thành phố. Ngoài các quận- huyện vốn là “điểm đen” về sốt xuất huyết, có tỷ lệ mắc cao so với tỷ lệ chung TP như: quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè… thì nay nhiều quận trung tâm TP như quận 1, quận 3 cũng có tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết cao hơn so với TP.
“Điều này cho thấy, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng lan rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch. Mùa dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn so với cùng kỳ năm ngoái đến 9 tuần. Nhiều khả năng đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ rơi vào tháng 10”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, sở dĩ dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh và lan rộng, ngoài ảnh hưởng thời tiết còn do công tác xử lý ổ dịch ở các địa phương chưa đạt yêu cầu. Nhiều địa phương tổ chức xử lý ổ dịch sốt xuất huyết, nhưng khi kiểm tra lại chỉ số con trùng vẫn còn cao.
“Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng và không kiểm soát được. Nếu tình hình trên không được giải quyết triệt để thì dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ bùng phát và khó có thể khống chế”, ông Dũng cảnh báo.
Cam kết, chung tay diệt lăng quăng
Đứng trước tình hình trên, ngày 5.8, tại Hội nghị giao ban y tế dự phòng quận – huyện với Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP đề nghị, các địa phương phải thành lập đội diệt lăng quăng tại các ổ dịch; thực hiện ký cam kết giữa ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội đoàn và người dân trên địa bàn.
Các công chức, viên chức các đơn vị, Đảng viên, đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thực hiện diệt lăng quăng tại chính hộ gia đình mình, tại nơi làm việc (cơ quan, đơn vị) mỗi tuần một lần vào ngày cuối tuần. Cam kết này được thực hiện giữa các đơn vị với Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận – huyện và phường – xã.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, trạm y tế phường – xã sẽ phối hợp với tổ dân phố lập danh sách các điểm nguy cơ công cộng, thực hiện ký cam kết giữa Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường – xã và Ban điều hành khu phố- ấp về việc tổ chức vệ sinh môi trường những điểm nguy cơ công cộng, mỗi tháng 1 lần. Chính quyền phải trực tiếp huy động đủ nhân sự để thực hiện.
“Các điểm nguy cơ trên sẽ được kiểm tra thường xuyên, khoảng7 đến 10 ngày kiểm tra một lần. Nếu kiểm tra lần thứ 2 những điểm nguy cơ trên xử lý không đạt yêu cầu sẽ phải xử phạt theo quy định”, ông Dũng đề nghị.
Riêng về đội diệt lăng quăng, ông Dũng cho hay, ngoài diệt lăng quăng tại các ổ dịch, đội diệt lăng quăng còn thực hiện diệt lăng quăng ở những nơi có ca bệnh lẻ tẻ nhưng có chỉ số côn trùng cao. Trường hợp này cũng được xem như là một ổ dịch.
“Những yêu cầu trên nhằm năng cao nhận thức người dân trong việc chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi tại hộ gia đình, nơi làm việc để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, khống chế số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trong mùa cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết. Mục tiêu của chúng tôi là khống chế số ca mắc sốt xuất huyết năm nay thấp hơn so với năm 2011, chứ không thể thấp hơn so với năm 2014”, ông Dũng cho biết.
Hồ Quang