Phát hoảng với “mánh” của các thầy bói dạo

Sự kiện - Ngày đăng : 10:27, 27/07/2015

Để dễ dàng tiếp cận khách hàng, nhiều thầy bói nhập vai người ăn xin, bán vé số, nhang, tăm tre... Thầy coi trúng hay trật thì chẳng rõ, nhưng không ít người rất bực mình vì bị mất đồ vô cớ.

Ngồi uống cà phê tại một quán bên hông khu công nghiệp Đồng An (P. Bình Hòa, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương), anh Lê Quang Hùng (SN 1987, quê An Giang) cùng nhóm bạn gặp một phụ nữ khoảng 65 tuổi, lò dò cầm chiếc nón lá cũ đến từng người xin tiền. Đi hết lượt các bàn trong quán, người này quay lại, kéo ghế ngồi bên cạnh Hùng nói giọng nghiêm trọng: “Tháng tới, cậu bị hạn nặng lắm! Phải cẩn thận trong chuyện làm ăn, xe cộ, coi chừng nhà có tang”.

Lập tức người phụ nữ lôi trong túi áo ra bộ bài tây yêu cầu Hùng xóc bảy cái rồi bắt đầu bói. Trỏ vào từng quân bài, thi thoảng bà này dừng lại lấy tay vuốt mặt, mắt lim dim có vẻ huyền bí. “Cậu có nhiều ưu tư, sầu muộn, luôn lo toan, suy nghĩ và không bao giờ được an nhàn. Đường tình duyên của cậu có nhiều thay đổi, đổ vỡ, sầu đau, trắc trở’, bà này phán. Nghe vậy, mặt Hùng lộ vẻ lo lắng.

Mặc dù Hùng chưa có vợ con nhưng khi cầm bàn tay trái của anh lên, bà này phán ngay: “Năm nay vợ chồng cậu hay lục đục. Gặp nhau nói chuyện vài câu rồi cãi vã ì xèo” và bày cách giải hạn: mua gà, nhang đèn, vàng mã, hoa quả... cúng liên tục trong một tuần. Nếu không khỏi, liên hệ với bà qua số điện thoại 01866584XXX, bà sẽ đến tận nhà “cúng dùm”, tiền công chỉ có... 500 ngàn đồng/lần. Sau gần một tiếng đồng hồ “gieo quẻ”, bà yêu cầu Hùng trả công cho mình, “tùy lòng hảo tâm” nhưng không dưới 100 ngàn đồng.

Tương tự, đang ăn sáng tại quán bún đối diện cổng khu chế xuất Linh Trung II (Q. Thủ Đức, TPHCM), vợ chồng chị Nguyễn Thùy Linh (SN 1974, quê Nghệ An) được một phụ nữ trung niên bán vé số đến chào mời. Thấy tội nghiệp, chồng chị Linh mua hai tờ ủng hộ. Tưởng rằng người phụ nữ sẽ sang bàn khác, nhưng bà ta vẫn nán lại lân la bắt chuyện.
Manh cua cac thay boi dao
 Để dễ dàng tiếp cận khách hàng nhiều thầy bói giả dạng người ăn xin, bán vé số, nhang, tăm tre.
Sau khi hỏi sơ về tuổi tác, công việc, bà đề nghị chị Linh xòe bàn tay phải ra để xem thử vận hạn và bắt đầu luyên thuyên: “Năm nay, công việc làm ăn của chị chẳng được suôn sẻ, có nguy cơ dính líu tới pháp luật”. Mặc dù từ đầu năm đến nay chị vẫn mạnh khỏe nhưng bà thầy khẳng định “chị vừa trải qua trận ốm nặng”, còn chuyện tình cảm thì có vẻ ảm đạm hơn: “Đứa con gái đầu lòng “nghịch” tuổi với cha mẹ nên vợ chồng chị luôn xảy ra lục đục về chuyện tình cảm, chồng ngoại tình”.
Để hóa giải vận hạn, bà này khuyên phải “gửi đứa nhỏ vào chùa hoặc nhờ người khác nuôi”. Nghe tới đây, người chồng bực tức bỏ ra ngoài khiến chị Linh phải vội vã chạy theo xoa dịu.
Anh Phạm Xuân Quỳnh (SN 1978, ở trọ tại Bình Dương) cho biết: ngoài bói toán, không ít đối tượng giả là người của các cơ sở từ thiện đi bán nhang, đũa, vé số, sách báo dạo... nhưng kiêm luôn thầu đề, bán hàng kích dục và trộm cắp.
“Tháng trước có một phụ nữ đeo lỉnh kỉnh mấy thứ mắt kiếng, bóp da, bật lửa, xi đánh giày... đến phòng mình chào hàng, sau đó gạ mình coi bói “cứa” 100 ngàn đồng tiền công. Chưa hết, sau khi đối tượng ra về, mình mới phát hiện chiếc điện thoại HTC mới mua hơn 6 triệu đồng không cánh mà bay!”, anh bức xúc.

Điểm a, khoản 2, điều 34 Nghị định 56/2006 quy định: “Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan”. Vi phạm pháp luật, tan cửa nát nhà, mang tâm trạng lo âu, nhưng xem ra hoạt động bói toán và việc tin lời thầy bói vẫn chưa đủ cảnh tỉnh nhiều người. Điều đáng nói là không ít đối tượng lợi dụng chiêu xem vận hạn để ra tay trộm cắp, mong mọi người cảnh giác.

Hải Vân/ Công an TP.HCM

Một Thế Giới