Những người coi nghĩa trang là “ngôi nhà thứ hai”
Sự kiện - Ngày đăng : 06:31, 26/07/2015
Ngoài quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, những nơi thiêng liêng là các nghĩa trang liệt sỹ như Him Lam, Độc Lập, Đồi A1… lâu nay đã trở thành điểm đến với mỗi du khách khi về với Điện Biên.
Người quản trang Vương Xuân Thấm coi nghĩa trang là ngôi nhà thứ hai của mình |
Những hàng bia mộ trang nghiêm; hàng cây đại đỏ, hoa mẫu đơn, bách nhật… khoe sắc rực rỡ. Nghĩa trang Độc Lập, thành phố Điện Biên Phủ những ngày tháng 7 linh thiêng và đẹp đến lạ. Đây là một trong những nghĩa trang liệt sỹ lớn nhất tỉnh Điện Biên, với tổng diện tích xấp xỉ 5 ha, trên 2.300 phần mộ, số liệt sỹ đã biết tên không nhiều.
Chị Lò Thị Lịch, dân tộc Thái ở bản Hoong En, Phường Nam Thanh đã 10 năm gắn bó với các anh linh liệt sỹ trong vai trò người quản trang. Lớn lên trong thời bình, không trực tiếp chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh khi phải giành giật từng tấc đất, mỏm đồi Điện Biên Phủ, nhưng chị thấu hiểu phần nào những hy sinh mất mát, xương máu của cha ông đã đổ xuống vì độc lập dân tộc.
Do vậy, mỗi ngày chị đều tận tâm, tận lực quét dọn, chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sỹ với lòng tri ân, thành kính. Với chị, đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự và tự hào.
Chị Lò Thị Lịch chia sẻ: “Các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương, hy sinh cả cuộc đời vì nước vì dân. Mình là thế hệ con cháu, được chăm sóc phần mộ của các anh hung liệt sỹ, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, để không phụ lòng sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ”.
Trong số những quản trang ở Nghĩa trang Độc lập, tổ trưởng tổ quản trang Vương Xuân Thấm từng có thời trở thành một “hiện tượng”, bởi anh đã có một quyết định khá đường đột khiến nhiều bạn bè, những người thân bất ngờ.
Anh Thấm quét dọn nghĩa trang |
Với anh, nghĩa trang như ngôi nhà thứ hai; thời gian anh ở nghĩa trang còn nhiều hơn ở nhà. Từng hàng, từng lớp cây cảnh và hoa trồng trong nghĩa trang đều do tay anh tự tay cắt tỉa, chăm sóc. Dù có lúc vất vả nhưng anh luôn tự hào với công việc đền ơn đáp nghĩa của mình.
“Được thay mặt cho tất cả các thân nhân liệt sỹ ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, sớm hôm gần gũi, chăm sóc các phần mộ, đó là niềm vinh hạnh quá lớn đối với bản thân tôi. Đã xác định thì từ đầu đến cuối, mình sẽ đem hết tinh thần, trách nhiệm, khả năng của mình để phục vụ, cống hiến cho công việc, làm sao cho tất cả các đoàn khách, cũng như các than nhân, gia đình liệt sỹ đến đây sẽ không chê trách điều gì” – anh Thấm chia sẻ.
Chiến tranh dù đã lùi xa, nhưng đau thương vẫn còn âm ỉ trong nhiều gia đình. Được thay mặt các thân nhân chăm sóc, canh giấc ngủ ngàn thu cho các anh hùng liệt sỹ, không chỉ anh Thấm, chị Lịch, mà tất cả các quản trang ở Điện Biên đều bày tỏ niềm vinh dự, tự hào.
Sự hài lòng của gia đình và thân nhân các anh hùng liệt sỹ, cũng như của du khách mỗi lần đến thăm là niềm vui, là động lực lớn lao để các anh, các chị tiếp tục làm tốt công việc của mình.
Ông Nguyễn Văn Minh ở Hà Nam lần đầu tiên đến nghĩa trang Độc Lập đã bày tỏ sự xúc động trước sự uy nghiêm, cảnh quan sạch, đẹp và sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của các quản trang ở đây. Ông nói: “Đến viếng các nghĩa trang liệt sỹ, tôi rất xúc động bởi sự hy sinh của các anh rất lớn. Ở đây, hầu hết các phần mộ đều không có tên, nhưng chúng ta không quên công ơn của các anh. Tôi cũng rất vui vì thấy cảnh quan các nghĩa trang đều được xây dựng rất đẹp, chăm sóc chu đáo xứng tầm với ý nghĩa của nó”.
Tỉnh Điện Biên hiện đang quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ, với 6.660 ngôi mộ. Đấy là chưa kể những liệt sỹ còn đang nằm trong hầm hào, rải rác trên cánh đồng Mường Thanh hay đâu đó trên khắp chiến trường.
Như khúc tình ca bất hủ, sự hy sinh cao cả ấy đã, đang và sẽ tiếp tục được thế hệ hôm nay, trong đó có những người quản trang báo đáp bằng cả tấm lòng./.