Những khu chợ độc đáo ở Sài Gòn (kỳ 3): Lênh đênh phận người chợ nổi
Sự kiện - Ngày đăng : 14:00, 18/07/2015
Sống nhờ vào sông, đời người cũng nổi nênh theo con nước lớn nước ròng. Có những người cả đời chỉ ước mơ một căn nhà trên đất. Nhưng tấc đất tấc vàng, nên ước mơ chỉ mãi là mơ ước.
Quà quê trôi về phố
Dọc bờ sông Kênh Tẻ, ngay dưới chân cầu Tân Thuận, quận 7, TP.HCM mỗi ngày đều tấp nập ghe xuồng chất đầy hàng hóa. Chợ nổi giữa lòng thành phố, nên bán mua cũng chớp nhoáng, hối hả. Người dân đi xe máy, tấp lại ven sông, mua thức quà quê mình thích, rồi nhanh chóng rời đi.
Từ mờ sáng, thuyền chở hàng đã bắt đầu cập bến chợ nổi |
Chợ nổi đông từ tờ mờ sáng. Những chiếc thuyền chất đầy nào chuối, mít, chôm chôm, … từ miền Tây xuôi về, tấp lại dọc bờ sông. Nơi đây chuyên bán trái cây được chở từ Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, … Hàng “miệt vườn”, nên giá cả vô cùng dễ chịu, mà khách cũng không phải lo về chất lượng.
Chợ nổi chuyên bán trái cây ngon, rẻ từ các tỉnh miền Tây |
Dừa xiêm, dừa già tại chợ nổi có quanh năm, giá dao động từ 8.000 – 10.000 một trái dừa ngọt lịm. Mùa này, chôm chôm, măng cụt, cũng rẻ hơn các nơi khác. Rồi cơ mang nào là chuối già, chuối sáp, mít nghệ, sầu riêng, … qua bao nhiêu nổi nênh sông nước, vẫn thơm lừng hương vị đồng quê. Trái cây ngon, lại rẻ hơn, nên nghiễm nhiên người dân ven sông Kênh Tẻ “được lợi” từ chợ nổi. Chợ nổi “được nước”, đông đúc dần lên.
Một góc chợ nổi giữa lòng thành phố |
Và đôi khi, người đi chợ nổi lại bắt gặp chùm bánh ít nước tro, mớ củ ấu luộc nóng hổi, hay vài cái cà ràng đỏ tươi màu đất, … Anh Trần Văn Tuần, quê tận miệt Vĩnh Long, xuôi ghe lên thành phố buôn bán đã gần 5 năm cười nói: “Lâu lâu mua giúp khách quen mấy món đồ ở quê. Chứ đâu có dám lấy nhiều để bán, như mấy cái cà ràng này nè, thành phố ai xài nữa, nhưng không biết khách dặn để làm chi”. Để rồi mỗi buổi sáng sớm tinh mơ, những chuyến hàng đầy ắp, lại dành chỗ cho vài thức quà quê, trôi xuôi về thành phố.
Phận người nổi nênh
Chợ nổi dập dềnh, phận người cũng bấp bênh theo con nước. Hầu hết người dân chịu gá đời vào sông là bởi trong tay không có mảnh đất cắm dùi. Ông Nguyễn Hữu Thanh, người ở Bến Tre, buôn bán tại chợ nổi từ hơn 6 năm về trước, buồn thiu nói: “Chở trái cây đi bán, rồi ngủ trên ghe luôn, tụi tui không có nhà. Tiền lời lãi có khi cũng nhiều, nhưng rồi cũng để dành bù lỗ hết trơn. Nhiều khi ước có mái chòi thôi cũng được, nhưng đất chật người đông, không biết bao giờ mới sắm nổi miếng đất, hay thôi, để dành tiền mua đất chôn thân khi cuối đời hợp lý hơn”. Ông Thanh nói rồi cười, nụ cười đùa sang sảng nhưng mấy phần chua chát.
Với người chợ nổi, ghe cũng là nhà |
Cũng có người có nhà, có mảnh sân đầy ắp tiếng cười đùa con nít, nhưng cũng đành cam chịu kiếp sống nổi nênh. Như gia đình của anh Võ Duy Chung và chị Trà Giang. Anh Chung, chồng chị Giang kệ nệ xách can nước ngọt lên ghe, cười nói với vợ: “Chút lấy mấy ca gội đầu, không sợ thiếu nước đâu, nay anh xách nhiều”.
Tranh thủ xách nước ngọt lên ghe để dành |
Lấy nhau có 2 mặt con, cả hai đều “đẻ rớt” trên ghe, chị Giang cười kể: “Em sanh non hai lần, lần nào cũng mùa chôm chôm, măng cụt này nè. Mà khá sao mấy đứa nhỏ cũng mạnh, giờ em giao hết cho bà nội giữ, hai vợ chồng chạy ghe bán trái cây. Có chuyến đi cả nửa tháng, vì nhiều khi bán ế, bán lỗ, nên ngang nhà cũng không dám ghé, vì đâu có gì cho con”.
Lặng lẽ mưu sinh giữa thành phố xô bồ nhộn nhịp |
Những con người bình dị, bám lấy sông mà sống, ai trong số họ cũng khao khát một cuộc sống mới, an yên, không lênh đênh trôi nổi. Cũng có người đã bỏ sông, lên bờ lập nghiệp. Nhưng rồi chỗ bến trống, lại có kẻ khác thay vào. Cuộc mưu sinh vất vả xoay vòng, chợ nổi giữa lòng thành phố bao dung, chở thêm những mảnh đời nghèo khó.
Bá Nguyễn – Ngọc Sang