Nỗi khổ tình duyên của những người chuyên... móc cống

Sự kiện - Ngày đăng : 11:15, 01/07/2015

Do công việc cực nhọc, dơ bẩn nên nhiều người theo nghề móc cống phải âm thầm chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ thế, ngay cả chuyện tình duyên của họ cũng lận đận bởi người yêu không cảm thông và chấp nhận.

Người yêu chia tay bởi không ưa công việc “dơ bẩn”

Bị bạn bạn gái chia tay đến nay đã hơn nửa năm, anh Nguyễn Văn Quân (26 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) làm công việc móc cống có thâm niên 5 năm, đang ngồi nghỉ giữa ca bên đường với vẻ mặt đầy suy tư, chia sẻ: “Chúng tôi yêu nhau được hơn 1 năm thì cô ấy nói công việc móc cống quá dơ bẩn nên đưa ra lý do không hợp rồi chia tay. Thời gian đầu mới chia tay tôi cũng đau buồn, suy nghĩ và cố níu kéo mối tình đầu nhưng người ta không đồng quan điểm, cảm thông cho công việc của mình nên tôi cũng đành chấp nhận buông tay”.
nhung trai long cua nguoi lam cong viec moc cong
  Anh Nguyễn Văn Quân (26 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) nghỉ mệt sau giờ làm vất vả

Theo anh Quân, nghề nào cũng là nghề, “tôi chọn làm công việc này  bởi hiểu nghề và gắn bó với nó. Đặc trưng của công việc móc cống thường xuyên phải ngâm mình hằng ngày dưới nước bẩn, độc hại, nguy hiểm luôn rình rập. Bây giờ có quen và yêu người khác thì tôi cũng sẽ nói rõ ràng về công việc mình làm, nếu người ta cảm thông, cùng quan điểm và chấp nhận được thì mới có thể yêu và sống cùng nhau bền lâu”.

May mắn hơn anh Quân, anh Trần Hữu Nhân làm công việc móc cống từ năm 17 tuổi cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ốm đau đã không làm công việc này được nữa nên 3 anh em tôi tiếp tục theo làm nghề móc cống. Trước khi làm việc này tôi cũng chưa có gia đình, may mắn quen được người cùng suy nghĩ nên cô ấy cảm thông cho cái nghề của mình. Đến khi thành vợ chồng, cô ấy vẫn tiếp tục ủng hộ để tôi làm công việc này, đến nay đã gần 20 năm”.
nhung trai long cua nguoi lam cong viec moc cong
 Anh Trần Hữu Nhân được người yêu, sau thành vợ chồng, cảm thông, ủng hộ nên anh gắn bó với nghề móc cống gần 20 năm nay

“Thật ra khi quen và yêu người vợ hiện tại tôi cũng đâu dám nói mình làm công việc móc cống. Tôi chỉ nói làm việc bên công ty cấp thoát nước nên cô ấy tưởng làm cấp nước chứ đâu nghĩ rằng tôi làm công việc chui cống. Khi cưới xong, vợ đi theo dõi thì mới biết tôi làm công việc móc cống, lúc đó tôi suy nghĩ và lo lắng lắm, chỉ sợ vợ giận và không chấp nhận nữa. Nhưng ngờ đâu về nhà cô ấy lại yêu thương và cảm thông cho công việc cực nhọc của chồng. Ai bỏ thì cũng phải chịu thôi chứ đây là công việc của mình mà”, anh Nhân vui vẻ kể.

Hơn nửa đời gắn bó với nghề

Công việc móc cống khó khăn, vất vả là thế nhưng có người vẫn gắn bó gần hết cuộc đời mình với nghề, góp phần giúp cho hệ thống cống rãnh đô thị thông thoáng, không ngập úng mỗi khi trời mưa.

Đã hơn nửa đời gắn bó với công việc móc cống, bác Nguyễn Văn Trí (53 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) vừa khiêng mấy thùng phuy bùn đất lên xe chuyên dụng, mồ hôi nhễ nhại, mình mẩy lấm lem với mùi hôi đặc trưng của nước cống, vừa trải lòng: “Làm nghề nào cũng cực khổ, nhưng cái nghề móc cống đặc thù hơn bởi phải việc ngầm dưới mặt đất. Hằng ngày hít những mùi hôi thối mà những người khác xa lánh, biết là có nguy hiểm nhưng riết rồi cũng quen. Tui còn vài năm nữa là về hưu rồi nên cố gắng cho trọn với cái nghề”.
nhung trai long cua nguoi lam cong viec moc cong
Bác Trí đã hơn nửa đời gắn bó với công việc móc cống
Cũng theo bác Trí, những năm đầu làm công việc móc cống cũng tính đổi qua nghề khác nhưng sau này làm riết rồi quen nên gắn bó luôn. Giờ còn sức khỏe có thể càn lướt được qua bệnh tật, nhưng sợ vài năm nữa tuổi cao, sức yếu sẽ phát bệnh.

Những ngày theo chân người thợ móc cống là những ngày chúng tôi cảm nhận được những khó khăn, vất vả mà họ đang trải qua hằng ngày. Giữa thành phố nhộn nhịp, xe cộ tấp nập qua lại, mấy ai biết rằng mỗi ngày có biết bao con người vẫn âm thầm, ngâm mình trong dòng nước hôi thối, thu gom rác thải để đảm bảo cho hệ thống thoát nước thành phố được thông suốt.

Chia tay những người làm nghề móc cống, chúng tôi biết họ sẽ còn những lo âu trong cuộc sống, những nỗi trăn trở với “cơm áo gạo tiền”. Nhưng còn cái duyên với nghề ngày nào thì những người làm nghề móc cống ngày ấy vẫn tận tụy đem sức lực của mình đóng góp cho đời.

Lê Quyết 

Một Thế Giới