Lắp camera trên xe buýt có chấm dứt được tình trạng quấy rối tình dục, móc túi?
Sự kiện - Ngày đăng : 15:25, 21/06/2015
Gắn 3 camera trên mỗi chiếc xe buýt
Trước tình trạng quấy rối tình dục, nạn móc túi, nhiều tài xế chạy ẩu tranh giành khách xảy ra, Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM đã lên kế hoạch và sẽ tiến hành lắp camera trên xe buýt trong thời gian sắp tới.
Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, hầu hết các đơn vị vận tải xe buýt đều đã thống nhất chủ trương lắp đặt camera trên xe buýt để nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc thực hiện gắn camera sẽ bắt đầu những tháng cuối năm và dự kiến hoàn tất trong năm 2016. Riêng các xe mới thuộc đề án 1.680 xe buýt của thành phố hoặc đơn vị xe buýt tự đầu tư đều buộc phải lắp đặt camera trên xe buýt.
Về kinh phí đầu tư thiết bị và lắp đặt (khoảng 13 triệu đồng/xe) và phí thường xuyên cho công tác vận hành hệ thống (khoảng 400.000 đồng/xe/tháng). Trung tâm sẽ tham mưu cho Sở Giao thông Vận tải theo 2 hướng: kiến nghị UBND thành phố xem xét hỗ trợ các đơn vị vận tải đã đầu tư lắp đặt đồng bộ trên xe buýt; hoặc đưa nội dung chi phí thiết bị vào tính toán đơn giá để tính trợ giá.
Theo tổ chức ActionAid Vietnam và trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường đã tiến hành khảo sát năm 2014 đối với 2046 người tại Hà Nội và TP.HCM. Kết quả cho thấy 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An thì nếu chỉ gắn camera mà không có các chế tài xử phạt hay đường dây nóng để người bị hại liên hệ, phản hồi thì sẽ không có tác dụng |
Phải có đường dây nóng và chế tài xử lý
Ngoài việc bị sàm sỡ, quấy rối tình dục trên xe buýt thì rất nhiều người là nạn nhân của tình trạng móc túi khi sử dụng phương tiện công cộng này. Bạn Lê Thị Kim Tuyền (20 tuổi quê Quảng Nam sinh viên năm 2 trường Đại học Hồng Bàng) cho biết: "Khi đó em mới bước chân vào Sài Gòn nên còn bỡ ngỡ, mặc dù được bạn bè, gia đình nhắc nhở rất nhiều về việc trộm cắp, móc túi đặc biệt là khi đi xe buýt. Hôm đó tan trường em bắt xe buýt về phòng trọ ở quận Gò Vấp, do tuyến xe đông không còn trỗ ngồi nên đa phần các bạn trẻ đều đứng, nhường ghế cho người già".
Trong quá trình chen lấn lên xuống em không biết chiếc điện thoại bỏ trong túi quần đã không cánh mà bay khi nào em không hề hay biết. Mãi đến khi xuống xe lấy điện thoại xem giờ thì lúc đó em mới tá hỏa mình bị mất điện thoại, bạn Tuyền xem đó là bài học cho bản thân.
Trao đổi với Một Thế Giới Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết: “Việc gắn camera trên xe buýt chỉ mang tính chất đe dọa, chắc chắn các đối tượng quấy rối tình dục sẽ e dè. Nhưng nếu chỉ gắn camera mà không có các chế tài xử phạt hay đường dây nóng để người bị hại liên hệ phản hồi thì sẽ không có tác dụng. Bởi nếu lần 1, lần 2 các đối tượng thực hiện mà không bị xử lý thì tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt sẽ không được chấm dứt”.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phân tích hơn 7.000 phản ảnh của hành khách đi xe buýt cho thấy, các lỗi chủ yếu của phương tiện này là phân biệt đối xử với hành khách (chiếm 8,5%), bỏ trạm không đón khách (23,9%), không cho hành khách xuống trạm (7,86%), văn hóa ứng xử kém (19,4%); còn lại là các phản ảnh liên quan đến vé, mức độ an toàn, lộ trình, thời gian...