Màu Sài Gòn, màu Hà Nội

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 15/05/2016

Nếu chọn một màu cho những nơi mình đã qua, tôi sẽ nghĩ về Hà Nội như gam màu trầm trầm cổ điển, có lẽ màu xanh cổ vịt hợp hơn cả, còn Sài Gòn thì có màu nóng hơn, cách tân hơn, tựa như màu cam...

Sài Gòn thế nào? Đã quen chưa? Dân “nhập cư Sài Gòn” chúng tôi ai mà chẳng được hỏi cả chục lần câu hỏi ấy. À, thích lắm. Chị vào đây đi. Ôi sao ấy liều thế? Tớ thấy nắng nóng quanh năm tớ ngại, đồ ăn thì nhiều ngọt, cách họ nói đùa tớ không hiểu, họ chỉ đường tớ cũng không hiểu nốt, tớ sợ không quen…
Đấy là người Hà Nội bảo thế. Còn người Sài Gòn thì nói:

Chị ở Hà Nội vào à? Em cũng được đi chơi Hà Nội một lần rồi, lạnh lắm, con gái ngoài Bắc xinh nhưng nói nhanh quá em nghe “hổng” kịp.

Dân Hà Nội “vô” Sài Gòn thì ngỡ ngàng vì Sài Gòn to quá và người miền Nam sao mà chân phương. Bạn tôi mới lơ ngơ vào đây làm việc, mua tạm chiếc xe máy cũ để đi làm. Mua xe xong, đang đi về nhà thì xe bỗng hết xăng đành hì hụi dắt xe trên đại lộ Đông tây giữa trưa nắng. Bỗng có anh chàng tự xưng người miền Tây dừng lại hỏi xe anh làm sao, nói hết xăng phải dắt bộ. Anh chàng nói đường này rất dài và không có chỗ bán xăng, giờ anh lên xe em đẩy phía sau về quận 4 có trạm xăng. Anh chàng “di” xe cho bạn tôi về đến đường Nguyễn Tất Thành để mua xăng. Bạn tôi cảm kích lắm, hỏi cám ơn anh hết bao nhiêu tiền em gửi? Thôi tiền nong gì, giúp anh thôi. - Ơ sao lại thế? Thì em giúp anh mai mốt có người giúp em hà, hì hì.“Dân Hà Nội” cảm động quá không nói lên lời.
Có lần tôi loạng quạng tìm đường tới nhà bạn, cả đời tôi nào đã bước chân đến Thủ Đức bao giờ. Tự dưng có “thằng cha” đuổi theo đi bên cạnh, cứ kè kè nhìn vào mặt mình. Tôi bấn loạn, tự lẩm bẩm: Từ sáng tới giờ mình chưa chải đầu soi gương, xấu thế này sao nó lại để ý nhỉ? Hay hắn định giật đồ, trông cái mặt có vẻ khả nghi, làm thế nào bây giờ nhỉ? Mình sẽ hô hoán lên câu gì đây?... “Tên (có ý định) giật đồ” rồ ga nhao lên nhìn thẳng vào mặt mình hét lên: Tắt xi nhan đi cô!? Trời! thì ra “ổng” muốn nhắc mình cẩn thận kẻo tai nạn, mà “ổng” phải hét lên vì thấy mình đeo tai nghe. Mình hét lại: Cám ơn anh. “Ổng” tiện thể hét tiếp: Lái xe gì mà quẹo qua quẹo lại? Hại não nhau ha?! Mình hoảng hốt vì sợ nói nữa thành chửi lộn, chưa kịp phản ứng, “ổng” cười hì hì. “Ổng” đâu biết rằng mình đang loạn cào cào đầu óc lên vì đường xá sao mà nhiều, thành phố sao mà rộng thế, đi từ đầu này tới đầu kia tới hai chục km, mỏi hết cả cổ vì lo nghển lên tìm cái số nhà với cái tên đường. Thì ra trời ạ, rất nhiều tên đường ở các quận trùng nhau. Thế có giết con người ta không hả trời?
Dân Sài Gòn ra Hà Nội thì… bàng hoàng vì Hà thành nhỏ quá. Có lần bạn tôi, người “Bắc 54”, khuyên một đồng nghiệp lần đầu đi công tác ra Hà Nội: Hà Nội đẹp lắm, mày nhất định bảo xích lô chở đi thăm ba cái hồ cho tao: Hồ Gươm, Hồ Tả vọng, hồ Lục thủy (ba cái tên đều chỉ một hồ). Anh chàng đồng nghiệp khi quay về Sài Gòn tìm bà chị để mắng cho bõ tức: “Bà hại tôi. Ông xích lô bảo định chơi đểu hả, còn dọa đánh tôi”. Bà chị được thể cười té ghế.
Dân Sài Gòn ra Bắc còn sợ bị bắt nạt. Chị bạn tôi bảo, không hiểu sao bà bán trà đá, ông xe ôm Hà Nội đều thuộc vanh vách ai sắp lên làm lãnh đạo đất nước, ông chủ tịch quê đâu, người thế nào, ông bí thư quê đâu, có biết tiếng Anh không… Nếu như mở đầu câu chuyện của dân Sài Gòn thường là “Hôm nay trời nóng nhỉ”, hay “Bữa qua sao cơn mưa to quá” thì dân Hà Nội sẽ nói “Sắp tới nhân sự thế nào, có nghe tin gì không?”

Cậu đồng nghiệp quê gốc Gia Lai ngồi sau lưng tôi có lần “théc méc” sao dân Hà Nội dữ thế. Tôi hỏi dữ sao? - Lần em đi chơi Hà Nội, bạn rủ ra uống nước bờ kè Hồ Tây, xong em đưa tờ 200 nghìn trả tiền, một lúc sau bà bán hàng xồng xộc quay lại gí thẳng tờ tiền vào mặt “Này. Trả lại này!”. Em hỏi: Sao thế ạ? - Không cần biết tại sao, chỉ cần biết là trả lại, nhá. Bạn tôi hoang mang móc ví đưa bà tờ khác, bà nguýt rõ dài không thèm nói gì. Về, anh chàng đưa tờ tiền ra “phân tích” một hồi mới thấy tờ tiền bị nhăn một góc. Sao dân Hà Nội dữ quá chị ơi! Tôi cười ha ha bảo, em đừng lo lắng quá vì không phải ai cũng bị đánh ở Hà Nội đâu. Cậu đồng nghiệp nhân cơ hội “xả” tiếp, nào là em đi uống cà phê bị lườm vì không có tiền lẻ, xin thêm trà đá họ tính tiền, hỏi thức ăn có chưa họ lại bảo không đợi được thì đi đi.
Thường mấy người Nam gặp tôi, nghe giới thiệu tôi từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sống, họ bảo ôi anh, chị cũng là người Bắc đây, tôi hỏi: “Nói giọng đặc miền Nam thế, Bắc ở chỗ nào?”, thế là người kia nhiệt tình chứng minh mình là người Bắc bằng cách liệt kê ra ông ngoại quê gốc ở Hưng Yên, cụ nội quê gốc ở Thái Bình, 50 năm trước bố mẹ bỏ làng vào đây… Tôi bảo thôi được rồi, “Bắc kỳ” đây có thèm chơi không thì bảo? Thế là cười xòa hòa cả làng. Nhưng đằng sau sự cười xòa ấy, tôi biết sẽ có những nghi ngại ban đầu, nhưng tôi tin khi con người ta chân tình, thì mọi định kiến sẽ là thứ yếu.

Tôi cũng tin dù ra đi từ Nam hay Bắc, ai cũng là con người. Mà con người thì có vô minh, có thông thái, có hoang mang, có tỉnh táo, có ngờ vực nhưng cũng có thể sâu sắc tin yêu.

Có người bạn tôi dân Sài Gòn “xịn” nhưng đi về làm việc giữa hai đầu đất nước thì cương quyết cho rằng anh cảm thấy khác biệt văn hóa và cả văn minh giữa Hà Nội và Sài Gòn rất lớn, như là khác biệt giữa hai đất nước, “thậm chí hơn cả những quốc gia ở cạnh nhau mà họ tương đối giống nhau như Lào với Thái (tiếng nói, văn hóa giống nhau) nữa cơ”, anh bảo. Tôi không phủ nhận điều anh nghĩ. Tôi chỉ nói tôi đọc đâu đó nói rằng mọi người trên thếgiới về cơ bản giống nhau về tính tốt cũng như tật xấu, sở thích cũng như nhu cầu, song khác biệt mang tính chất văn hóa mỗi vùng miền là ở liều lượng, mùi vị và chất lượng, màu sắc khác nhau.

Nếu chọn một màu cho những nơi mình đã qua, tôi sẽ nghĩ về Hà Nội như gam màu trầm trầm cổ điển, có lẽ màu xanh cổ vịt hợp hơn cả, còn Sài Gòn thì có màu nóng hơn, cách tân hơn, tựa như màu cam. Hay khi tôi sống ở mỗi nơi, được “trộn lẫn” vào giữa cái nhịp thở dồn dập bao la của từng đô thị, thì màu những con đường đẹp nhất của Hà Nội là màu hoa sấu trắng tháng Năm này và Sài Gòn lại rất dịu hiền với tàng lá me xanh treo đủng đỉnh mấy trái cong cong màu nâu đất.

Còn bạn, có bao giờ tự hỏi mình có màu gì không?

Hồng Phúc

motthegioi