Xuất hiện nỗi lo thiếu công bằng, gây nhột trên các biển hiệu đồng bộ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:58, 16/05/2016
Biển hiệu của Techcombank, SHB, VIB... không phải đồng bộ?
Theo TP. Hà Nội, mục tiêu của việc đồng bộ biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) là nhằm tạo mỹ quan cho tuyến phố này. Theo đó, tất cả các biển hiệu phải theo một kích thước nhất định, với 2 màu đỏ - xanh, chữ màu trắng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới thì không phải doanh nghiệp, cửa hàng nào nằm trên tuyến đường này cũng có biển hiệu tuân thủ theo kích thước, màu sắc như trên.
Cụ thể, nếu đang đi trên tuyến đường Lê Trọng Tấn với 2 màu xanh-đỏ chủ đạo, trông rất bắt mắt thì cách chừng 50 - 100m lại xuất hiện một vài tấm biển có màu sắc và kích thước khác biệt.
Đó là biển hiệu của Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội – SHB; Ngân hàng Quốc tế VIB, hay Sơn Jotun, Thiết bị nhà bếp Chefs...
Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng SHB, Ngân hàng VIB... vẫn được treo biển của riêng mình
Không chỉ vậy, trên tuyến phố này còn xuất hiện những biển hiệu "nửa nọ, nửa kia". Chẳng hạn như theo quy định chung là biển hiệu màu xanh-đỏ, chữ màu trắng, nhưng biển hiệu của cửa hàng Bitis thì lại có chữ màu xanh đậm. Hay biển hiệu của cửa hàng Everon cũng có nền đỏ, nhưng chữ ghi trên biển lại là màu xanh lá cây - màu truyền thông của thương hiệu này, chứ không phải là màu trắng như đại đa số các cửa hàng khác.
Chính những sự khác biệt này đã làm cho tuyến phố không còn sự đồng bộ như chủ trương ban đầu nữa.
Lý giải về điều này, trao đổi với báo chí, đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết, đối với các tổ chức, doanh nghiệp đã có logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền được cơ quan có thẩm quyền cấp theo đúng quy định và đang lắp đặt tại trụ sở đơn vị hoặc biển quảng cáo trên tuyến đường này thì Quận Thanh Xuân tôn trọng, nhưng Quận cũng đề nghị thực hiện việc chỉnh trang đảm bảo kích thước để tạo sự thống nhất đồng bộ.
Đã là đồng bộ thì phải trên dưới, trước sau như một!
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, một chuyên gia thương hiệu (xin được giấu tên) cho rằng, nếu đã là đồng bộ thì phải trên dưới, trước sau như một, cửa hàng nào cũng phải như nhau, chứ không thể có sự xen kẽ, trộn lẫn như vậy được.
"Đã đưa ra tiêu chí đồng bộ biển hiệu về kích thước và màu sắc thì phải đảm bảo đúng các tiêu chí đó. Nghĩa là dù cửa hàng lớn nhỏ như thế nào thì biển hiểu cũng phải đúng kích thước, đúng 2 màu xanh-đỏ, chữ màu trắng. Bởi vì cả một tuyến đường dài như vậy, đẹp như vậy, tự nhiên xuất hiện một vài tấm biển lệch tông, trông sẽ rất buồn cười. Giống như chúng ta đang đi trên một con đường thẳng tắp, êm ru, tự nhiên xuất hiện một vài cái ổ gà thì còn gọi gì là đẹp nữa. Chẳng thà đừng đồng bộ biển hiệu còn hơn", vị chuyên gia này cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, ông hoàn toàn đồng tình với chủ trương của TP. Hà Nội. Tuy nhiên nếu thành phố đã đạt được sự đồng thuận của người dân thì cần ra quy định thật rõ ràng để tạo được sự chuyên nghiệp và tính công bằng.
"Tôi đọc báo có thấy nói rằng người dân đã đồng thuận với việc đồng bộ biển hiệu. Nếu đã như vậy thì tại sao thành phố không ra quy định cho thật cụ thể và chuyên nghiệp? Vì nói rộng ra một chút thì đây không chỉ là sự đồng bộ mà còn là sự công bằng. Đã kinh doanh trên tuyến đường này thì cửa hàng nào cũng như nhau, không có chuyện anh là doanh nghiệp lớn thì anh có quyền treo biển của riêng anh, còn tôi chỉ là cửa hàng nhỏ nên tôi phải theo sự đồng bộ.
Còn nếu nói là không bắt ép, ai thích theo tông màu xanh-đỏ thì theo, không thích thì tự để biển của mình, vậy thì đưa ra chủ trương đồng bộ để làm gì nữa?", chuyên gia này cho biết.
Duyên Duyên