Chủ dự án tỉ USD trên sông Hồng: Không hiểu sao lại có nhiều ý kiến trái chiều đến vậy?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:18, 20/05/2016
Không hiểu vì sao bị phản đối?
Đó là lời bộc bạch của ông Nguyễn Huy Hoàng tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Đề xuất dự án trên sông Hồng dựa trên mô hình giao thông thủy hiện đại trên thế giới" do báo Lao Động tổ chức.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ USD, nhằm mục đích tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện đã gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây.
Nhiều người e ngại việc “chặt khúc” sông Hồng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, gây lũ lụt, làm mất đi vựa lúa đồng bằng sông Hồng hay e ngại về môi trường và hiệu quả.
Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã quyết định tạm dừng xem xét dự án để nghiên cứu, tính toán một cách kỹ càng.
Tuy nhiên trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư - Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình vẫn khẳng định, đây là một dự án mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn đóng góp vào sự phát triển của đất nước, hầu như không có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và công ty Xuân Thiện tin tưởng vào hiệu quả chung của dự án này.
"Dự án hầu như không có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, dự án chủ yếu mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước và doanh nghiệp. Dòng sông Hồng chưa được phát huy hết tiềm năng, nếu được triển khai thì toàn xã hội sẽ được hưởng lợi ích từ dự án này", ông Hoàng nhận định.
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư - Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình
Đại diện công ty Xuân Thiện cũng cho biết, hầu hết các dự án khi đưa ra đề xuất đều được các chủ đầu tư nghiên cứu và tìm hiểu kỹ. Các dự án có quy mô quốc gia đều có những tác động đến đời sống xã hội nên việc đưa ra ý tưởng cần có những nghiên cứu thận trọng.
"Đến giờ này chúng tôi cũng chưa hiểu tại sao, trong khi nhiều năm qua chúng tôi tâm huyết với một dự án mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội, cho đất nước mà lại bị nhiều ý kiến trái chiều đến vậy? Có phải chăng là do mọi người chưa có cơ hội nghiên cứu tiếp cận hồ sơ đề xuất?", ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, nếu vì lý do này mà dự án bị phản đối thì trong thời gian tới, ngoài việc cung cấp hồ sơ báo cáo các bộ ngành, công ty Xuân Thiện sẽ tóm tắt lại dự án và gửi thêm cho một số chuyên gia khác có uy tín trong nước, một số tổ chức có liên quan đến lĩnh vực giao thông thủy, thủy lợi, nông nghiệp, môi trường… để nhằm "lĩnh hội" thêm các ý kiến đóng góp.
"Nhiều người chưa được tiếp cận hồ sơ một cách đầy đủ, chính xác nên dẫn đến một số quan điểm còn cảm tính, chưa đúng với bản chất của sự việc. Chủ đầu tư đã có kế hoạch mời các nhà khoa học trong nước và quốc tế để trao đổi, đóng góp ý kiến khách quan, trung thực để cung cấp thông tin giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn về dự án", ông Hoàng nói.
Không vay vốn Trung Quốc, không dùng thiết bị Trung Quốc?
Nguồn vốn để đầu tư dự án tỉ USD trên sông Hồng là một trong nhiều vấn đề được dư luận quan tâm. Theo đề xuất của công ty Xuân Thiện, nguồn vốn để xây dựng dự án sẽ gồm 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.
Tuy nhiên, dự án có tổng mức đầu tư 24.510 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty Xuân Thiện chỉ có 1.200 tỉ đồng. Giải thích vấn đề này, ông Hoàng cho rằng, vốn điều lệ không thể hiện được hết năng lực tài chính của doanh nghiệp.
"Vì ngoài nguồn vốn đó, doanh nghiệp còn có các tài sản khác, các nguồn thu khác. Tuy vậy, tổng vốn điều lệ của các đơn vị thành viên nêu trên của chúng tôi đã lên tới hơn 10.000 tỉ đồng, đủ sức triển khai dự án này và nhiều dự án khác", ông Hoàng khẳng định.
Đại diện công ty Xuân Thiện cho biết thêm, sắp tới doanh nghiệp này sẽ huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, và cam kết sẽ không vay vốn từ Trung Quốc.
"Thậm chí, chúng tôi sẽ mua hoàn toàn thiết bị châu Âu, không mua thiết bị Trung Quốc. Vì đã có nhiều dự án phải trả giá khi phụ thuộc vào nguồn vốn cũng như thiết bị của nước này", ông Hoàng nói.
Các chuyên gia nói gì về dự án tỉ USD trên sông Hồng?
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNN&PTNT
Nếu dự án được hoàn thành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước và cuộc sống của hàng chục triệu dân vùng đồng bằng sông Hồng.
Khi làm thủy điện thì sông Hồng mất phù sa, mất cát sỏi bồi đắp, mực nước sẽ hạ xuống, gây ra hiện tượng nhiễm mặn, nhất là tình hình hiện nay nước biển ngày càng dâng cao. Vùng nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng sẽ bị thiệt hai nặng nề, đe dọa an ninh lương thực quốc gia
Thủy điện không phải mục tiêu dự án, mà mục tiêu chính là giao thông thủy để kết nối với Trung Quốc, giúp vận chuyển hàng hoá giữa Trung Quốc – Việt Nam thuận lợi hơn. Với mức phí công bố như chủ đầu tư đưa ra là quá cao, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí vận tải, giá cả hàng hóa.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Dự án cần phải có sự thẩm định kĩ lưỡng. Về phương diện kinh tế, dự án có mức đầu tư 1 tỉ USD thì công ty này phải đi vay 70% với lãi suất 4-9% trong vòng 20 năm thì rất khó thực hiện, trong khi nguồn thu của dự án là bán điện và thu phí vận chuyển đường thủy.
Đây là dự án BOO nên khi xây dựng xong, họ sở hữu vận hành và thu tiền mãi, không bàn giao lại cho nhà nước thì sẽ ra sao? Đó cũng là điều mà các cơ quan bộ, ngành cần phải có thẩm định cụ thể trước khi cho phép nghiên cứu triển khai dự án.
Ông Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu
Tôi chưa thấy bất cứ nước nào trên thế giới có chuyện này, khi mà200km làm tới 6 con đập. Chúng ta cũng đã làm một số đập trên các con sông và cũng đã phải trả giá rồi, phải rút ra bài học.
Nếu dự án này được thông qua thì sẽ còn nhiều dự án khác được đề xuất trên các con sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… Điều này thật sự nguy hiểm. Dự án này buộc phải có sự tham gia đánh giá, phản biện của nhiều bên. Cần phải qua Quốc hội xem xét, dự án này phải đánh giá môi trường chiến lược chứ không thể xem thường được.