Không thể để địa phương thờ ơ với các vấn đề cải cách của chính phủ
Sự kiện - Ngày đăng : 11:27, 20/05/2016
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn cải cách quyết liệt trong thể chế và đặc biệt là trong nền kinh tế? Xét trên khía cạnh các động thái mới nhất và gần đây nhất của chính phủ thì có lẽ là như vậy, khi khá nhiều các văn bản nghị định mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực đã được chính phủ ban hành chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy một tháng.
Trong đó nổi bật là nghị quyết 35 và nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tất cả những gì tốt nhất có thể làm để hướng tới mục tiêu “Quốc gia khởi nghiệp” hướng tới con số 1 triệu DN vào năm 2020 đang được thực hiện. Nhưng, để thực hiện được mục tiêu đó, điều quan trọng cần làm là phải nhận thức được các rào cản.
Trên thực tế, vấn đề lớn nhất của nghị quyết 35 và nghị quyết 19/2016 lần này đã được các chuyên gia và các nhà phân tích chỉ ra từ rất sớm. Theo nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh thì đây là những nghị quyết đầy đủ nhất và toàn diện nhất từ trước đến nay trong vấn đề cải cách nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư.
Nhưng theo ông Bùi Quang Vinh, vấn đề lớn nhất hiện nay là chính phủ phải làm sao thực hiện được các nghị quyết này trong thực tế một cách hiệu quả nhất, vì theo kinh nghiệm của cá nhân ông thì việc thực thi các quy định này trong thực tế là một việc rất khó khăn. Hai nghị quyết trước đó là 19/2014 và 19/2015 cũng được đánh giá rất cao trong các vấn đề cải cách hành chính và nền kinh tế, nhưng kết quả thực hiện thì không được như kỳ vọng.
Đó cũng là quan điểm của khá nhiều chuyên gia khác khi bàn tới vấn đề này. Theo TS. Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trong hội thảo triển khai nghị quyết 19/2016, thì đằng sau sự cải thiện chậm của môi trường đầu tư kinh doanh là sự thờ ơ và trì trệ của nhiều bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện nghị quyết 19 của chính phủ trong hai năm qua.
Theo ông, một số bộ ngành được đánh giá là không muốn buông quyền lợi, chẳng hạn như khi khảo sát việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ở một số cơ quan, ông thấy chỉ có ¼ trong số hơn 100 thủ tục đã được kết nối, nhưng những thủ tục được kết nối lại ít tác động đến doanh nghiệp và ít thay đổi quyền lợi của bộ.
Nói cách khác, sự thờ ơ với các vấn đề cải cách nền kinh tế đang trở thành tình trạng chung ở các bộ ngành và cả ở các địa phương trên cả nước. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc các nghị quyết chính phủ nhằm hướng tới việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như cải cách nền kinh tế đã không đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng, vì những vấn đề có thể động chạm đến quyền lợi của các bộ ngành và địa phương thì đều bị lờ đi hoặc lảng tránh và đã không được thực hiện một cách rốt ráo.
Đây là điều mà nhiều nhà phân tích vẫn gọi là các lợi ích bộ ngành, và thực tế đã chứng minh tình trạng này có hại cho việc quản lý hiệu quả nền kinh tế không thua kém gì vấn đề lợi ích nhóm mà Nhà nước và chính phủ đã nhiều lần đề cập.
Việc thực hiện nghị quyết 35 và nghị quyết 19/2016 lần này cũng không là ngoại lệ. Vì nếu không có sự thay đổi đáng kể trong việc giám sát và kiểm tra việc thực thi ở các bộ ngành và địa phương thì tình trạng tương tự như đã xảy ra với nghị quyết 19/2014 và 19/2015 sẽ lặp lại gần như là điều chắc chắn. Trên thực tế, chỉ trừ lời cam kết trong một số hội thảo có sự tham gia của thủ tướng, thì tính đến thời điểm này hầu hết các Bộ ngành gần như vẫn chưa có bất cứ động thái nào trong việc hỗ trợ các DN hay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Không khó để nhận ra trong các cuộc hội thảo hay họp báo về vấn đề hỗ trợ các DN hay cải thiện môi trường kinh doanh có sự tham gia của các bộ ngành, thì hầu như chỉ xuất hiện những sự từ chối, hay viện dẫn những khó khăn để trì hoãn thực hiện những cải cách mà các bộ ngành này đã cam kết trước đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, dù các nghị quyết và cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được thủ tướng và các bộ ngành đưa ra, nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức các văn bản và các lời hứa. Các rào cản trong môi trường kinh doanh với các DN gần như vẫn chưa được tháo gỡ. Và hầu như bộ ngành nào cũng đưa ra những lý do để thoái thác việc gỡ bỏ các rào cản này.
Trường hợp điển hình mới nhất là Bộ Tài chính, khi thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết rất khó để có thể giảm ngay tỷ lệ thuế phí lên tới 39,4% đang đè nặng lên vai các DN Việt Nam hiện nay. Lý do được vị thứ trưởng này đưa ra là trong tổng số 39,4% lợi nhuận các DN phải nộp cho các khoản thuế phí, thì chỉ có khoảng 15% là các khoản thuế, còn 24,4% là nằm trong các khoản phải nộp khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì việc giảm các khoản này không đơn giản, vì đã được quy định trong luật.
Vị thứ trưởng của Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng, kể cả ở các DN lớn ở các nước G20 thì mức thuế thông thường cũng chỉ ở mức 30-32%. Và ngoài ra thì các khoản phí chủ đạo trong số 24,4% trên như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ có xu hướng tăng lên từ năm 2018.
Nói cách khác, gánh nặng thuế phí trên vai các DN Việt Nam đang lớn hơn hầu hết các DN tại các quốc gia trên thế giới, kể cả ở các nước G20. Và khả năng để có thể giảm gánh nặng thuế phí này với các DN Việt Nam hiện nay là rất ít, trong khi việc gánh nặng này còn tăng lên trong tương lai gần thì lại là điều gần như chắc chắn. Trong khi theo những cam kết của thủ tướng cùng các bộ ngành, thì việc giảm gánh nặng thuế phí với các DN lại là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
Một ví dụ khác là việc Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc một bộ quản lý thay vì phân chia cho 3 Bộ cùng quản lý như hiện nay là Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp.
Đây là kết quả của việc xem xét học tập trường hợp của Vương quốc Bỉ, khi tại quốc gia này mọi việc quản lý thực phẩm đều thuộc một cơ quan đảm trách duy nhất, và có hiệu quả rất cao; và chính việc phân chia trách nhiệm quản lý chồng chéo và thiếu rõ ràng ở Việt Nam là lý do khiến cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm kém hiệu quả như hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã từ chối đề xuất đó của VCCI, với lý do tình hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay ở Việt Nam thì vẫn cần sự chung tay quản lý của cả ba Bộ như trước đây. Nói cách khác, Bộ NN&PTNT muốn giữ nguyên cơ chế quản lý trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, cơ chế mà hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra là chồng chéo và thiếu hiệu quả, vì không phân rõ trách nhiệm cho từng Bộ ngành.
Hiểu đơn giản, là Bộ NN&PTNT đang từ chối những đề xuất mang tính cải cách và muốn giữ nguyên cơ chế trong đó không ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay, một vấn đề mà thủ tướng đã tuyên bố là gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Nói cách khác, chỉ cần quyền lợi của Bộ được duy trì và không phải chịu trách nhiệm, thì sức khỏe và sự an toàn của người dân có là gì chứ.
Chính vì thế, nếu như không thể đưa ra được một cơ chế kiểm soát và kiểm tra việc thực hiện các quy định trong nghị quyết 35 và nghị quyết 19/2016, thì gần như chắc chắn mọi nỗ lực cải cách nền kinh tế của thủ tướng lần này sẽ lại thất bại, khi mà trên thực tế động chạm đến quyền lợi của quá nhiều Bộ ngành và địa phương, và nếu như không có cơ chế kiểm soát và kiểm tra, thì mọi việc sẽ lại đâu hoàn đấy ngay lập tức.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz, The Saigon Times)