Nên coi việc kiểm soát ATTP là cơ hội cải cách nền nông nghiệp để đón TPP
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:28, 23/05/2016
Trên thực tế, dù chỉ là một lĩnh vực trong nền kinh tế, và về tầm quan trọng có thể ngành nông nghiệp không thể sánh bằng kế hoạch “Quốc gia khởi nghiệp” hướng đến mục tiêu 1 triệu DN mà Chính phủ vừa đề xướng, nhưng nông nghiệp lại đang có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để đóng vai trò hàn thử biểu cho quyết tâm cải cách nền kinh tế của Chính phủ. Hệ quy chiếu của vấn đề cải cách nền kinh tế quốc gia đang được tụ vào điểm quy chiếu là vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP). Một khi giải quyết được vấn đề ATTP thì cũng đồng nghĩa với việc khả năng có thể cải cách được nền nông nghiệp và nền kinh tế đất nước sẽ là rất lớn, đặc biệt là khi TPP dường như đã ở rất gần.
Vì sao vấn đề kiểm soát ATTP lại đang là điểm quy chiếu của cả quá trình cải cách ngành nông nghiệp và nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại? Câu trả lời là vì việc kiểm soát ATTP đang là một trong những vấn đề được cả hệ thống chính trị vào cuộc để tìm cách giải quyết, theo tuyên bố của Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP vào cuối tháng 4vừa qua. So với kế hoạch “Quốc gia khởi nghiệp” và kế hoạch cải cách nền kinh tế, thì vấn đề kiểm soát ATTP có thể không quan trọng bằng nếu xét theo khía cạnh kinh tế, nhưng đó lại đang là một trong những vấn đề nóng nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay và trên thực tế đang có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có thể nói, việc kiểm soát ATTP đang có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để có thể được giải quyết một cách dứt điểm. Nếu Việt Nam có thể giải quyết dứt điểm được vấn đề ATTP, thì về lý thuyết các vấn đề khác như cải cách nền kinh tế cũng có thể sẽ được giải quyết một cách có hệ thống và bài bản.
Sở dĩ như thếlà vì vấn đề kiểm soát ATTP đang có chung một nguyên nhân và xuất phát điểm với hầu hết các vấn đề quan trọng khác trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là do sự thiếu hiệu quả trong quản lý và điều hành của các cơ quan chức năng. Việc để xảy ra tình trạng sử dụng chất cấm lan tràn trong sản xuất thực phẩm hiện nay cũng có chung nguyên nhân với các vấn đề khác trong nền kinh tế đang khiến chính phủ đau đầu, từ lãng phí và thất thoát trong đầu tư công cho đến tham nhũng hay môi trường đầu tư kinh doanh bị hạn chế và trì trệ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả trong vấn đề quản lý ATTP ở Việt Nam hiện nay, như một số chuyên gia đã chỉ ra, là do sự chồng chéo và kém hiệu quả trong quản lý của các cơ quan chức năng. Có tới 3 Bộ đang chia nhau quản lý vấn đề ATTP, đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế và Bộ Công thương, trong khi ở hầu hết các quốc gia kiểm soát vấn đề ATTP hiệu quả trên thế giới thì chức năng này chỉ thuộc một cơ quan duy nhất.
Vì vậy, một khi tìm ra được lời giải có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ATTP hiện naythì Việt Nam cũng sẽ tìm được giải pháp để giải quyết các vấn đề khác trong nền kinh tế vốn cũng đang có nguyên nhân là sự kém hiệu quả của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, việc tìm ra lời giải cho bài toán ATTP ở Việt Nam vẫn còn rất mù mờ. Trong một động thái mới nhất, Bộ NN&PTNT đã chính thức từ chối đề xuất của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về phương án trao quyền kiểm soát vấn đề ATTP cho một cơ quan duy nhất như mô hình tại các nước phát triển; thay vào đó Bộ NN&PTNT đề xuất vẫn duy trì cơ cấu 3 Bộ cùng quản lý như trước, đồng nghĩa với việc duy trì tình trạng quản lý chồng chéo và kém hiệu năng trước đây.
Hướng xử lý chủ đạo trong vấn đề giải quyết ATTP của Chính phủ nói chung và Bộ NN&PTNT trên thực tế đang khiến tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này phải thất vọng. Thay vì đưa ra những giải pháp điều chỉnh về quản lý như thế giới đang làm, chúng ta lại đang đi theo hướng tăng mức hình phạt cho việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm như một động thái răn đe. Theo dự kiến, khi Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1.7 tới đây, các hành vi có liên quan đến sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm, nếu có tình tiết tăng nặng thì từ 3 - 7 năm. Mức phạt tù có thể lên tới 20 năm thậm chí là cao hơn. Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung về phạt tiền, có thể lên tới 100 - 200 triệu đồng nếu có tình tiết tăng nặng, tái phạm nhiều lần thì có thể bị phạt tới 1 tỉđồng.
Việc tăng mức hình phạt tiền và thậm chí là hình phạt tù giam với những cá nhân và tổ chức sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm là điều cần thiết, nhưng không nên xem nó như biện pháp chủ yếu để giải quyết tận gốc vấn đề ATTP. Nó không giải quyết được nguyên nhân cốt lõi là sự kém hiệu năng của các cơ quan quản lý. Đó là chưa kể đến việc, hiệu quả trên thực tế của việc tăng mức hình phạt này theo đánh giá của các chuyên gia là không quá lớn. Theo TS Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật hành chính - hình sự Bộ Tư pháp, thì xử lý vi phạm hành chính còn nhanh gọn kịp thời chứ chờ xử lý hình sự thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Điều này sẽlàm giảm tính răn đe của biện pháp truy cứu hình sự với việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm.
Chưa kể, hệ quả lớn nhất của việc thiên về tăng mức hình phạt như một biện pháp răn đe này cũng đang làm Việt Nam mất đi một cơ hội thử nghiệm quý giá để giải quyết vấn đề hiệu quả quản lý nền kinh tế của các cơ quan chức năng. Rõ ràng là chúng ta không thể áp dụng biện pháp tăng mức hình phạt và xử lý hình sự vào các địa hạt khác của nền kinh tế, chẳng hạn như cải cách môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang coi như một mục tiêu trọng tâm. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tiến tới cải cách nền kinh tế, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và phục vụ, thì vấn đề cốt lõi vẫn là cải cách bộ máy quản lý. Trong nhận thức đó, thì rõ ràng vấn đề ATTP hiện nay là một cơ hội quý giá để thử nghiệm các giải pháp đã đề ra, thay vì lạm dụng việc tăng mức hình phạt như đã làm.
Ngoài ra, một khi giải quyết được vấn đề ATTP, thì đó cũng sẽ là chìa khóa để Việt Nam cải cách nền nông nghiệp vốn đang quá lạc hậu và trì trệ. Theo đánh giá của các chuyên gia, một khi các hiệp định thương mại lớn như TPP hay EVFTA đi vào hoạt động, thì nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những lĩnh vực sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép nhất do tình trạng lạc hậu của mình. Nếu giải quyết được dứt điểmvấn đề ATTP mà việc cải thiện khả năng quản lý là yếu tố mấu chốt, thì nền nông nghiệp cũng sẽ tức khắc được cởi trói và thoát khỏi tình trạng trì trệ bấy lâu nay.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)